Nam Định 'giữ lửa' xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

  • 10/12/2020 10:52:59
  • Vân Hồng
  • Xã hội
  • 0

Nam Định là 1 trong 2 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới sớm nhất cả nước

 

Là 1 trong 2 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) sớm nhất cả nước (2019) nhưng với phương châm xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm dừng, trước khi bước vào giai đoạn mới (2021- 2025), Nam Định đã nỗ lực xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

“Sáng, Xanh, Sạch, Đẹp để phát triển bền vững”

Hải Quang là một xã nằm phía Đông Nam của huyện Hải Hậu, kinh tế của xã phát triển chủ yếu dựa vào nông nghiệp ít có nghề phụ, không có làng nghề truyền thống. Thu nhập bình quân đầu người thấp, chủ yếu dựa vào trồng lúa, cây dược liệu và một số ngành nghề nhỏ khác. Bên cạnh đó, diện tích tự nhiên rộng lớn nên việc xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, các công trình phúc lợi gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây nhờ phát động phong trào xây dựng NTM, đặc biệt là xây dựng NTM kiểu mẫu “Sáng, Xanh, Sạch, Đẹp để phát triển bền vững” mà xã Hải Quang thay đổi diện mạo, trở thành miền quê đáng sống. Ông Phạm Văn Đà, Chủ tịch UBND xã Hải Quang cho biết, ban đầu khi thực hiện xã gặp nhiều khó khăn, nhất là việc làm mới hệ thống điện. Trước đây cột điện bằng bê tông, dây dẫn bằng thép nhỏ cũng kiên cố nên khi xây dựng thay đường điện mới nhiều người cho là lãng phí. Nắm bắt tâm tư của người dân, lãnh đạo xã đã tuyên truyền, vận động người dân nhận thức về hiệu quả của việc thực hiện đồng bộ các tiêu chí NTM kiểu mẫu theo đúng tinh thần chỉ đạo Huyện uỷ, UBND huyện.

Nhờ đó, xã đã xây dựng được hệ thống điện chiếu sáng riêng biệt với 1.100 cột đúc, đèn led, dây điện ngầm. Cùng với đó, các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã được mở rộng, khang trang với chiều rộng đường chính là 7m, liên xóm là 6 m, ngõ xóm là 5 m.. Dọc hai bên đường điểm tô bởi các bồn hoa được chăm sóc tỉ mỉ. Đặc biệt, xã đã sửa lại toàn bộ hệ thống lò đốt rác và thực hiện tuần 3 buổi phân loại rác sau đó đưa ra bể xử lý rác thải, nên môi trường luôn được đảm bảo.

Nam Định hướng tới xây dựng nông thôn hiện đại, nhưng vẫn giữ được bản sắc.

Cảnh quan thay đổi, người dân thêm yêu hơn mảnh đất mình đang sống. Đó là động lực để họ tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu từ phát triển chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp. Năm 2019 tổng sản lượng lương thực đạt 5.500 tấn, khai thác, tổng thu nhập toàn xã từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất, dịch vụ ước đạt 250 tỷ đồng,

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh phát triển cây dược liệu, các ngành tiểu thủ công nghiệp khác đã giải quyết nhiều việc làm cho lao động lúc nông nhàn đem lại thu nhập rất cao.

Các đoàn thể chi hội của xã thành lập quỹ để hỗ trợ, cho vay giúp các hộ hộ vươn lên. UBND xã cũng tạo mọi điều kiện tốt nhất để các hộ nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Vì thế, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trong toàn xã chỉ còn 0,77%, xóm không còn có hộ nghèo, bình quân thu nhập đạt 50 triệu đồng/người/năm…

Sức lan toả từ mô hình thí điểm

Hải Quang không phải là xã duy nhất trong tỉnh Nam Định gặt hái thành công trong việc xây dựng NTM kiểu mẫu. Theo báo cáo sơ kết 02 năm thực hiện Đề án xây dựng thí điểm mô hình huyện Hải Hậu NTM kiểu mẫu “Sáng, Xanh, Sạch, Đẹp để phát triển bền vững”; đề xuất tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021- 2025, về xây dựng NTM kiểu mẫu, cùng với Hải Quang, Hải Hậu có hai xã là Hải Thanh, Hải Châu cũng đã cơ bản hoàn thành xã NTM kiểu mẫu “Sáng, Xanh, Sạch, Đẹp”, và 02 xóm được công nhận đạt chuẩn, 131 xóm, tổ dân phố được công nhận cơ bản đạt chuẩn.

Toàn huyện có bốn tuyến đường kiểu mẫu cấp huyện dài 16 km, 64 mô hình văn hóa, thể thao và 01 mô hình khu xử lý rác thải cấp xã thân thiện với môi trường tại xã Hải Hà. Hoàn thành xây dựng 51 mô hình quản lý, phân loại rác thải tại nguồn cấp xóm. Mỗi hộ sử dụng thùng rác 2 ngăn để phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ, có hố xử lý rác thải hữu cơ tại vườn.

Song song với việc chỉ đạo xây dựng NTM kiểu mẫu, Hải Hậu đồng thời chỉ đạo các xã xây dựng NTM nâng cao và giữ vững kết quả xây dựng NTM sau 05 năm đạt chuẩn. Đến nay, toàn huyện có 546 xóm, tổ dân phố đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 524 xóm duy trì đạt chuẩn NTM nâng cao từ hai đến bốn năm liên tục. Bình quân các xã, thị trấn đạt 17,5/19 tiêu chí xã NTM nâng cao. Có 13 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, hiện đang hoàn thiện hồ sơ căn cứ chứng minh và chuẩn bị tốt các điều kiện để đoàn thẩm định NTM của tỉnh về thẩm định.

Một trong những mô hình điểm của xã Hải Quang

Phong trào xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu ở Nam Định lan toả không chỉ ở Hải Hậu mà đến từng tổ dân cư, từng thôn, từng xóm trong tỉnh. Ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, được sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh, sự cố gắng của các ngành, địa phương và nhân dân nên Chương trình xây dựng NTM năm 2020 trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Nam Định hiện có: 6 xã đã cơ bản hình thành các mô hình xã NTM kiểu mẫu “Sáng, Xanh, Sạch, Đẹp, An toàn” và 10 thôn (xóm) đã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 131 thôn, tổ dân phố được công nhận cơ bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 13 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2019, dự kiến đến hết năm 2020 có thêm ít nhất 51 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Tổng số vốn huy động thực hiện xây dựng NTM từ đầu năm đến tháng 11-2020 đạt 3.173 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm 22,3%, vốn tín dụng 59,3%, vốn cộng đồng dân cư 10,7%, vốn lồng ghép 3,9% và vốn doanh nghiệp 3,8%. Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự chủ động huy động nguồn lực của các địa phương và tự nguyện đóng góp của người dân, đến nay Nam Định không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 48,5 triệu đồng/người, năm 2020 ước đạt 52 triệu đồng/người. Các tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn nông thôn… đều được cải thiện.

Xây dựng nông thôn hiện đại, bản sắc

Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng trong thực hiện nhóm tiêu chí sản xuất – thu nhập – hộ nghèo trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và được các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia hưởng ứng. Ông Nguyễn Sinh Tiến đánh giá, tiềm năng phát triển sản xuất từ sản phẩm chủ lực, làng nghề, đặc sản địa phương tại Nam Định còn rất lớn. Chính vì thế, 11 tháng đầu năm 2020, chương trình OCOP tiếp tục được tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Cụ thể:

Tháng 2-2020, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của Nam Định đã họp đánh giá, phân hạng đợt một đối với 26 sản phẩm, trong đó có một sản phẩm đạt 4 sao, 25 sản phẩm đạt 3 sao.

Tháng 9-2020, Hội đồng tiếp tục đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt hai cho 86 sản phẩm của 56 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn 10 huyện, thành phố. UBND tỉnh đã ra quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đối với 84 sản phẩm, trong đó có 10 sản phẩm 4 sao và 74 sản phẩm 3 sao.

Kết quả luỹ kế đến nay, toàn tỉnh có 146 sản phẩm OCOP (trong đó có 118 sản phẩm 3 sao và 28 sản phẩm 4 sao), vượt 46% so chỉ tiêu kế hoạch năm 2020.

Đặc biệt, tỉnh Nam Định được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá là một trong bốn tỉnh thực hiện tốt nhất Chương trình OCOP.

Bên cạnh những kết quả đạt được, xây dựng NTM tại Nam Định còn tồn tại một số hạn chế như: phong trào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở các địa phương trong tỉnh không đồng đều, một số địa phương chưa thực sự sôi động, kết quả chưa như mong đợi. Số lượng sản phẩm OCOP chưa tương xứng với tiềm năng. Các sản phẩm tập trung chủ yếu tại các huyện Hải Hậu, Ý Yên và TP. Nam Định, các huyện khác còn ít sản phẩm. Việc cải tiến, nâng cấp sản phẩm còn chậm, chất lượng một số sản phẩm chưa cao, sản phẩm mới còn ít.

Bên cạnh đó, tiến độ xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung ở một số địa phương còn chậm. Ở một số xã đã có hệ thống cung cấp nước sạch nhưng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch chưa cao. Ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân ở một số nơi còn hạn chế. Việc huy động các nguồn lực xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn lực đầu tư cải tạo nâng cấp trường học…

Mục tiêu đến năm 2025, Nam Định hướng tới xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại kết nối đồng bộ với đô thị, cảnh quan và môi trường sạch đẹp, đồng thời giữ gìn được bản sắc tốt đẹp của nông thôn Nam Định. Người dân ở nông thôn có thu nhập khá, ổn định, có điều kiện sống văn minh. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao.

Mục tiêu đến năm 2025, Nam Định có 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao, 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 50% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và huyện Hải Hậu được công nhận huyện NTM kiểu mẫu.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận