Ngày 7/1, thông xe cầu Thăng Long sau 150 ngày 'đại tu'

Đại diện Bộ GTVT cho biết dự án sửa chữa cầu Thăng Long sẽ hoàn thành và đưa vào thông xe khai thác ngày 7/1, phương tiện có tốc độ lưu thông tối đa 80km/h.

 

Bộ GTVT đã chính thức "chốt" ngày thông xe cầu Thăng Long (Hà Nội) sau gần 5 tháng sửa chữa mặt cầu.

Theo đại diện Bộ GTVT, dự án sửa chữa cầu Thăng Long sẽ hoàn thành và đưa vào thông xe khai thác ngày 7/1/2021, phương tiện có tốc độ lưu thông tối đa 80km/giờ.

Việc thông xe lại cầu Thăng Long vào dịp gần Tết Nguyên đán sẽ giảm tải đáng kể cho cầu Nhật Tân và giúp lưu thông tuyến đường vành đai 3 Mai Dịch-Nam Thăng Long đã được khánh thành trong năm 2020.

Cầu Thăng Long xây dựng từ năm 1974 và thông xe đưa vào sử dụng từ tháng 5/1985. Tuy nhiên, sau thời gian dài khai thác, mặt cầu đã bị hư hỏng và tiến hành sửa chữa lớn vào năm 2009 và sửa chữa cục bộ một số năm sau đó nhưng vẫn không thể triệt để hoàn toàn.

Do đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã phối hợp với các đơn vị chức năng để nghiên cứu, phân tích các nguyên nhân hư hỏng và đưa ra giải pháp sửa chữa, trong đó có công nghệ hàn đinh neo Plasma và bê tông siêu tính năng UHPC là giải pháp kinh điển trong sửa chữa cầu trên thế giới.

Bộ GTVT cho biết dự án sửa chữa cầu Thăng Long sẽ hoàn thành và đưa vào thông xe khai thác ngày 7/1/2021, phương tiện có tốc độ lưu thông tối đa 80km/giờ.

Ngày 16/8, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã chính thức được khởi công đồng thời cơ quan chức năng cũng tiến hành “phong tỏa” toàn bộ cầu và có hướng dẫn phân luồng phương tiện lưu thông qua các tuyến đường khác.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, mặt cầu Thăng Long trước kia là bản mặt tấm thép dày 14 ly được thảm bê tông nhựa phía trên bề mặt và phương tiện lưu thông sẽ làm mặt cầu rung và dao động.

“Khi sửa chữa, mặt cầu được gia cố bằng lớp bê tông siêu tính năng kết nối thêm lớp bê tông nhựa polymer phía trên dày 4cm. Chưa kể giữa 2 lớp nhựa này được gia cường thêm với 1,4 triệu đinh neo và thép bản mặt cầu nên cầu Thăng Long sẽ tồn tại vĩnh cửu và sử dụng hàng trăm năm. Hiện nay, mặt cầu có độ cứng gấp 3 lần so với trước đây,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.

Với công trình này kết cấu được thực hiện bằng các giải pháp khoa học và kỹ thuật mới và có độ bền tốt nhất, người đứng đầu ngành giao thông tin tưởng riêng với lớp thảm bê tông nhựa tạo nhám (dày 4cm) trên cùng của mặt cầu sẽ tồn tại từ 5-10 năm mới phải làm lại.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng mong muốn, Hà Nội sớm có hệ thống kiểm soát tải trọng xe tại hai đầu cầu để đảm bảo bền vững kết cấu của cầu Thăng Long.

Cầu Thăng Long gồm cầu chính vượt sông dài 1.680m gồm 1 nhịp dàn thép, tạo thành liên dầm liên tục, mỗi liên có độ dài 112m/nhịp x 3 nhịp. Cầu gồm 2 tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ. Cầu đường sắt và xe thô sơ nằm phía dưới, cách tầng trên 14,1m, rộng 17m. Cầu ôtô nằm ở tầng trên có chiều rộng 20,5m phần đường ô tô rộng 16,5m gồm 4 làn xe, chiều rộng hành lang bộ hành 2 bên 2m.

Các nhịp cầu dẫn của đường sắt có kết cầu bằng các nhịp dầm bên tông cốt thép dự ứng lực chiều dài 3m/nhịp, có tổng cộng 116 nhịp cầu dẫn đường sắt (5 nhịp phía Bắc và 6 nhịp phía Nam), tổng chiều dài 3.23m./.

Phi Long/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận