Xây dựng Chính quyền điện tử ở Nam Định: Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm

  • 03/12/2020 04:38:17
  • Vân Hồng
  • Xã hội
  • 0

Nam Định đã hoàn thành các nhiệm vụ của Chính phủ giao tại Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ ...

 

Nam Định đã hoàn thành các nhiệm vụ của Chính phủ giao tại Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020 và sẵn sàng thực hiện các yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu và các yêu cầu khác từ Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Triển khai đồng bộ

Triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP, UBND tỉnh Nam Định đã xây dựng Kế hoạch hành động số 46/KH-UBND ngày 29/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025. Kế hoạch đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu theo đúng quan điểm chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh. Đồng thời, phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm đối với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ. Các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết để tổ chức thực hiện tại đơn vị, địa phương mình.

Từ năm 2017 tỉnh Nam Định đã xây dựng nền tảng công nghệ phát triển chính phủ điện tử, cập nhật khung kiến trúc chính quyền điện tử và xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.

Đến năm 2019, tỉnh phê duyệt điều chỉnh Dự án phát triển hạ tầng khung chính quyền điện tử tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2020 với nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung của tỉnh (LGSP). Nền tảng LGSP tỉnh Nam Định được xây dựng và chính thức đi vào hoạt động, đã được kết nối với nền tảng NGSP của Bộ thông tin truyền thông. Trong thời gian tới, nền tảng LGSP tỉnh Nam Định sẽ kết nối các hệ thống thông tin của tỉnh và kết nối với các hệ thống, cơ sở dữ liệu của của các bộ, ngành, địa phương khác theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tỉnh Nam Định xác định xây dựng các thủ tục hành chính công theo mức hiện đại.

Ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, cho biết: hiện nay tỉnh Nam Định đã kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng cung cấp dịch vụ công quốc gia và phần mềm quản lý Lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp. Trong thời gian tới tỉnh Nam Định xác định xây dựng các thủ tục hành chính công theo mức hiện đại để người dân, doanh nghiệp được áp dụng, tiếp cận dịch vụ cao nhất. Nam Định đang tiếp tục đang đầu tư cho các cấp các ngành, đặc biệt là UBND cấp phường xã về các cơ sở thiết bị tin học cũng như các điều kiện để xây dựng chính quyền điện tử từ trên xuống dưới.

Chỉ số hiện đại hóa nền hành chính đứng thứ 18

Chỉ số hiện đại hóa nền hành chính trong Bộ chỉ số Par Index của tỉnh Nam Định được Bộ Nội vụ đánh giá đứng thứ 18/63 tỉnh thành, đạt Nghị quyết ĐH Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIX tỉnh Nam Định đề ra.

Tỉnh xây dựng Trục liên thông văn bản của tỉnh kết nổi Trục liên thông văn bản quốc gia: Trục liên thông văn bản tỉnh Nam Định hoạt động ổn định, đảm bảo việc gửi, nhận văn bản điện tử của tỉnh Nam Định liên thông đến 100% các cơ quan nhà nước tỉnh Nam Định và liên thông đến 100% các Bộ, ban, ngành Trung ương và 62 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tỉnh Nam Định phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ cấp trên 2.100 chữ ký số. Bình quân mỗi tháng có gần 50.000 văn bản đến và 7.000 văn bản đi được xử lý liên thông. Giờ đây, việc tiếp nhận các văn bản chỉ đạo, điều hành và ký trực tiếp bằng chữ ký số được thực hiện liên thông trên hệ thống mạng đến tận cấp xã. Hầu hết các lãnh đạo Sở, ngành, huyện, Thành phố đã ký số liên thông trên Ipad và điện thoại thông minh - hướng tới sẽ mở rộng đến cán bộ cấp xã.

Ông Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết, Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và vận hành ổn định cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tích hợp hệ thống thông tin một cửa điện tử và triển khai đến tất cả các cơ quan nhà nước 3 cấp.

Bên cạnh đó, tỉnh đã hoàn thành dữ liệu Hệ thống báo cáo số liệu theo phương pháp cầm tay chỉ việc hướng dẫn đến cán bộ từng xã cập hệ thống chỉ tiêu kinh tế xã hội lên cổng dữ liệu quốc gia, cũng là số ít tỉnh hoàn đã thành nhiệm vụ này trong cả nước. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh được triển khai hiệu quả đến cấp xã, các cuộc họp từ UBND tỉnh đến UBND cấp xã được kết nối thông suótt và thườg xuyên diễn ra. Trên 5.400 tài khoản thư điện tử đã được cấp cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh phục vụ trao đổi, gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước.

Tháng 6/2020, tỉnh Nam Định đã hoàn thành việc xây dựng và kết nối trục LGSP và trung tâm SOC, Trung tâm chính phủ điện tử tỉnh, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đặc biệt, tỉnh Nam Định đã và đang thí điểm vận hành bước đầu đạt hiệu quả dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn Thành phố Nam Định. Ông Vũ Trọng Quế chia sẻ: “Chúng tôi đã xây dựng hoàn thành 2 app đó là "IOC Nam Định" cho cán bộ và "Smart Nam Định" cho người dân. Sở đã phối hợp với Tỉnh Đoàn hướng dẫn trên 3000 lượt người cài đặt, trong thời gian tới phối hợp với các trường Đại học, trường phổ thông - tiếp tục cài đặt . Đây là công việc cốt lõi, là điểm khởi nguồn cho hệ thống rất nhiều các công việc xây dựng Chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số, đô thị thông minh tỉnh Nam Định trong thời gian tới”.

Tranh thủ sức mạnh của thời đại

Ông Vũ Trọng Quế đưa ra giải pháp: tranh thủ sức mạnh của thời đại trong việc triển khai có hiệu quả xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới xây dựng Chính quyền số, xã hội số và đô thị thông minh tỉnh Nam Định. Theo ông Quế, hiện tại, chúng ta có hàng ngàn công việc để làm, mỗi ngành, mỗi cấp đều có nhiều lĩnh vực để đưa công nghệ thông tin vào áp dụng. Tuy vậy, công việc nào nên làm trước, công việc nào phát huy được hiệu quả cao, công việc nào ảnh hưởng phạm vi rộng... đây là câu hỏi thường trực và cũng có kết quả thường xuyên thay đổi bởi nó nằm trong bối cảnh các công nghệ nền tảng luôn luôn được phát triển mở rộng, được cập nhật, bổ sung.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền về Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuyên truyền Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các tỉnh, Thành phố trực thuộc TW đã được Bộ vừa mới ban hành theo quyết định 1726/QĐ-BTTTT. Tuyên truyền về công việc xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới xây dựng Chính quyền số, xã hội số, nền kinh tế số và đô thị thông minh, tỉnh Nam Định.

“Chúng tôi cũng xác định có tuyên truyền đúng, đủ thì mới có nhận thức đúng, đủ và khi có nhận thức đúng, đủ thì mới hành động tự giác, quyết liệt và có hiệu quả. Tuyên truyền cho cán bộ, công chức, người dân đều phải thấy rằng ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc sống là việc tất yếu phải làm, đương nhiên phải áp dụng”, ông Quế cho biết thêm.

BOX: Nam Định cung cấp trên 1.671 thủ tục hành chính, trong đó có 1.100 thủ tục mức độ 3, 4 (66%). Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn năm 2019 đạt 99,5%. Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã kết nối với Cổng cung cấp dịch vụ công Quốc gia, kết nối với nền tảng thanh toán trực tuyến của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và kết nối đến hệ thống thông tin của một số Bộ, ngành, như: phần mềm cấp Lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp, phần mềm đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch Đầu tư.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận