Đi làm bằng tàu điện trên cao, loay hoay tìm xe ở hai điểm đầu cuối

Sau 10 ngày chính thức vận hành, tính đến hết ngày 14/11, tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông đã chạy 1.336 chuyến, vận chuyển hơn 234.000 lượt hành khách.

 

Ngoài những cảm nhận tích cực ban đầu của những người “đi thử” để tham quan, đối với người sử dụng tàu điện để đi làm thì sao?

Việc tiếp cận giao thông ở các ga đầu cuối đang ở trạng thái như thế nào?

Sau hơn một tuần tàu điện trên cao Hà Đông - Cát Linh chính thức vận hành, hôm nay tôi thử đi làm bằng tàu điện trên cao để so sánh sự khác biệt với việc sử dụng xe máy hàng ngày để đi làm.

Điểm xuất phát của tôi ngày hôm nay là nhà ga Văn Quán Hà Đông. Vào thời điểm 8 sáng nay, lượng hành khách đến ga này khá đông, đa phần người dân đi bộ đến ga, trong khi, một số người đi xe máy có thể gửi xe ở một chung cư, bãi xe gần đó.

Một nhân viên làm việc tại nhà ga này cho biết:

"Mọi người đi làm nhiều lắm. 5h30 là tàu chạy rồi.

Anh đứng ở đây anh thấy cao điểm nhất là mấy giờ?

Tầm 7-8h. Hiện nay đang chạy giãn cách 10 phút một chuyến . Nếu sau này thu vé, buổi sáng lưu lượng hành khách đông sẽ giãn cách 6 phút /chuyến".

Ngay ở khu vực cửa vào nhà ga, các nhân viên yêu cầu hành khách khai báo y tế và vào làm thủ tục nhận thẻ vé. Nếu hành khách gặp trở ngại khi quẹt thẻ để vào khu vực bên trong, đội ngũ nhân viên nhà ga sẵn sàng hỗ trợ.

Người dân gửi xe miễn phí tại ga Cát Linh.

Bạn Đỗ Quang Lư, một hành khách chia sẻ: "Tôi thấy nhân viên hướng dẫn rất nhiệt tình, khi hành khách có vấn đề gì ngay lập tức họ giúp đỡ và hướng dẫn một cách rõ ràng".

Chị Thu Trang, trú tại Khu đô thị Văn Quán Hà Đông, cũng vừa lên tàu, đang tìm loay hoaychỗ ngồi trước đây thường sử dụng grab để đi làm, chi phí trung bình khoảng 200.000 đồng/ ngày. Tuy nhiên, ngay lần đầu trải nghiệm tàu điện trên cao, chị Trang cho rằng sẽ chuyển sang phương thức vận tải này để đi làm hàng ngày vì những ưu điểm:

"Em thấy ga tàu sạch sẽ, tàu đến đúng giờ, chất lượng ok và thuận tiện với tuyến đường em đi.Nếu mà xét về chi phí và độ thuận tiện của tuyến đường em đi em thấy là rẻ", chị Trang cho biết.

Bạn Nguyễn Hồng Châu cho rằng, hiện nay hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn trên tàu, hay tại các nhà ga vẫn còn ít và chưa rõ ràng nên những người già, hoặc những người lần đầu sử dụng loại hình phương tiện này chắc chắn còn nhiều bỡ ngỡ. Đặc biệt, việc thiếu các bản đồ hướng dẫn tìm kiếm các tuyến bus kết nối tại các nhà ga, khiến hành khách gặp khá nhiều khó khăn để chuyển đổi phương thức.

Bạn Châu nêu ý kiến: "Hệ thống biển báo chưa nhiều. Theo mình chưa thực sự rõ ràng lắm và các tuyến bus chưa thực sự kết nối lại với nhau".

Chỉ mất khoảng 8 phút đi tàu điện trên cao từ nhà ga Văn Quán đến nhà ga Cát Linh. Tuy nhiên, để có thể đến được trụ sở cơ quan, thì PV phải đi bộ khoảng 8 phút từ nhà ga Cát Linh đến bến xe Kim Mã để chuyển sang đi xe bus.

Tổng lượng thời gian di chuyển ngày hôm nay trong chuyến đi trải nghiệm bằng phương tiện giao thông công cộng vào khoảng 54 phút. Trong đó, thời gian di chuyển bằng tàu điện trên cao hết khoảng 8 phút, thời gian đi xe buýt 10 phút, đi bộ 20 phút và thời gian chờ đợi giữa các chuyến đi khoảng 16 phút.

Sử dụng tàu điện trên cao, giúp tôi rút ngắn thời gian đi lại hơn rất nhiều so với việc sử dụng xe máy đi lại trên tuyến đường Nguyễn Trãi vào giờ cao điểm.

Tuy nhiên, nếu việc tìm kiếm các tuyến bus kết nối và quãng đường đi bộ giữa các phương thức vận tải dễ dàng, thuận tiện hơn, loại hình phương thức vận tải mới này sẽ có thể thu hút người dân sử dụng hàng ngày, chứ không chỉ “nóng” trong thời gian đầu triển khai./.

Hải Hà/VOVgiaothong.vn

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận