Bao phủ vaccine và thẻ xanh Covid

Cần có biện pháp kiểm soát dịch tốt, nếu không, dù người có thẻ xanh Covid khi đến vùng không có dịch vẫn nguy cơ biến vùng xanh nhanh chóng trở thành vùng đỏ.

 

Tăng tốc để đạt tỷ lệ bao phủ vaccine cao, tiến tới áp dụng thí điểm thẻ xanh Covid tại nhiều địa phương, dần trở lại trạng thái bình thường mới.

Tăng tốc đạt bao phủ vaccine

Sau rất nhiều nỗ lực thì TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành đông dân đã đạt được tỷ lệ phủ vaccine Covid-19 cao. Một số địa bàn thuộc TP.HCM và Hà Nội sau khi thực hiện nới lỏng giãn cách, việc di chuyển của người dân tiếp tục được kiểm soát, mở rộng thêm đối tượng được hoạt động trở lại. Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc những người đã tiêm vaccine cần được cho vào nhóm đối tượng tham gia lao động, sản xuất và phát triển kinh tế trở lại. Cụ thể, sau 15/9, Sở Y tế TP.HCM dự kiến đưa ra một số điều kiện để áp dụng thí điểm cấp thẻ xanh Covid cho người tiêm đủ 2 mũi vaccine sau 14 ngày và người từng mắc Covid-19, cho phép người dân tham gia các hoạt động lao động sản xuất và sinh hoạt xã hội tùy theo mức độ kiểm soát dịch. Đây sẽ là một trong những biện pháp thúc đẩy các hoạt động lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh…, dần từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Vaccine là biện pháp bảo vệ bền vững nhất khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 70%.

Trao đổi về vấn đề này, BSCKII Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, hiện nay, độ phủ vaccine mũi 1 và mũi 2 như tại TP.HCM gần như là đầy đủ. Đây là điều kiện thuận lợi để tái khởi động các hoạt động sản xuất, song vẫn luôn phải gắn với các biện pháp phòng hộ. Mục đích của tiêm đủ 2 mũi vaccine là tạo kháng thể, bảo vệ người tiêm trước nguy cơ mắc Covid-19 ít nhất 6 tháng hoặc giảm đáng kể nguy cơ bệnh chuyển nặng và giảm tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, trước tình trạng khan hiếm vaccine toàn cầu, sau triển khai tiêm vaccine diện rộng ở những điểm nóng như TP.HCM, Long An, Hà Nội, Bình Dương mới bao phủ được mũi 1. Với biến chủng của virus SARS-CoV-2, người tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn có thể dương tính với Covid-19 và trong trường hợp người mắc không có triệu chứng thì vẫn mang virus và có thể lây nhiễm bệnh cho người chưa có miễn dịch. Còn với những người tiêm 1 mũi vaccine, thì thời gian bảo vệ ngắn hơn.

“TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội 3 tháng qua đã ảnh hưởng trầm trọng tới đời sống và phát triển sản xuất. Nếu tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, việc giãn cách còn tiếp tục kéo dài thì chúng ta xác định muốn thực hiện mục tiêu kép để sớm có cuộc sống bình thường mới thì phải chung sống với virus một cách an toàn. Theo tôi, trong giai đoạn này TP.HCM thực hiện mở cửa một số địa bàn thì những người được cấp thẻ xanh có thể hoạt động phát triển kinh tế trở lại đảm bảo quyền lợi đồng đều của người dân, nhưng vẫn phải thực hiện 5K để tuyệt đối tránh lây nhiễm chéo cho vùng xanh. Khi các tỉnh thành khác hiện tỷ lệ bao phủ vaccine vẫn rất thấp, việc tự do đi lại, nguy cơ bùng phát dịch trở lại rất cao. Đặc biệt nguy hiểm khi hiện nay vẫn còn những đối tượng chưa được tiêm vaccine như trẻ em và người cao tuổi, người có bệnh nền”, bác sĩ Hồng Hà lưu ý.

Với tiêu chí “thẻ xanh Covid” ở TP.HCM (được cấp khi đã tiêm 2 mũi vaccine được 2 tuần; khỏi Covid-19 trong 6 tháng; đã tiêm mũi 1 sau 2 tuần), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thống nhất với ý kiến đề xuất của TP.HCM và huyện Cần Giờ là sau 15/9 bắt đầu có những hoạt động khôi phục lại sản xuất, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nên mở từ từ và phải có những kế hoạch phù hợp để kịp thời ngăn chặn dịch bùng phát trở lại, như vậy mới đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng người dân trên địa bàn.

Ảnh minh họa: KT

Lưu ý với người có thẻ xanh Covid

Ông Hà cho rằng, với Thủ đô Hà Nội đã nới lỏng giãn cách, thì việc cấp thẻ xanh không còn ý nghĩa mà sẽ tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine khi lượng vaccine còn khan hiếm. Những địa phương chưa được tiếp cận và bao phủ vaccine chính là những khu vực nguy cơ virus có thể xâm nhập và bùng phát thành dịch. Do vậy, việc Hà Nội mở cửa trở lại phải đi cùng kiểm soát dịch tốt.

“Để kiểm soát tốt dịch bệnh, việc bao phủ vaccine khắp các tỉnh thành thì đối tượng ưu tiên thứ 2 (sau lực lượng tuyến đầu) phải là người cao tuổi, người có bệnh nền và suy giảm miễn dịch. Mặt khác, những vùng chưa có dịch giai đoạn này cần nâng cao năng trình độ chuyên môn, xây dựng hệ thống y tế cơ sở để có kịch bản kiểm soát dịch bệnh và dự phòng cho tốt, tránh tình trạng lúng túng như một số tỉnh thành vừa xảy ra dịch bệnh. Khi đó, thẻ xanh Covid sẽ không có giá trị”, ông Hà cho hay.

PGS.TS.BS Đinh Vạn Trung, nguyên Chủ nhiệm khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng rất đồng tình, cho rằng vaccine hiện là vũ khí duy nhất nếu độ bao phủ đạt 70-80% dân số được tiêm chủng, để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, nhưng rất cần ưu tiên người lớn tuổi. Bởi bất cứ nơi nào trên thế giới, nếu những người lớn tuổi chưa được tiêm đều phải đối mặt với rủi ro cao và khó có thể kiểm soát được dịch. Vì thế, khẩn trương mua vaccine để tiêm chủng miễn phí cho toàn dân. “Tôi muốn nhấn mạnh, chúng ta không nên nhìn vào các nước Âu, Mỹ để đánh giá là tại sao họ được bao phủ vaccine nhưng tỷ lệ nhiễm vẫn cao. Lý giải cho điều này là do dân họ thích tự do, thích tụ tập, thậm chí họ có những cuộc biểu tình cả trăm ngàn người, chủ yếu là giới trẻ nhằm phản đối, chống lệnh phong tỏa, mặc cho lây nhiễm. Vì thế, chúng ta phải coi cuộc chiến chống Covid-19 là của toàn dân, dân hiểu biết, dân thực hiện với sự hỗ trợ của Nhà nước”, PGS.TS.BS Đinh Vạn Trung chia sẻ.

Đánh giá về việc tăng tốc phủ vaccine tại Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, kế hoạch ưu tiên phủ mũi 1 cho Thủ đô là vô cùng quan trọng bởi Hà Nội mật độ dân cư đông, mức độ giao lưu phức tạp nên nguy cơ dịch bệnh bùng phát rất lớn. Ông Phu nhấn mạnh: “Vaccine là biện pháp bảo vệ bền vững nhất khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 70%. Khi đạt được tỷ lệ bao phủ này, dù dịch bệnh bùng phát trở lại bất cứ lúc nào người dân vẫn có thể chung sống và hoạt động bình thường như từng chung sống với cúm mùa. Việc này đồng nghĩa Hà Nội phải rà soát, thống kê được số thực, để tiêm hết cho cả những người nhập cư. Trước trình trạng nới lỏng giãn cách, việc giấy phép thông hành hay thẻ xanh Covid theo tôi, Bộ Y tế phải có những giải pháp thống nhất giữa các địa phương, nếu không, dù người đã có thẻ xanh khi đến vùng không có dịch vẫn nguy cơ biến vùng xanh nhanh chóng trở thành vùng đỏ”./.

Nhóm PV

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận