Sáng 27/1, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải mô tô, xe máy đang lưu hành trên địa bàn, góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí.
Tại hội nghị, ông Đinh Trọng Khang, Phó Giám đốc Viện Môi trường (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải) đề xuất phương án kiểm soát khí thải xe máy sẽ thực hiện ở khu vực trung tâm, sau đó mở rộng ra toàn thành phố.
Giai đoạn chuẩn bị (2021 - 2022) sẽ tuyên truyền vận động người dân và đến 2023 - 2024 sẽ kiểm tra khí thải toàn bộ xe máy đang lưu hành trên địa bàn. Mức phí kiểm tra khí thải là 50.000 đồng/xe/năm, miễn phí đối với các hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo. Kinh phí thực hiện đề án là hơn 553 tỷ đồng và đến năm 2030 dự kiến nguồn thu từ việc kiểm tra khí thải có thể lên đến 2.200 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Bùi Hoà An cho biết, thành phố có mật độ dân số đứng thứ hai ở Đông Nam Á, phương tiện cá nhân phát triển đáng báo động với 7,5 triệu xe máy và 2/3 trong số này là xe máy cũ. Thành phố cũng đang là một trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới… Kết quả quan trắc 30 vị trí trên địa bàn TP.HCM cho thấy có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO… bụi mịn PM10, PM 2.5 gia tăng từ 1,9 đến 2,2 lần, gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ.
Theo ông Bùi Hoà An, việc thiếu quy định pháp lý về kiểm định khí thải định kỳ đã dẫn đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy vẫn chưa được xem xét, phê chuẩn và ban hành; chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông đường bộ không thực hiện kiểm định, xe không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải. Sở Giao thông Vận tải TP.HCM kiến nghị các bộ ngành sớm ban hành hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở cho việc thực hiện kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn…
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM mong muốn tiếp tục hợp tác với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu để triển khai Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, Chiến lược quốc gia đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045… nhằm góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Bùi Hoà An nói: "Các giải pháp mà chương trình đề ra nhằm góp phần giảm ô nhiễm môi trường, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân thành phố. Trước mắt, Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền kiểm định khí thải, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, xe đạp và nghiên cứu các chính sách hỗ trợ người dân khi xử lý thu hồi các phương tiện cũ nát gây ô nhiễm môi trường.
Được biết, đề án thu phí kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đã được Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện. Đa số các chuyên gia cho rằng việc kiểm soát khí thải là cần thiết nhưng cần phải làm rõ tác động đối với xã hội, nhất là với người lao động có thu nhập thấp bởi đây là những người bị ảnh hưởng đầu tiên. Ngoài ra, cần phải làm rõ, có phải xe máy là tác nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường hay không./.
Theo VOV.VN