Bộ trưởng Tô Lâm: 'Bộ Công an không ngại quản lý cơ sở cai nghiện'

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an hoan nghênh ý kiến đóng góp của các ĐBQH cho dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

 

Sáng 13/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), với 26 đại biểu đăng ký phát biểu và 3 đại biểu tham gia tranh luận.

Đại diện cơ quan soạn thảo, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá ý kiến đóng góp của các đại biểu rất đa dạng, sâu sắc và tâm huyết. Trong đó, có những vấn đề rất lớn về cơ cấu lại, vấn đề chính sách cụ thể về từ ngữ chi tiết…“Các ĐBQH nhắc đến từ “con nghiện”, nhưng trong dự thảo luật không hề có. Chúng tôi rất trân trọng lắng nghe và sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu”, Đại tướng Tô Lâm nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, các ý kiến đóng góp của các ĐBQH tập trung vào 3 vấn đề. Thứ nhất, Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi), nhưng nội dung “phòng” lại quá ít. Các đại biểu có ý kiến về thành lập một Chương riêng về “phòng”. Đây là một ý kiến khó, nhưng cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu.

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Quốc hội

“Trong toàn bộ quan điểm chung khi đề xuất xây dựng dự Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi), việc đưa “phòng” là rất lớn và những điều khoản chi tiết trong toàn bộ hệ thống dự luật đều bao quát vấn đề này. Từ việc đấu tranh phòng chống tội phạm đã tính đến việc phòng ngừa, ngăn chặn được và giảm được nguồn cung ma tuý, tiếp đến là giảm nhu cầu”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, dự luật đặt trọng tâm vào con người, trong đó, đối tượng tội phạm về ma tuý không có ý kiến đại biểu bổ sung. Tuy nhiên, với vấn đề người nghiện và sử dụng ma tuý lại rất được các đại biểu quan tâm với những mức độ xử lý khác nhau. Trong đó, với người sử dụng ma tuý trái phép chưa có biện pháp xử lý hành chính, mà chủ yếu là vận động và giáo dục - mức độ quản lý nhẹ nhất. Với người nghiện ma tuý, bắt đầu có các biện pháp và chế tài trong xử lý hành chính. Trường hợp tội phạm đã có biện pháp xử lý hình sự.

Nhiều đại biểu cũng băn khoăn về thái độ xã hội với những người sử dụng ma tuý trái phép, cũng như người nghiện ma tuý. “Vấn đề này cũng còn những ý kiến khác nhau và chúng tôi sẽ nghiên cứu rất kỹ ý kiến các đại biểu. Người nghiện ma tuý hiện rất đa dạng, trí thức có, cán bộ có, thanh niên và thậm chí trẻ em cũng có… Bên cạnh những đối tượng có tiền án, tiền sự và những vi phạm pháp luật thì có những người có bệnh tật như HIV, lao, phổi…Thái độ của xã hội với người nghiện, người sử dụng trái phép ma tuý thể hiện trong luật rất rõ ràng”, Đại tướng Tô Lâm nói.

Thứ 3, nhiều đại biểu quan tâm đến cơ quan chủ trì, cơ quan chuyên trách phòng, chống ma tuý. Chúng ta huy động cả xã hội, cả hệ thống chính trị, mọi người dân vào cuộc và có trách nhiệm với cuộc chiến chống ma tuý. Chuyên trách ở đây không chỉ có biên phòng, cảnh sát biển hay hải quan… mà còn giáo dục đào tạo, y tế, Toà án, VKS, UBND các cấp và cả các doanh nghiệp…

“Cơ quan chủ trì trong các quy định chung là Bộ Công an và Bộ Công an không ngại quản lý cơ sở cai nghiện”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh./.

Lê Lam/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận