Hà Nội xem xét lộ trình nới lỏng, TP HCM nghiên cứu cách ly F1 tại nhà

  • 15/06/2021 10:25:29
  • Mai Hương
  • Xã hội
  • 0

TP. Hà Nội xem xét nới lỏng một số hoạt động. Trong khi đó, TP.HCM cân nhắc giải pháp cách ly F1 tại nhà để tránh quá tải.

Hà Nội chuẩn bị nới lỏng một số hoạt động

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 ở Hà Nội và 2 địa phương gần thủ đô là Bắc Ninh, Bắc Giang đang giảm nhiệt, được khống chế. Bắc Giang ghi nhận 4.166 ca, nhiều nhất cả nước, song ca mắc mỗi ngày giảm rõ rệt. Các ca nhiễm mới chủ yếu trong vùng cách ly, phong tỏa từ trước nên khả năng lây nhiễm ra cộng đồng rất thấp. Tỉnh phấn đấu dập dịch trong một tuần nữa.

Bắc Ninh lên phương án giảm mức độ giãn cách, dỡ bỏ cách ly một số nơi. Dù thị xã Từ Sơn ghi nhận một số ca mắc mới, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, song tình hình dịch vẫn trong tầm kiểm soát.

Ở Hà Nội, hiện đáng lo ngại là chuỗi lây nhiễm của tiểu thương ở huyện Đông Anh với ca nhiễm đầu tiên phát hiện ngày 7/6 tại chợ Cửa hàng mới. Sau một tuần, cụm dịch này đã ghi nhận 18 ca nhiễm, trong đó 17 ca ở huyện Đông Anh và 1 ca ở huyện Sóc Sơn. Theo CDC Hà Nội, hiện chùm ca bệnh này đã cơ bản được kiểm soát, các trường hợp tiếp xúc đã được khoanh vùng và cách ly. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng thời gian tới vẫn sẽ phát hiện thêm ca bệnh có liên quan nhưng đó sẽ chỉ là các trường hợp F1 dương tính với Sars-CoV-2.

Từ ngày 24/4 đến nay, Hà Nội đã ghi nhân 12 chùm ca bệnh khác nhau với 246 trường hợp dương tính với Sars-CoV-2 và đều đã được kiểm soát. Hiện Lãnh đạo thành phố đang xem xét nới lỏng một số hoạt động thiết yếu, nhằm hạn chế tác động của dịch bệnh tới đời sống người dân.

TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu cách ly F1 tại nhà

Trái ngược với Hà Nội, tình hình dịch Covid-19 ở TP. Hồ Chí Minh đang tăng nhiệt.

Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 871 ca nhiễm. Thành phố đang cách ly tập trung hơn 11.300 người, cách ly tại nhà và nơi lưu trú hơn 21.000 trường hợp. Nhiều quận huyện lo ngại, với tình trạng số ca nhiễm tăng nhanh như thời gian qua, sẽ thiếu chỗ cách ly vì các địa điểm của quận huyện chỉ có công suất 100-200 giường. Vì vậy, nhiều địa phương phải dùng các khách sạn trên địa bàn làm nơi cách ly tập trung.

Để tránh quá tải, Sở Y tế TP.HCM đang cân nhắc nghiên cứu cách ly F1 tại nhà. Theo ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó GĐ Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh, cách ly tại nhà có thuận lợi là giúp tâm lý người bị cách ly nhẹ nhàng hơn vì vẫn ở chung với người thân. Đồng thời, giải pháp này cũng tiết kiệm chi phí, chính quyền đỡ phải chuẩn bị cơ sở, vật chất để cách ly tập trung khi số lượng F1 tăng nhiều.

Tuy nhiên, cách ly F1 tại nhà cũng có một số bất cập, đó là không phải nhà nào cũng có đủ điều kiện để thực hiện cách ly; việc giám sát cách ly tại nhà rất khó, chủ yếu dựa vào sự tự nguyện. Hiện nay, người cách ly tại nhà phải cam kết với địa phương sẽ thực hiện các quy định chống dịch như ở phòng riêng; không ra khỏi nhà; tự đo nhiệt độ; cán bộ y tế địa phương giám sát hàng ngày. "Điều lo lắng là nguy cơ F1 cao hơn F2, nếu giám sát không chặt chỉ cần một ca không tuân thủ cũng rất nguy hiểm" - Ông Hưng lo ngại.

Vì vậy, hiện, Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh đang cân nhắc, trước mắt có thể thí điểm cách ly F1 tại nhà ở một số khu vực, sau đó nhân rộng ra.

Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống Covid-19 chiều 21/5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bắc Ninh, Bắc Giang "mạnh dạn thí điểm quy mô nhỏ, đúc rút để xem xét mở rộng" việc cách ly F1 tại nhà. Những nơi này phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định giống như khu cách ly tập trung, gồm: lắp camera giám sát; không ra khỏi nơi lưu trú; xử lý người không tuân thủ quy định, để lây nhiễm chéo trong khu vực phong tỏa và lây ra cộng đồng...

 

Theo Mai Hương/VOV2

 

Bình luận

    Chưa có bình luận