Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ các nước vào Việt Nam là rất lớn
Sáng 24/11, tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Dịch bệnh đã bùng phát trở lại trong mùa đông xuân tại nhiều nơi trên thế giới. Nhiều quốc gia, đặc biệt tại khu vực châu Âu, đã phải tái thiết lập việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội nhưng sự lây nhiễm covid-19 không có xu hướng chậm lại, đó là điều vô cùng quan ngại.
Bên cạnh đó, GS Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng, sau khi tiến hành đánh giá về sinh học phân tử và giải trình tự gen, các nhà khoa học vẫn chưa thấy virus SARS-CoV-2 có điểm bất thường. Hệ số lây nhiễm của dịch bệnh không tăng nhưng tốc độ lây nhiễm cao.
“Quần thể nhiễm ở các nước trên thế giới ở mức độ rất cao, vì vậy việc phòng chống Covid-19 ở các nước này khó khăn hơn rất nhiều. Nếu nước ta ở trong bối cảnh như các nước này thì hệ thống y tế của chúng ta khó đáp ứng được theo nhu cầu về việc điều trị đối với Covid-19”- ông Long nêu rõ.
Bộ Y tế cũng cho biết, trong ngày 23/11, có khoảng 5.000 người nhập cảnh, xuất cảnh, trong đó có 77 trường hợp nhập cảnh trái phép ở khu vực phía Bắc, đối với phía Nam có khoảng 2-3 trường hợp. Vì vậy, Bộ Y tế vô cùng quan ngại và lo lắng về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ các nước vào Việt Nam là rất lớn và hiện hữu.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, đối với khu cách ly, mặc dù Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 đã có rất nhiều hướng dẫn, văn bản đôn đốc, kiểm tra giám sát nhưng vẫn còn một số địa phương có tình trạng lơ là, chểnh mảng trong vấn đề giám sát thực hiện cách ly theo các quy định. Đặc biệt, đối với việc cách ly ở các khách sạn, những cơ sở lưu trú dân sự. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan cũng chưa thực sự chặt chẽ.
“Mỗi một chuyến bay đều có người mắc Covid-19. Vì vậy, chúng ta không thể đảm bảo chắc chắn 100% là ngăn chặn, kiểm soát tốt vấn đề cách ly và không để lây nhiễm ra ngoài cộng đồng”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lo ngại.
Về vấn đề xét nghiệm, Bộ Y tế liên tục đề nghị các đơn vị tăng cường việc giám sát, xét nghiệm nhưng số mẫu xét nghiệm cũng chỉ khoảng 4.000 mẫu/ngày. Theo ông Nguyễn Thanh Long, trong thời điểm hiện nay, nếu xét nghiệm như vậy thì sẽ không dễ phát hiện ra những trường hợp nhiễm Covid-19. So với những trường hợp có triệu chứng cúm, có dấu hiệu lâm sàng, biểu hiện viêm phổi nặng thì con số xét nghiệm rất thấp. Bên cạnh đó, tại một số nơi tốc độ xét nghiệm còn rất chậm, lấy mẫu không kịp so với xét nghiệm.
“Đề nghị các địa phương phải luôn nhớ, chuẩn bị cho những tình huống xấu có thể xảy ra trên địa bàn của mình để khi xảy ra không bị luống cuống, phải bình tĩnh để đối mặt với dịch và thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống dịch. Như vậy chúng ta mới ngăn chặn được. Bài học của chúng ta là xét nghiệm càng nhanh, phát hiện càng nhanh thì việc cách ly, khoanh vùng dập dịch sẽ càng nhanh”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Đại dịch Covid-19 sẽ kéo dài đến năm 2021
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhận định, thời gian tới, số ca mắc Covid-19 và tử vong trên thế giới sẽ tiếp tục gia tăng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng đại dịch Covid-19 sẽ kéo dài đến năm 2021.
Trong bối cảnh Việt Nam sẽ đón nhiều chuyên gia, công dân Việt Nam trở lại để học tập, thúc đẩy phát triển kinh tế, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực, đặc biệt ở các khu đô thị lớn có mật độ dân cư cao, các khu vực tập trung đông người như cơ sở y tế, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp bởi không ít người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch (không đeo khẩu trang khi ra ngoài, tụ tập ăn uống, vui chơi đông người,…)
Ông Tấn cũng cho rằng, vaccine phòng Covid-19 vẫn chưa được tiếp cận và sử dụng ở Việt Nam. Vì vậy, trong thời gian tới, biện pháp quan trọng nhất để phòng dịch Covid-19 là giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng./.
Minh Khánh/VOV.VN