Những video xấu độc ảnh hưởng đến trẻ em như thế nào?

Theo TS.BS Ngô Anh Vinh, video độc hại trên mạng gây tác động tai hại, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ và có thể dẫn tới các rối loạn về tâm lý.

 

Bé gái 15 tuổi ở Hà Nội nhập viện điều trị chứng trầm cảm tại Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương từ tháng 10/2020. Mẹ của cháu chia sẻ, thời gian đó trước đó, cháu P. thường xuyên mệt mỏi, cáu gắt, không tập trung, không kiểm soát được cảm xúc. Đi học, cháu không hòa đồng với các bạn, ít chia sẻ, tâm sự với những người thân trong gia đình, thỉnh thoảng trẻ còn có những hành động, lời nói nhạy cảm.

“Ở nhà cháu thường xuyên xem các video trên mạng xã hội. Khi thấy cháu có biểu hiện trầm cảm, gia đình đã quan tâm, chú ý đến cháu nhiều hơn. Tôi rất lo vì nhiều khi cháu không kiểm soát được hành động của mình khiến gia đình rất sợ” - mẹ của cháu P. chia sẻ.

Trẻ mắc chứng bệnh trầm cảm đến khám, điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Thời gian gần đây, Khoa Sức khoẻ vị thành niên, thường xuyên tiếp nhận một số trường hợp trẻ dùng mạng xã hội quá mức, như truy cập, xem các video không phù hợp lứa tuổi, thời gian sử dụng quá dài… dẫn đến các rối loạn khá trầm trọng. Khi vào viện, trẻ có các biểu hiện hành vi kích động, rối loạn lo âu, trầm cảm… Ở những trẻ này, khi đến bệnh viện thường bị phát hiện muộn, không kiểm soát được việc sử dụng internet ngay từ đầu nên việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn.

TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khoẻ vị thành niên, trong thời đại công nghệ số bùng nổ, việc nghiện game, nghiện công nghệ số, đặc biệt là với trẻ em, trẻ vị thành niên với bản tính hay tò mò đã truy cập vào các trang web, xem các video độc hại, không phù hợp với lứa tuổi… là vấn đề rất thường gặp và nguy hiểm trong xã hội, gây hậu quả rất khó lường. Một đứa trẻ rất dễ truy cập vào internet khi dễ dàng truy cập vào điện thoại thông minh, nhất là các trẻ vị thành niên. Qua đây đứa trẻ có thể được tiếp nhận rất nhiều loại thông tin. Trong khi đó, nội dung các thông tin trên mạng lại rất khó kiểm soát.

“Hiện nay các video độc hại rất nhiều trên mạng với các nội dung: Bạo lực, tình dục… mà trẻ chưa thể tiếp nhận gây ra những tác động rất tai hại, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ và có thể dẫn tới các rối loạn về tâm lý. Nếu trẻ tiếp nhận trong thời gian kéo dài có thể gây nên tình trạng rối loạn tâm lý, có thể ảnh hưởng đến các mối giao tiếp trong xã hội như: Trẻ hạn chế chơi với bạn bè, bố mẹ; ảnh hưởng đến học tập vì khi trẻ xem rất dễ bị cuốn vào, thậm chí nghiện xem các video độc hại, có thể khiến trẻ ảnh hưởng sức khoẻ, chán học, bỏ học…”- BS Vinh cho biết.

TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khoẻ vị thành niên.

Theo BS Vinh, khi trẻ xem video độc hại quá lâu, ảnh hưởng tâm lý kéo dài dễ dẫn đến mắc các bệnh lý tâm thần như: trầm cảm, kích động, rối loạn hành vi… Có những video có tính kích động bạo lực khiến trẻ học theo, dễ dẫn đến hành vi tự huỷ hoại bản thân, thậm chí tự sát… Hậu quả vô cùng đáng tiếc có thể dẫn đến kết quả đau lòng nếu không can thiệp kịp thời.

Cần phát hiện trẻ khi có dấu hiệu sớm của nghiện mạng xã hội, ảnh hưởng của các nội dung xấu tránh hậu quả để lại. Có những trẻ sẽ có các biểu hiện thay đổi về sinh hoạt như: Đi học muộn, hay ngủ trong lớp, ít tham gia các sinh hoạt với gia đình như bình thường, gọi trẻ không dậy... Bên cạnh đó, các biểu hiện như: Mệt mỏi, mất ngủ, học kém, sử dụng tiền bạc bất thường không giải thích được, một số trẻ bỗng thích tụ tập với các nhóm bạn khác… Cha mẹ cần chú ý, tìm hiểu vì có thể đó là các dấu hiệu của trẻ sử dụng công nghệ số quá mức.

Công nghệ số bùng nổ là xu hướng phát triển của xã hội khi mọi người có thể kết nối thông tin với nhau, sử dụng các thông tin trong học tập, công việc. Tuy nhiên mặt trái là lạm dụng, gây nghiện, các nội dung xấu. BS Vinh cho rằng, việc cấm tuyệt đối trẻ không tiếp cận với mạng xã hội chưa phải cách hợp lý, bởi vẫn phải sử dụng để đáp ứng nhu cầu hàng ngày.

Trong lứa tuổi vị thành niên, vấn đề giám sát của bố mẹ là rất quan trọng, kể cả trẻ nhỏ. Tuy nhiên cha mẹ nên nhớ, với trẻ vị thành niên, sự giám sát phải phù hợp với sự phát triển của đứa trẻ về tâm lý, sinh lý. Nếu quan tâm quá mức, không đúng cách thì đôi khi sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ với bố mẹ, gây ảnh hưởng đến sự giao tiếp giữa gia đình với trẻ.

“Cha mẹ cần tuân thủ nguyên tắc: Tôn trọng, biết lắng nghe, không phán xét, có thời gian chia sẻ, tâm sự với trẻ, bố mẹ nên phân tích với trẻ những tác hại của sử dụng công nghệ số không đúng cách. Bố mẹ có thể giám sát qua thời gian chơi, thống nhất thời gian chơi, thời gian sử dụng điện thoại, thiết bị vào mạng trong ngày, định hướng xem nội dung như thế nào. Thậm chí sử dụng vào mục đích tốt, đúng mức”- TS.BS Ngô Anh Vinh cho biết.

BS Vinh cũng khuyến cáo cha mẹ nên tổ chức các trò chơi lành mạnh xung quanh việc sử dụng công nghệ số. Bên cạnh đó, gia đình cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường, quan tâm đến trẻ nhiều hơn, đặc biệt là trẻ vị thành niên vì các hoạt động ở trường của trẻ là chính, trẻ dùng khá lớn thời gian vào việc học tại trường./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận