Tình trạng trẻ nghiện game, nghiện internet tăng cao trong mùa dịch
Theo PGS-TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, khảo sát nhanh trước đợt dịch Covid-19, tại Việt Nam có khoảng 20,9% thanh thiếu niên (tuổi từ 15-25) nghiện internet. Tuy chưa có thống kê mới nhất về mức độ nghiện internet của lứa tuổi thanh thiếu niên trong đợt dịch, nhưng nhiều chuyên gia tin rằng con số sẽ còn cao hơn rất nhiều.
Nghiện game online, internet có một số biểu hiện như thời gian dành cho việc đó từ 6 giờ trở lên, khả năng kiểm soát như không thể ngừng/dứt ra khỏi việc chơi, sử dụng và mất hứng thú với các hoạt động khác của cuộc sống.
“Mặc dù game có phân loại ra các lứa tuổi, tuy nhiên thực tế hiện nay, hầu hết người trẻ Việt Nam đều chơi game vượt lứa tuổi. Do đó, những cảnh bạo lực, ngôn ngữ, hình ảnh không phù hợp, trẻ em bị dạy qua game rất nhiều, kể cả những cảnh liên quan đến tình dục (sex) mà nhiều phụ huynh đang lo lắng”, PGS-TS Trần Thành Nam nhận định.
Thư viện Y khoa quốc gia Mỹ cũng xếp chứng lệ thuộc/nghiện game là một phần của chứng nghiện internet. Các lệnh phong tỏa, giãn cách phòng dịch Covid-19 đã khiến tình trạng nghiện game, nghiện internet trầm trọng hơn.
“Đại dịch làm tăng căng thẳng (stress) trong đời sống con người, và cách tiện lợi để thoát khỏi căng thẳng là sử dụng truyền thông giải trí số như chơi game hay dùng mạng xã hội. Việc lạm dụng quá mức để xả stress này là nhân tố nguy cơ dẫn tới phát sinh các hành vi gây nghiện. Trong đó, người trẻ là nhóm rất dễ sa đà vào việc dành quá nhiều thời gian lên mạng”, Tiến sĩ Andrew Doan, nhà thần kinh học và là chuyên gia về chứng nghiện liên quan nền tảng số phân tích.
“Việc quản lý thời gian online một cách cân bằng và lành mạnh đòi hỏi những kỹ năng nhận thức phức tạp hơn mà thường phải tới 25 tuổi mới phát triển đầy đủ”, chuyên gia Andrew cho biết.
Đồng quan điểm, chuyên gia Trần Thành Nam cũng cho rằng, phụ huynh có chặn đủ đường, hạn chế đủ cái nhưng game nhiều khi lại chính là thứ giáo dục giới tính cho con của mình. Nhiều kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, càng chơi game có tính bạo lực/tình dục không phù hợp lứa tuổi, trẻ bị tăng động giảm chú ý, rối loạn hành vi, rối loạn lo âu càng cao; hành vi chống đối càng lớn, rối loạn chức năng học tập và quan hệ xã hội nhiều mâu thuẫn.
“Những lý do mà trẻ đưa ra về việc nghiện game là do trẻ không có gì để chơi trong thời kỳ giãn cách Covid-19; game quá cuốn hút người chơi khi mỗi chiến thắng được hình ảnh/nhạc chào mừng, tự do thể hiện bản thân hay trẻ được chơi lại/thêm mạng khi mình làm sai/thua; chơi vì tò mò khi có các game thủ, anh, em, bạn bè trong trò chơi; chơi để đua nhau tăng hạng (level) trong trò chơi; game không đặt mục tiêu hay ép buộc trẻ làm gì cả và vì những tiết học không đủ thú vị, hấp dẫn để trẻ cảm thấy thoải mái…”, ông Nam cho hay.
Internet là cuộc sống thực hơn đối với teen GenZ
Bởi GenZ (những đứa trẻ sinh ra từ năm 1997, thời kỳ internet bắt đầu vào Việt Nam đến nay) sinh ra và lớn lên trong thời kỳ bùng nổ internet nên có xu hướng làm việc đa nhiệm.
“Trong thời đại số, giáo dục tối ưu là mang tính cá nhân hóa tùy theo mức độ của mỗi người, còn nếu giáo dục “đồng phục” thì với những đứa trẻ hiểu bài rồi mà vẫn bị chờ để học lại cùng các bạn khác hay những trẻ học mãi không theo kịp các bạn rất dễ chuyển sang chơi game hay có những mối quan tâm khác…”, PGS-TS Trần Thành Nam nêu ý kiến.
Theo ông Nam, điều kiện đầu tiên để có thể giúp con bỏ nghiện là phụ huynh, gia đình cần kiên nhẫn đồng hành với con. Tiếp theo dần điều chỉnh đảm bảo đủ giấc ngủ để hồi phục lại sức khỏe tinh thần, khả năng tái tạo của trí não và cơ thể. Sau đó, gần gũi, cùng con mở rộng các hoạt động, sở thích khác để con dần chia sẻ sự quan tâm của mình; Thỏa thuận trách nhiệm để con có được quyền tự do chơi game…
Bà Phương Hoài Nga, chuyên gia tâm lý học trẻ em và thanh thiếu niên cho rằng, đối với GenZ, internet, game… là cuộc sống “thực” tương tự như cuộc sống vật lý đối với con người, vì thế không thể bất ngờ dứt trẻ ra khỏi “môi trường thực” của trẻ, mà phải uyển chuyển.
“Lứa tuổi teen (tuổi dậy thì) là độ tuổi bốc đồng, siêu nhạy cảm, thế nhưng teen GenZ rất khác với ý thức cao hơn về khẳng định cái tôi cá nhân và coi cuộc sống trên mạng thật hơn rất nhiều so với những thế hệ tuổi teen trước đó. Một loạt các phong trào thể hiện quyền lên tiếng nói của mình như tẩy chay nhãn hàng, ý thức môi trường trong những năm gần đây chứng tỏ rất rõ”, bà Nga phân tích.
“Đối với GenZ, bố mẹ cần xác định chấp nhận sự đa nhiệm của trẻ và đặt ra mục tiêu tập trung nghiêm túc theo từng mức độ công việc. Với trẻ, công việc nào quan trọng thì trẻ sẽ tập trung vào, còn lại công việc với trẻ ít quan trọng hơn thì trẻ sẽ đa nhiệm”, bà Nga nhận định.
Các chuyên gia khuyến cáo, một trong những giải pháp quan trọng góp phần quyết định trong việc kiểm soát tình trạng nghiện internet, nghiện game của trẻ là sự đồng hành của gia đình, phụ huynh.
“Việc đồng hành của phụ huynh, gia đình trong việc kiểm soát tình trạng nghiện internet, nghiện game ở trẻ là điều bắt buộc. Trước hết, gia đình cần quan tâm con ngay từ khoảng 7-8 tuổi. Không nên để thả cho trẻ tự chơi, tự làm quen với môi trường internet mà không có hướng dẫn, định hướng”, bà Nga khuyến cáo.
“Thống kê sơ bộ, tuổi tiếp cận các hình ảnh tính dục hiện nay trung bình là 7-8 tuổi, thông qua hình ảnh phim kể cả phim hoạt hình, các nhóm nhạc nổi tiếng trên thế giới. Ví dụ ngay như nhóm nhạc BlackPink của Hàn Quốc hiện nay được rất nhiều trẻ em yêu thích, trên các clip của họ từ trang phục, hình ảnh mang tính chất tính dục khá nhiều”, bà Nga cho hay./.
Vân Anh/VOV.VN