Số ca mắc COVID-19 giảm mỗi ngày, Hà Nội đã qua đỉnh dịch?

Số ca mắc mỗi ngày trên địa bàn TP Hà Nội có xu hướng giảm dần. Chuyên gia y tế cho rằng Hà Nội đã qua đỉnh dịch...

 

Tuần qua, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tiếp tục có xu hướng giảm mạnh. Tại Hà Nội, dịch cũng đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngày 23/3, TP Hà Nội ghi nhận 13.005 ca, trong khi thời cao điểm của đợt dịch trên địa bàn thành phố lên tới hơn 30.000 trường hợp mắc COVID-19 mỗi ngày.

Theo báo cáo của Sở Y tế, tính tới hết ngày 22/3, Hà Nội còn có hơn 297.000 bệnh nhân đang điều trị, theo dõi, giảm gần 20.000 ca so với hôm 21/3. Trong đó có 2.453 người điều trị tại bệnh viện (chiếm 0,82%), 249 người tại cơ sở thu dung của quận/huyện/thị xã; còn lại 294.321 người theo dõi tại nhà.

Tối 18/3, phố đi bộ Hà Nội nhộn nhịp trở lại sau gần 1 năm tạm dừng vì dịch Covid-19.Hiện 82,2% người từ 18 tuổi trở lên ở Hà Nội đã được tiêm vaccine COVID-19 mũi nhắc lại. TP Hà Nội phấn đấu hết tháng 3, sẽ hoàn thành mục tiêu tiêm đủ mũi 3 nhắc lại cho người dân từ 18 tuổi.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, hiện TP Hà Nội đã qua đỉnh dịch. Theo PGS Nga, số lượng người nhiễm khá nhiều, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng vaccine cao nên về cơ bản người dân đã có miễn dịch nhất định. “Trong đợt dịch này, chủ yếu là chủng Omicron lây lan rất mạnh nên tôi cho rằng Hà Nội đã qua đỉnh dịch” - ông Nga cho biết.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cũng cho rằng, mặc dù TP Hà Nội vẫn là địa phương có số ca mắc dẫn đầu cả nước trong những ngày qua. Tuy nhiên số ca mắc cũng đã có dấu hiệu giảm dần. Bên cạnh đó, với chủng Omicron, tỷ lệ ca mắc trở nặng khá thấp so với các chủng khác nên dù có số mắc cao nhưng tỷ lệ tử vong, khả năng quá tải tại các cơ sở y tế không đáng lo ngại.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội mới đây, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà khẳng định, số ca mắc, ca nhập viện chiều hướng giảm. Tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân chuyển tầng cũng có xu hướng giảm.

Vừa qua, tại Hội nghị đối thoại với đoàn viên, thanh niên Thủ đô năm 2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định có lẽ TP bắt đầu qua đỉnh dịch. “Trên 99% người mắc bệnh trong thời gian vừa qua được điều trị tại nhà, rất nhẹ khi đã tiêm chủng đủ 2 mũi, 3 mũi" - ông Dũng cho hay.

Ý thức phòng vệ cá nhân vẫn là quan trọng nhất

Thời gian qua, TP Hà Nội tập trung vào 3 hướng chính là: Tiêm vaccine; tăng cường năng lực điều trị tầng 2, tầng 3 và đẩy mạnh y tế cơ sở để quản lý, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà. Thành phố đã phát huy cao độ vai trò, hiệu quả hoạt động của hơn 4.600 tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà và hơn 5.000 tổ Covid-19 cộng đồng, thường xuyên tiếp nhận thông tin, tư vấn, quản lý và cấp phát thuốc cho người mắc Covid-19; báo cho nhân viên y tế những trường hợp có triệu chứng nặng...

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, tùy từng thời điểm để thực hiện linh hoạt các biện pháp 5K. Tuy nhiên, ý thức phòng vệ cá nhân, trong đó là đeo khẩu trang, sát khuẩn vẫn là quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, đặc biệt lưu ý đến những đối tượng có nguy cơ, đặc biệt là người già, những người mắc bệnh nền vẫn có thể bị đe dọa trở nặng.

“Người già chưa tiêm vaccine, người già có bệnh nền, trẻ em… cũng nên hạn chế tụ tập đông người vì vẫn có thể lây lan từ người khác sang có thể diến biến nặng” - PGS Nga cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, hiện người dân đã được tiêm chủng vaccine tuy nhiên miễn dịch này chỉ kéo dài được 3 - 6 tháng. Đối với virus SARS-CoV-2 không có miễn dịch kéo dài, vì vậy, chúng ta vẫn phải quan tâm đến diễn biến của dịch giai đoạn sau này, đồng thời chủ động đề phòng với các biến chủng mới./.

Theo Minh Khánh/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận