5 dự án thiếu hơn 6,5 triệu m3 đất
Theo báo cáo của Bộ GTVT, tính đến ngày 26/3, dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 vẫn còn thiếu 6,53 triệu m3 đất đắp. Hiện Bộ GTVT đang tích cực làm việc với chính quyền các địa phương để sớm tháo gỡ.
Cụ thể, dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết còn thiếu 2,46 triệu m3 (tỉnh Bình Thuận). Dự kiến đến hết tháng 3/2022, địa phương sẽ cấp phép khai thác 4 mỏ với trữ lượng 1,7 triệu m3.
Với khối lượng vật liệu thiếu còn lại khoảng 0,7 triệu m3 sẽ sử dụng nguồn từ hai mỏ mới bổ sung quy hoạch vào tháng 2/2022. Hiện, địa phương đang thực hiện thủ tục cấp phép, phấn đấu hoàn thành trong tháng 3/2022.
Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, lượng đất đắp còn thiếu 0,8 triệu m3 (địa bàn tỉnh Khánh Hòa). Hiện, doanh nghiệp dự án đang phối hợp với địa phương hoàn thiện các thủ tục để cấp phép hai mỏ (tại xã Suối Tân và xã Cam An Bắc), dự kiến hoàn thành các thủ tục cấp phép trong tháng 3/2022.
Dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn thiếu 0,27 triệu m3 chủ yếu nằm ở hai gói thầu XL5 và XL6 trên địa bàn Thừa Thiên - Huế. Trong đó, lượng đất thiếu tại gói thầu XL5 được bố trí lấy từ mỏ Động Đá được tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt trữ lượng, dự kiến cuối tháng 3/2022 sẽ đưa vào khai thác. Gói thầu XL6 lấy từ mỏ Hiền Sỹ, địa phương đã phê duyệt bổ sung diện tích, dự kiến tháng 4/2022 sẽ đưa vào khai thác.
Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 (địa bàn Ninh Bình) thiếu 0,7 triệu m3. Đến nay, tỉnh Ninh Bình đang xem xét cấp bổ sung 2 mỏ đất (mỏ đồi Đương và đồi Lang) theo đề nghị của nhà thầu để đáp ứng nhu cầu về vật liệu đất, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2022.
Dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo thiếu 2,3 triệu m3 (Ninh Thuận 2 triệu m3 và Bình Thuận 0,3 triệu m3). Tỉnh Ninh Thuận đã thống nhất bổ sung hai mỏ Phước Hữu và Phước Vinh với trữ lượng khoảng 2 triệu m3; còn 0,3 triệu m3 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, doanh nghiệp dự án đang làm việc với địa phương đề xuất cho phép tận dụng từ nguồn cải tạo, hạ cao độ đất nông nghiệp của dân. Dự kiến khối lượng vật liệu thiếu sẽ được xử lý trong tháng 3/2022.
Để đẩy nhanh tiến độ, hàng tuần lãnh đạo Bộ GTVT đều làm việc với lãnh đạo cấp cao của các nhà thầu thi công dự án để yêu cầu ký cam kết hoàn thành các gói thầu đúng tiến độ; huy động tối đa mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công bù đắp khối lượng chậm tiến độ đảm bảo hoàn thành các gói thầu, dự án đúng tiến độ cam kết; kiên quyết có biện pháp xử lý đối với các nhà thầu vi phạm tiến độ (cắt chuyển khối lượng, bổ sung thầu phụ, xem xét không cho tham gia các dự án do Bộ quản lý trong thời gian tới...).
Nhiều dự án chậm tiến độ
Theo Bộ GTVT, 11 dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, đến nay có 1 dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, 10 dự án đang triển khai thi công xây dựng có 8 dự án đáp ứng và cơ bản đáp ứng tiến độ.
Đặc biệt, có 2 dự án gồm, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang chậm 6 - 8% giá trị hợp đồпg so với kế hoạch.
Theo đó, thứ nhất, dự án Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc phạm vi 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với tổng chiều dài khoảng 49,3km hiện chậm 6,79% giá trị hợp đồng so với kế hoạch.
Nguyên nhân chậm tiến độ được đánh giá do doanh nghiệp dự án rất hạn chế về năng lực trong công tác quản lý, điều hành, chậm trễ trong công tác lựa chọn nhà thầu. Các nhà thầu chậm trễ huy động nhân sự, máy móc, thiết bị để triển khai thi công.
Thứ hai, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua tỉnh Bình Thuận dài 101km đến nay chậm 8,89% giá trị hợp đồng so với kế hoạch điều chỉnh.
Nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn vật liệu đất đắp nền thiếu khoảng 2,46 triệu m3. Các nhà thầu chưa đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu.
"Lãnh đạo Bộ sẽ làm việc với lãnh đạo cấp cao của các nhà thầu thi công dự án để yêu cầu các nhà thầu ký cam kết hoàn thành các gói thầu đúng tiến độ, huy động tối đa mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công bù đắp khối lượng chậm tiến độ đảm bảo hoàn thành các gói thầu, dự án đúng tiến độ cam kết", Bộ GTVT cho biết.
Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, sẽ kiên quyết xử lý đối với các nhà thầu vi phạm tiến độ như cắt chuyển khối lượng, bổ sung thầu phụ, xem xét không cho tham gia các dự án do Bộ GTVT quản lý trong thời gian tới...
Chấn chỉnh nhà thầu, gỡ khó vật liệu thi công
Ngày 27/3, Thứ trưởng Bộ TVT Lê Anh Tuấn đã trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công và có buổi làm việc với nhà đầu tư, đơn vị thi công dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.
Tại buổi làm việc, Công ty cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng (Cty Phúc Thành Hưng) báo cáo tình hình thực hiện dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đến ngày 26/3.
Đoạn cao tốc này có chiều dài 50 km, đi qua địa bàn tỉnh Nghệ An dài 44,4 km, đi qua địa bàn Hà Tĩnh dài 4,9 km. Tổng mức đầu tư của dự án là 11.157 tỷ đồng, hình thức thực hiện dự án theo PPP hợp đồng BOT. Liên danh các nhà đầu tư trúng thầu thực hiện dự án gồm Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn Cienco4 - Công ty TNHH đầu tư Núi Hồng - Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty CP đầu tư và xây dựng VINA2.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, thời gian qua nhà đầu tư có triển khai chậm, nhiều lần đưa vào chế độ cảnh báo đỏ.
“Từ nay yêu cầu Ban PMU 6 quản lý chặt chẽ nội dung. Yêu cầu rà soát thống nhất, tiến độ cụ thể, chi tiết từng hạng mục. Kiểm điểm, phê bình Cty Phúc Thành Hưng báo cáo tình hình dự án, thi công còn rất sơ sài, chưa đủ, do vậy ông đã yêu cầu cập nhật, rà soát và báo cáo lại Bộ GTVT. Trên cơ sở tiến độ đấy, xác định đường ngăn hầm Thần Vũ, cầu Hương Đức và xử lý đất yếu”, ông Tuấn chỉ đạo.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn yêu cầu chủ đầu tư dự án phải ý thức được trách nhiệm với dự án quan trọng của quốc gia, khẩn trương kiện toàn bộ máy quản lý, điều hành của doanh nghiệp dự án.
Đồng thời, chỉ đạo các nhà thầu phải khẩn trương bố trí nhân lực, máy móc, thiết bị để triển khai thực hiện, lập tiến độ tổng thể, chi tiết bù đắp tiến độ bị chậm, kế hoạch từng tháng, từng tuần và kiểm soát tiến độ thực hiện hằng tuần đối với từng gói thầu.
“Ban QLDA và nhà đầu tư cần chủ động làm việc với huyện, xã đảm bảo công tác GPMB sạch và khu tái định cư cho người dân; giữa tháng 4 (15/4) cần làm xong đường công vụ để đẩy nhanh tiến độ thi công; ngoài tiến độ chung phải xây dựng cả tiến độ chạy đua với thời tiết, mùa mưa”, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu.
Về vấn để giải quyết nhanh chóng khó khăn nguồn đất đắp cho các dự án cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2017-2020), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, hàng tuần lãnh đạo Bộ GTVT đều làm việc với lãnh đạo cấp cao của các nhà thầu thi công dự án để yêu cầu ký cam kết hoàn thành các gói thầu đúng tiến độ; huy động tối đa mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công bù đắp khối lượng chậm tiến độ đảm bảo hoàn thành các gói thầu, dự án đúng tiến độ cam kết; kiên quyết có biện pháp xử lý đối với các nhà thầu vi phạm tiến độ (cắt chuyển khối lượng, bổ sung thầu phụ, xem xét không cho tham gia các dự án do Bộ quản lý trong thời gian tới...).
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, hiện nay áp lực công việc vô cùng lớn, vừa đảm bảo tiến độ thi công giai đoạn 1 nhưng phải đảm bảo tiến độ, chất lượng công tác triển khai dự án giai đoạn 2. Tiến độ rất gấp rút nhưng chất lượng phải là ưu tiên hàng đầu, phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Các cơ quan đơn vị liên quan, đặc biệt là giám đốc các Ban Quản lý dự án phải quản lý tình hình triển khai tại hiện trường, phải nắm bắt đánh giá đầy đủ những thông tin, biến động ảnh hưởng đến dự án để kịp thời điều chỉnh kế hoạch triển khai chi tiết. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và vật liệu cho dự án.
Bộ sẽ kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm hợp đồng, mục tiêu phải đảm bảo tiến độ hoàn thành trước mắt 4 dự án hoàn thành trong năm 2022./.
Theo VOV.VN