CDC Hà Nội cho biết, từ 18h ngày 15/11 đến 18h ngày 16/11, TP Hà Nội có thêm 150 ca COVID-19, trong đó có 28 cộng đồng và 122 ca trong khu cách ly, phong tỏa. Các ca mắc mới được phân bố tại 22/30 quận, huyện: Nam Từ Liêm (19), Đống Đa (15), Bắc Từ Liêm (14), Hà Đông (13), Ba Đình (11), Long Biên (10), Quốc Oai (9), Gia Lâm (9), Hoàng Mai (8), Hà Đông (8), Cầu Giấy (7), Thanh Xuân (6), Hai Bà Trưng (5), Hoài Đức (5), Thanh Oai (4), Ứng Hòa (4), Thanh Trì (2), Đông Anh (2), Chương Mỹ (2), Phúc Thọ (2), Ba Vì (1), Mỹ Đức (1), Hoàn Kiếm (1).
Tính đến 16h ngày 16/11, tỉnh Nam Định đã ghi nhận 73 ca mắc COVID-19; trong đó "tâm dịch" huyện Hải Hậu 49 ca; 3 ca tại thành phố Nam Định; 2 ca tại huyện Nghĩa Hưng; 16 ca tại huyện Giao Thủy và 3 ca tại huyện Nam Trực. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại xã Hải Minh, huyện Hải Hậu khẩn trương truy vết các trường hợp liên quan đến ca bệnh, lập chốt kiểm soát tại các đường ra vào xã Hải Minh, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và chấn chỉnh việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch COVID-19 của nhân dân.
Ngày 16/11, bác sĩ Trần Thuận, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk cho biết trên địa bàn vừa ghi nhận 6 cán bộ đang làm việc tại UBND huyện Krông Búk có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, 1 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR khẳng định. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, lực lượng chức năng đã phong tỏa tạm thời một tòa nhà tại trụ sở UBND huyện Krông Búk liên quan đến các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Các trường hợp F1 được cách ly theo quy định.
Trong 24 giờ qua, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có số ca mắc COVID-19 mới cao nhất là 115 ca, còn lại tập trung ở các huyện: Long Điền, Đất Đỏ, Châu Đức, thị xã Phú Mỹ và TP. Bà Rịa. Hầu hết ca mắc mới có liên quan đến người từ Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM trở về địa phương; công nhân lao động tại các doanh nghiệp và khu công nghiệp.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục ủng hộ công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của tỉnh; chấp hành nghiêm nguyên tắc 5K để giữ an toàn cho chính mình và cộng đồng. Người dân từ các tỉnh/thành khác vào Bà Rịa -Vũng Tàu phải thực hiện khai báo di chuyển nội địa và quét mã QR code qua ứng dụng PC-COVID, Sổ Sức khỏe điện tử, VNEID.
Từ 17/11, Hà Nội thí điểm điều trị F0 triệu chứng nhẹ tại xã, phường, thị trấn. Thành phố Hà Nội thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ (F0) trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm “4 tại chỗ” do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở y tế. Thí điểm thực hiện tại Trung tâm văn hóa, thể thao phường Thạch Bàn, quận Long Biên với quy mô 150 giường; Trường THCS Tiền Yên, huyện Hoài Đức - quy mô 300 giường (trường mới xây dựng, chưa bàn giao đón học sinh); Phòng khám đa khoa Minh Phú, huyện Sóc Sơn - quy mô 200 giường; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Thanh Trì - quy mô 300 giường; trường Mầm non Lê Thanh A, xã Lê Thanh huyện Mỹ Đức - quy mô 200 giường.
Sau thời gian thí điểm, Hà Nội sẽ mở rộng cơ sở thu dung điều trị người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại cấp quận, huyện, thị xã.
Để thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19, thành phố Đà Nẵng chủ động thành lập các Trạm y tế lưu động. Trước mắt là tập trung hỗ trợ những nơi dịch bùng phát, địa bàn phức tạp, hướng tới điều trị F0 tại nhà. Theo đó, mỗi phường, xã sẽ có 2 trạm y tế lưu động với một số điều kiện cụ thể. Hiện, đã có hơn một nửa số quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có phương án thành lập trạm y tế lưu động, sẵn sàng phương án thu dung, điều trị F0 tại nhà.
Ngành Y tế thành phố Đà Nẵng đang hỗ trợ các quận, huyện thành lập Trạm y tế lưu động tại tuyến xã, phường và sẵn sàng phương án hỗ trợ F0 cách ly, điều trị tại nhà./.
Theo Minh Khánh/VOV.VN