F0, F1 tại Hà Nội có trải nghiệm như thế nào khi cách ly, điều trị tại nhà?

Theo thống kê, hiện Hà Nội có khoảng 25.000 ca dương tính với SARS-Cov-2 đang điều trị tại nhà và dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới.

 

Ngày 6/1, Sở Y tế Hà Nội có văn bản gửi các bệnh viện công lập và ngoài công lập; Trung tâm Y tế các quận/huyện/thị xã; Trung tâm cấp cứu 115 về phân luồng tiếp nhận, điều trị F0.

Đây là lần điều chỉnh thứ 6 của ngành Y tế thủ đô liên quan đến vấn đề này. Theo đó, Trạm y tế, trạm y tế lưu động thực hiện quản lý, theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà theo đúng hướng dẫn. Đồng thời cung cấp thông tin người nhiễm bệnh COVID-19 trên địa bàn cho Đoàn thanh niên (thành viên tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19) thực hiện nhập liệu vào phần mềm để quản lý. Cơ sở thực hiện khám, tư vấn cho người nhiễm bệnh COVID-19 điều trị tại nhà để người dân yên tâm điều trị, tránh hoang mang lo lắng.

Anh N.V.N tại phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) phát hiện mắc COVID-19 ngày 5/1, sau khi có một đồng nghiệp cùng công ty được xác định là F0 qua test nhanh. Anh N sau đó được test nhanh ngay tại công ty và có kết quả dương tính. Sau khi liên hệ với nhân viên y tế qua đường dây nóng, anh N đã được tư vấn và hướng dẫn cách ly, theo dõi tại nhà.

“Với trường hợp của tôi là F0 không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ thì được các nhân viên y tế tư vấn nên ăn uống bổ sung dinh dưỡng, nghỉ ngơi, giữ tinh thần thoải mái… chứ chưa cần thuốc hay can thiệp gì cả”, anh N chia sẻ.

Anh N cũng cho biết, mọi hỗ trợ đều được thực hiện qua điện thoại hoặc tin nhắn Zalo. Theo đó, nhân viên y tế có đề nghị anh tự test nhanh tại nhà, chụp lại kết quả và gửi qua Zalo để được tư vấn cụ thể hơn: “Qua báo chí tôi cũng biết số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội đang tăng cao và có thể lực lượng y tế bị quá tải. Với trường hợp của tôi không có triệu chứng nên có thể chờ đợi thêm 1-2 tiếng để nhận hỗ trợ. Về hỗ trợ cho cuộc sống hằng ngày, hiện tôi đang ở một mình và đang được hàng xóm tiếp tế”.

Với trường hợp F1 là chị T ở Chung cư 87 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội), chị nhận được tư vấn và hỗ trợ từ Tổ COVID cộng đồng của tòa nhà: “Cả gia đình tôi đều đã test PCR âm tính. Tôi là F1 chỉ bị sổ mũi một chút, ngoài ra không có thêm triệu chứng gì. Tôi liên hệ với y tế phường được tư vấn tự giác cách ly và theo dõi tại nhà trong khoảng một tuần khi có kết quả PCR âm tính. Tôi đã cách ly ở nhà để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và cho cộng đồng”.

Chị N.T.U ở phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có biểu hiện ho, sốt từ ngày 4/1 và có kết quả test nhanh dương tính với virus SARS-Cov-2. Khi nhận được kết quả này, cả gia đình chị U đã rất lo lắng, bởi trong nhà còn 2 con nhỏ, chưa đủ tuổi tiêm vaccine COVID-19.

Ngay khi có kết quả, chị U đã gọi đến trạm y tế phường Xuân Phương và chiều cùng ngày, đội phản ứng nhanh đã tới để lấy mẫu PCR cho cả gia đình. Hiện, chị U cùng 2 con đều có kết quả xét nghiệm khẳng định mắc COVID-19. Theo đó, cả gia đình chị đang thực hiện cách ly tại nhà và được phát thuốc điều trị dùng trong 5 ngày.

“Bây giờ thì cả nhà cũng đã an tâm phần nào. Người lớn trong nhà được phát thuốc dùng trong 5 ngày, sau đó sẽ được test lại để kiểm tra sức khỏe. Còn với trẻ nhỏ, được các bác sĩ dặn dò nếu sốt thì cho cháu uống hạ sốt, hiện tại các cháu cũng đã bớt sốt và ho có đờm nhẹ”, chị U cho biết.

Tuy nhiên, cũng có phản ánh của trường hợp F0 khi khó khăn trong tiếp cận với y tế cơ sở. Cụ thể, trường hợp của anh Đ.Q.T (quận Đống Đa, Hà Nội), sau khi có những triệu chứng mệt mỏi, người đau nhức… đã tự test nhanh cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Anh T chia sẻ: “Việc đầu tiên là tôi tìm nơi xét nghiệm PCR cho chắc chắn. Tôi lên mạng tìm kiếm thông tin rồi qua bạn bè giới thiệu và gọi được một đơn vị đến nhà lấy mẫu PCR, mặc dù đã lên lịch hẹn đầu giờ chiều, nhưng qua vài lần giục, tới 18h30 mới có người đến nhà để lấy mẫu. Việc thứ hai là lên mạng tìm kiếm các số đường dây nóng, gọi tổng đài 0241022 nhưng không nhận được sự hồi âm”.

Theo anh T, sau nhiều lần gọi điện và gọi qua nhiều người không được anh đã nhắn tin và sau đó nhận được cuộc gọi hỏi về tình hình sức khỏe, triệu chứng, số mũi vaccine đã tiêm và có bệnh nền không?... Hướng dẫn cuối cùng anh nhận được là chờ đến khi có kết quả PCR để tiếp tục xử lý.

“Đến ngày 5/1, sau khi có kết quả PCR chính thức dương tính. Tôi đã gửi kết quả cho bạn tiếp nhận thông tin ở phường thì cũng chỉ nhận được phản hồi lại là trường hợp của mình sẽ được báo lên quận. Biết là các bạn y tế cơ sở lực lượng khá mỏng, vừa tiêm vaccine vừa quản lý F0… nhưng để người dân tiếp cận được với y tế cơ sở thì quá khó”, anh T nói.

Đến nay, tình các triệu chứng của anh T đã đỡ hơn và đã lấy lại tinh thần thoải mái để chiến đấu với dịch bệnh.

Trao đổi với PV VOV.VN, ông Vũ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch phường Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội), phụ trách chung trạm y tế giải thích cụ thể về quy trình khi tiếp nhận thông tin của trường hợp F0.  

“Khi tiếp nhận thông tin F0, thì thứ nhất F0 đã có khẳng định PCR, sau đó trạm y tế sẽ điều tra về cơ sở vật chất, khi đủ điều kiện, tiêm đủ 2 mũi, tuổi từ 49 trở xuống thì y tế sẽ làm đề xuất UBND phường để quyết định F0 này có được cách ly tại nhà hay không. Sau khi có quyết định, trạm y tế sẽ chuyển quyết định của F0 cách ly tại nhà sang trạm y tế lưu động và từ đó, trạm lưu động sẽ tiếp nhận và thực hiện cách ly bệnh nhân tại nhà”, ông Dũng cho biết.

Nhân viên y tế trạm y tế lưu động phường Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) đến nhà F0 để đưa thuốc điều trị.Từ ngày 17/12 đến nay, trên địa bàn quận Đống Đa đã có 12 F0 khỏi bệnh và hiện có 7 F0 điều trị tại nhà. Sức khỏe hiện tại của các bệnh nhân tốt, không có triệu chứng nặng.

“Một ngày, chúng tôi sẽ cử nhân viên y tế chăm sóc F0 có 2 cách, một là trực tiếp, 2 là thông qua zalo để hỏi tình hình sức khỏe của bệnh nhân vào mỗi buổi sáng và chiều”, Phó Chủ tịch phường Quang Trung nói. 

Về việc hỗ trợ F0, ông Dũng cho biết, phường có Tổ chăm sóc F0 gồm Tổ trưởng tổ dân phố, Đoàn thanh niên và các lực lượng khác tham gia. Khi F0 có nhu cầu về mua đồ dùng phục vụ sinh hoạt và cuộc sống, họ sẽ gọi điện cho Tổ chăm sóc. Đồ dùng, thực phẩm… sẽ được mua về đặt trước cửa nhà để F0 xuống lấy.

Hiện Hà Nội đã triển khai cấp phát các loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 và lượng thuốc này đều được quản lý và kiểm soát chặt chẽ. Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội , túi thuốc phát cho F0 đang điều trị tại nhà bao gồm 3 gói A, B, C và sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân. Theo đó, gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng. Sở Y tế Hà Nội được các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ và cấp phát cho các trung tâm y tế quận/huyện/thị xã 11.700 túi thuốc A. Đối với gói B bao gồm các loại thuốc kháng viêm và thuốc chống đông. Đây là những loại thuốc đặc trị, phải có ý kiến chỉ định của bác sĩ. Các đơn vị tự chủ động cấp phát gói thuốc này cho bệnh nhân.

Cuối cùng là gói thuốc C có thuốc Molnupiravir, đây là thuốc kháng virus. Theo quy định của Sở Y tế Hà Nội, F0 được tham gia chương trình là người có kết quả xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên hoặc PCR dương tính trong vòng 5 ngày; từ 18 tuổi trở lên; cam kết đồng ý tham gia chương trình bằng văn bản và không có các chống chỉ định dùng thuốc. Trong trường hợp F0 điều trị tại nhà phải có văn bản của Chủ tịch UBND cấp xã hoặc cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho cách ly tại nhà. Quy trình cấp phát thuốc Molnupiravir gồm 4 bước. Sở Y tế cũng lưu ý, trong trường hợp bệnh nhân không dùng hết thuốc hoặc ngừng thuốc vì bất cứ lý do gì thì trả lại thuốc kèm theo "Phiếu xác nhận trả thuốc" ghi rõ số lượng thuốc còn lại và ký tên vào phiếu.

Sở Y tế Hà Nội đã chuẩn bị 18.875 túi thuốc C và đã cấp phát 12.000 túi thuốc này về cho các đơn vị để chuyển đến cho các F0 đang điều trị tại nhà, trong đó có 10.000 bệnh nhân đủ điều kiện được cấp phát túi thuốc C. Số lượng túi thuốc còn lại sẽ chuyển cho các bệnh nhân trong thời gian tới./.

Theo Lê Hà/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận