Trong bối cảnh bệnh dịch còn có thể tiếp tục trở đi trở lại, thì phương án nào để đa dạng hóa các hoạt động và sản phẩm du lịch, giảm thiểu gián đoạn sinh kế của người dân và thiệt hại cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này?
Sau 3 đợt dịch Covid-19 bùng phát, khách du lịch đến Đà Nẵng giảm mạnh, việc làm của chị Trần Thị Nguyệt, một tiểu thương ở chợ đêm Sơn Trà cũng trở nên bấp bênh. Tuy vậy, chị và nhiều bà con nơi đây vẫn quyết tâm bám chợ hằng đêm để mưu sinh.
Theo ông Nguyễn Doãn Đông, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần DHTC Đa Năng, để giúp bà con tiểu thương và duy trì hoạt động chợ đêm, Ban quản lý Chợ đêm Sơn Trà đã miễn giảm chi phí thuê ki ốt, miễn tiền điện nước; đồng thời tổ chức thêm nhiều hoạt động giải trí nhằm thu hút du khách: "Sau dịch Thành phố Đà Nẵng cho các hoạt động trở lại như rồng phun lửa, phun nước, về phía Doanh nghiệp tổ chức lại chợ đêm Sơn Trà, khu ẩm thực, các hoạt động vui chơi ngoài trời, đường phố về đêm… tạo thành một quần thể, một điểm giải trí. Chính nỗ lực của DN và bà con tiểu thương đã làm cho các hoạt động sống lại dần dần".
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng chia sẻ, sau 3 đợt dịch đã khiến cho hơn một nửa số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch dịch vụ dừng hoạt động, gần 70% lao động mất việc làm. Doanh nghiệp Đà Nẵng đang tập trung đưa ra những nhóm sản phẩm mới nhằm kích cầu du lịch.
"Năm nay chúng tôi đưa vào khai thác hàng loạt sản phẩm mới như: tuyến đường biển lặn ngắm san hô, câu cá đi thuyền, tuyến CT15 sẽ đưa vào khai thác trước 30/4; khai thác tuyến du lịch trải nghiệm cộng đồng gắn với nông nghiệp, các tuyến du lịch trekking leo núi, đi bộ; khai thác tuyến du lịch đường sông…khai thác thêm phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm - một Đà Nẵng với hình ảnh rất khác sẽ được giới thiệu tới du khách", ông Cao Trí Dũng cho hay.
Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng ông Lê Trung Chinh cho biết, năm 2020 lần đầu tiên Thành phố có tăng trưởng âm do ảnh hưởng của dịch covid 19. Để khôi phục kinh tế, phát triển du lịch, Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách cho doanh nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển kinh tế đêm: "TP đã tổ chức nhiều sựu kiến văn hóa thể thao, tầm cỡ khu vực và quốc tế. Các điểm đến như: Bà Nà, núi Thần tài và nhiều điểm đến khác nhà đầu tư cũng tập trung đổi mới đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của du khách. Đồng thời nỗ lực phát triển kinh tế đêm, du lịch kết hợp hội nghị, du lịch kết hợp khám chữa bệnh".
Mũi Né từng được mệnh danh là thiên đường du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam, sau 3 đợt dịch Covid lượng khách cũng sụt giảm chưa từng có, hàng loạt cơ sở kinh doanh du lịch phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, hàng chục nghìn lao động mất việc.
Theo Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, do ảnh hưởng của dịch covid 19 các cơ sở lưu trú còn hoạt động thì công suất phòng cũng chỉ đạt từ 10 - 30%. Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc Công ty CP Bến Thành Mũi Né chia sẻ, dịch bệnh khiến doanh thu giảm hơn 50% so với trước và doanh nghiệp phải chuyển hướng tiếp cận: "Chúng tôi tập trung vào nguồn khách nội địa và tập trung vào sản phẩm du lịch an toàn, để chuẩn bị đón khách trong dịp hè đang làm nhiều chương trình kích cầu. Chúng tôi luôn tiếp cận khách hàng sớm, đặc biệt đối với khách hàng thân thiết hiện chiếm 40% có đội ngũ trực tiếp tiếp cận với khách hàng".
Còn tại Quảng Ninh, làn sóng Covid lần thứ 3 bùng phát đúng thời điểm Tết nguyên đán Tân Sửu, khiến ngành du lịch lao đao. Riêng lượng khách đến Yên Tử chỉ đạt 15% so với cùng kỳ những năm 2019 trở về trước.
Ông Lê Trọng Thanh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển Tùng Lâm chia sẻ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch văn hóa theo hướng thuận thiên là một hướng đi quan trọng. Nếu như trước đây du khách đến với Khu danh thắng Yên Tử chủ yếu trong 3 tháng lễ hội đầu năm, thì nay đã có nhiều sản phẩm và hoạt động được tổ chức cả bốn mùa.
Thích ứng với lượng khách giảm, tính đến phương án tổ chức các sự kiện, sản phẩm để kéo dài quanh năm Yên Tử 4 mùa. Công ty phối hợp với Ban trị sự Giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh tổ chức các hoạt động. Năm ngoái đã tổ chức chương trình về miền đất phật mùa thu rất thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục khai thác chuỗi sự kiện này, gắn điểm đến Yên Tử với các hoạt động về thể thao, liên hoan lân sư rồng, các khóa văn hóa trải nghiệm cho học sinh, sinh viên".
Ở một góc nhìn khác, ông Đinh Hồng Phúc, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Pha Luông (Sơn La) cho rằng, dịch bệnh là lúc để công ty đại tu lại cơ sở hạ tầng, đầu tư thêm một khu nghỉ dưỡng cao cấp nhằm đón đầu xu thế và chuẩn bị cho sự kiện Mộc Châu trở thành khu du lịch quốc gia vào năm 2025. "Chúng tôi luôn xác định trong khó khăn phải nhìn thấy cơ hội và chúng ta hãy sẵn sàng khi khách du lịch quay trở lại, không bị động, luôn sẵn sàng tâm thế đón nhận khi nền kinh tế ổn định. Vì vậy tôi khẳng định đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào nghỉ dưỡng, du lịch và bất động sản. Bởi những giá trị về bất động sản sẽ về giá trị thật của nó", ông Đinh Hồng Phúc chia sẻ.
Việc thích nghi với dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới đã được nhiều địa phương kích hoạt với những phương án khác nhau, nhằm khôi phục hoạt động du lịch cũng như tạo sinh kế cho người dân.
Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, ngoài nỗ lực của địa phương, cũng rất cần có giải pháp dài hạn giúp vực dậy ngành du lịch, tránh sự hỗ trợ nửa vời khiến DN hoạt động không nổi mà phá sản cũng không xong.
Liên tiếp 3 đợt sóng Covid-19 bùng phát, DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch gần như đã kiệt quệ. Đặc biệt, tại các thị trường có lượng khách du lịch quốc tế cao như: Đà Nẵng, Nha Trang hay Mũi Né… khi lượng khách quốc tế giảm đột ngột, các cơ sở du lịch đầu tư càng lớn thì thiệt hại càng nặng.
Hiện những DN vẫn duy trì được hoạt động đều là DN có tiềm lực mạnh về tài chính, tuy nhiên họ cũng đang gồng mình dồn hết nội lực để tồn tại, tập trung khai thác thị trường ngách và đa dạng hóa sản phẩm chờ… thị trường.
Thế nhưng, số DN này không nhiều, phần lớn DN phải đóng cửa hoặc đăng kí giải thể. Các chuyên gia dự báo, nếu dịch bệnh không được kiểm soát thì tỷ lệ cơ sở kinh doanh du lịch phải đóng cửa sẽ càng cao ở những tháng giữa năm và cuối năm nay.
Vấn đề đặt ra hiện nay cho các thành phố du lịch là làm sao giúp cho doanh nghiệp tồn tại, để khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường ấm trở lại DN phải có đủ năng lực để đón nguồn khách lớn. Vì lẽ đó, Chính phủ và các địa phương cần có chính sách tiếp tục giãn nợ vay ngân hàng cho doanh nghiệp; mặt khác xem xét miễn tiền thuê đất, thay vì giảm 15% như hiện nay.
Một vấn đề nữa chính là hàng trăm nghìn lao động trong ngành du lịch dịch vụ mất việc làm và sẽ mất việc trong xu hướng tăng dần. Những thiệt hại này cần được can thiệp bằng chính sách để người lao động có công ăn việc làm, có thu nhập và ổn định cuộc sống.
Theo nhận định của các chuyên gia ngành du lịch Việt Nam chỉ có thể phục hồi sau khi dịch bệnh Covid-19 trên thế giới được kiểm soát và hoạt động giao thương kinh tế thế giới trở lại bình thường. Trong bối cảnh dịch bệnh tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát, thị trường du lịch nội địa đang có cơ hội phục hồi nhanh, ngành du lịch cần phải có một kịch bản mới để thích ứng.
Kịch bản mới phải tập trung quảng bá các điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn và chất lượng, khai phá tiềm năng du lịch nội địa. Đặc biệt, xây dựng chương trình giảm giá kích cầu du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mới, chú trọng chất lượng dịch vụ, giảm giá vé tham quan ở các điểm du lịch.
Bên cạnh đó Chính phủ sớm xem xét ban hành cơ chế tiếp nhận du khách theo dạng hộ chiếu Vacxin, đồng thời ban hành các điều kiện, hướng dẫn cụ thể để triển khai sao cho linh hoạt, từng bước phục hồi nguồn khách quốc tế.
Theo VOVGIAOTHONG.VN