Cần có cách tiếp cận khác với COVID-19
Bệnh viện hồi sức bệnh nhân COVID-19 lớn nhất cả nước đã hoàn thành sứ mệnh sau hơn 8 tháng hoạt động và đang làm thủ tục để đóng cửa vào cuối tháng 3 này. Một đơn nguyên hồi sức bệnh nhân COVID-19 nguy kịch tại Bệnh viện Hoàng Mai - cơ sở y tế có nhiệm vụ điều trị bệnh nhân nặng nguy kịch với quy mô 500 giường cũng vừa dừng hoạt động. Hiện sức ép điều trị ca nặng ở các bệnh viện khác trên toàn quốc cũng đã giảm rõ rệt so với tuần đầu tháng 3.
Việc hoạt động trở lại của các khu vui chơi ở thành phố Hồ Chí Minh, các sự kiện văn hóa ở nhiều tỉnh thành hay sự tấp nập của phố đi bộ Hồ Gươm sau hơn 1 năm phải dừng hoạt động do dịch bệnh là những minh chứng cho thấy sự thay đổi cả về nhận thức và hành động trước diễn biến dịch bệnh.
Bao quát về tình hình dịch ở thởi điểm này, PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: trong thời gian qua số ca nhiễm Covid -19 cao nhưng chúng ta không bị quá tải hệ thống y tế, số chuyển nặng cũng không nhiều, số nhập viện cũng như số tử vong không cao do chúng ta đã tiêm vaccine trên toàn quốc đạt tỷ lệ cao, năng lực hệ thống y tế được nâng lên, công tác chống dịch cũng đã có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt hiểu biết phòng bệnh của người dân cũng được nâng lên.
Đã đến lúc cần có cách tiếp cận khác với Covid -19 là quan điểm của PGS Trần Đắc Phu.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết: Việc có kế hoạch đưa COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B là chuyển biến tốt. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với hết dịch, bởi dịch vẫn tiếp tục lưu hành và gây chết người, nhưng nó không còn “tối nguy hiểm” nữa.
Theo ông Phu việc nới lỏng các quy định phòng dịch sẽ có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng. Tuy nhiên có 3 điều kiện then chốt để có thể quyết định đưa COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (đặc biệt nguy hiểm) sang nhóm B (nguy hiểm): thứ 1 chúng ta phải dự báo được tình hình dịch có phức tạp hay không, có biến chủng hay không. Thứ 2 là số tử vong, số tử vong phải đưa về con số thấp nhất. Thứ 3 phải xem dịch có ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh tế-xã hội, an sinh của người dân hay không.
Hoạt động chống dịch thay đổi những gì?
Khi COVID-19 được chuyển sang loại bệnh truyền nhiễm nhóm B thì từ việc điều tra dịch tễ, xét nghiệm, công bố số liệu cho tới việc cách ly, điều trị... đều có sự thay đổi đáng kể. Chẳng hạn, sẽ không còn việc bắt buộc cách ly người bệnh; không còn yêu cầu bắt buộc điều trị như đối với bệnh nhân nhóm A; không còn các đợt xét nghiệm diện rộng; không còn đếm số ca mắc; không có khái niệm F0; không còn việc miễn phí điều trị, cách ly.
Trong trường hợp COVID-19 được chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B thì các biện pháp như hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh dịch vụ nơi công cộng trong vùng có dịch sẽ không còn áp dụng.
Việc chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho công tác phòng, chống dịch.
Theo ông Phu, hơn 2 năm qua Nhà nước đã sử dụng nhiều kinh phí cho công tác phòng, chống dịch. Khi chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, những biện pháp phòng chống dịch thay đổi, theo đó gánh nặng lên cơ sở y tế, nhân viên y tế sẽ giảm.
Cần có cơ chế đặc thù
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng: nên xem xét “tư cách đặc thù” đối với COVID-19. Nghĩa là, tuy đã chuyển COVID-19 sang “nhóm B” nhưng tùy vào tình hình dịch tễ cụ thể (tỷ lệ bệnh nhân trở nặng, số ca tử vong) ở những địa bàn cụ thể mà chúng ta có thể áp dụng một số biện pháp phòng, chống nhất định như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A. Với COVID-19, cách thức chống chọi phải được áp dụng một cách linh hoạt, mềm dẻo, không rập khuôn, cứng nhắc theo lý thuyết.
Việc chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho công tác phòng, chống dịch, giảm áp lực lên các cơ sở y tế, nhân viên y tế. Cụ thể, người bệnh phải tự trả chi phí điều trị hoặc bảo hiểm y tế thanh toán theo luật định.
Vậy, việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, người dễ bị tổn thương sẽ được áp dụng như thế nào khi họ mắc COVID-19? Chữa bệnh suy hô hấp cấp tính nặng không đơn giản, nhất là khi phải áp dụng các biện pháp điều trị tích cực.
Trong khi đó, với đặc tính lây lan nhanh, người nghèo mắc bệnh lại không có điều kiện tự cách ly an toàn nên rất dễ truyền SARS-CoV-2 cho các thành viên trong gia đình. Một gia đình có thể có 7-10 người bệnh ở nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ. Số tiền để điều trị sẽ rất lớn, quá sức chịu đựng của những người yếu thế.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, một số bệnh truyền nhiễm nhóm B vẫn phải được công bố dịch trên toàn quốc. Với COVID-19, khi chúng ta chuyển sang nhóm B thì tùy theo tính chất, mức độ của dịch để có quyết định công bố dịch hay không. Tuy nhiên, khi chuyển COVID-19 sang nhóm B thì các chính sách phải được xây dựng sao cho phù hợp vì loại bệnh này có quá nhiều tính chất đặc thù và phức tạp.
Một vấn đề nữa mà chuyên gia truyền nhiễm này cho biết là các địa phương có số ca nhiễm cao trong thời gian qua sẽ có xu hướng giảm. Nhưng ông cũng khuyến cáo là các tỉnh có người dân chưa nhiễm đặc biệt là nơi nhiều người chưa nhiễm thì dịch sẽ có nguy cơ lây lan. Và trong thời gian qua cũng có rất nhiều người đã nhiễm rồi thì vẫn tái nhiễm lại nên chúng ta không được lơ là, vẫn cần cảnh giác trong việc giám sát các biến chủng của SARS CoV-2 dù bệnh này là nhóm A hay nhóm B./.
Phạm Trang/VOV2