Ngày 12/11, ở vùng núi Quảng Nam có mưa, nguy cơ sạt lở đất tiếp tục đe doạ cuộc sống người dân. Trong khi đó, một số thủy điện xả lũ nên những vùng thấp trũng tiếp tục ngập lụt.
Đêm 11/11, tại vùng núi Quảng Nam có mưa, một số nơi ở các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, bị sạt lở. Trên Quốc lộ 40B đoạn qua xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My xuất hiện điểm sạt lở lớn, hàng trăm khối đất đá tràn ra đường, gây ách tắc giao thông. Đường từ huyện Bắc Trà My lên Nam Trà My tê liệt hoàn toàn.
Lực lượng chức năng huyện Bắc Trà My vẫn đang tìm kiếm người đàn ông mất tích do sạt lở núi vùi lấp trên Quốc lộ 40B, xảy ra chiều qua tại Km 66, đoạn qua thôn 3 xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My. Tại thời điểm xảy ra vụ việc có 9 người đi qua khu vực này. Trong đó 5 người đã chạy thoát, 4 người bị vùi lấp. Lực lượng chức năng đã cứu được 3 người, đưa đi cấp cứu, 1 người chưa tìm thấy.
Nạn nhân mất tích là ông Huỳnh Văn Hạ, 52 tuổi, trú tại thôn 4, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Hai người bị thương nặng là ông Đoàn Ngọc Hùng, 43 tuổi, trú tại thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My và ông Huỳnh Thanh, 45 tuổi, trú tại phường Trường Xuân, thành phố Tam Kỳ đang được điều trị Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam.
Anh Lê Đình Minh, trú huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, người may mắn bị thương nhẹ trong vụ sạt lở kinh hoàng này cho biết, anh từ huyện Phú Ninh lên huyện Bắc Trà My. Khi đi đến địa phận xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, gần thủy điện Sông Tranh 2 thì thấy đất đá và cây rừng ở trên núi đổ xuống mặt đường, mọi người dừng xe, dọn cây cối cho các phương tiện khác lưu thông. Bất ngờ, một người hô lớn "chạy đi, chạy đi" thì anh Minh cắm đầu bỏ chạy. Ngay lúc đó, đất đá, cây cối từ trên đỉnh núi đổ xuống lấp kín một đoạn Quốc lộ 40B.
“Khi đang chặt bụi lách cùng một người thì tôi nghe tiếng “đùng đùng” và nghe tiếng hô thì chạy. Đất nó lùa sát chân. Chạy một đoạn thì tôi thấy xe cộ trôi hết xuống dưới và đoán khả năng 1 đến 2 người bị lấp, vì lúc ấy tôi thấy một chú bị thương gãy chân được đưa lên rồ”, anh Lê Đình Minh kể lại.
Mưa lớn mấy ngày qua làm hàng loạt cây cầu tạm, cầu treo ở các huyện miền núi Nam Trà My, Tây Giang, Nam Giang hư hỏng nghiêm trọng. Riêng đường lên các xã biên giới Ch'Ơm, Ga Ry, huyện Tây Giang từ gần nửa tháng nay vẫn trong tình trạng cô lập, chia cắt do sạt lở đất liên tục xuất hiện tại nhiều điểm.
Từ đêm qua các thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia và Thu Bồn xả lũ khiến một số địa phương ở vùng thấp trũng thuộc các huyện Xuy Xuyên, Đại Lộc, thị xã Điện Bàn, TP. Hội An lại bị ngập lụt. Ghi nhận tại thành phố Hội An đêm qua 11/11, nước dâng cao, ngập lên nhiều tuyến đường ở khu vực phố cổ Hội An và xã Cẩm Thanh, TP. Hội An.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, 44 tuổi, phường Minh An, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Rút kinh nghiệm từ lần lụt trước khi một số người bị mưa lũ chia cắt, thì lần này những người già họ đến các chỗ khô ráo ở khi lũ lên. Vì thế bà con không ai bị sao”.
Trong những ngày tới, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiếp tục có mưa, đặc biệt là ảnh hưởng của cơn bão số 13 (Vamco) nên thời tiết sẽ nguy hiểm. Để ứng phó với thời tiết diễn biến thất thường, tỉnh Quảng Nam yêu các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Ngành Y tế tỉnh Quảng Nam đề nghị các địa phương tăng cường vệ sinh phòng dịch, khử khuẩn nước sạch cho người dân vùng lũ.
Ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết: “Sở Y tế Quảng Nam đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Bắc Trà My sơ cấp cứu cho các bệnh nhân tại hiện trường. Sau đó chuyển về bệnh nhân về Đa khoa tỉnh Quảng Nam. Hiện các bệnh nhân này sẽ được điều trị miễn phí, sức khỏe đã dần ổn định”./.
Thanh Thắng/VOV-miền Trung