Nhằm xác định bước đi, lộ trình để cụ thể hóa phương án quy hoạch các ngành, lĩnh vực để đạt được các mục tiêu của quy hoạch, UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhiều định hướng nguồn vốn đầu tư công cho các ngành, lĩnh vực
Về lĩnh vực hạ tầng giao thông, tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại, kết nối giữa các vùng trong và ngoài tỉnh, tạo không gian để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của các địa phương và của tỉnh; giải quyết dứt điểm vấn đề tắc đường cục bộ, chia cắt, thiếu tính kết nối hiện nay. Trong đó tập trung đầu tư các tuyến đường giao thông đối ngoại kết nối QL31 với Cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn khu vực huyện Lục Nam, Lục Ngạn; các tuyến giao thông kết nối huyện Sơn Động với tỉnh Quảng Ninh; các tuyến giao thông kết nối các huyện Lục Nam, Yên Dũng với tỉnh Hải Dương; các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên thuộc vùng động lực kinh tế của tỉnh với tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên; tuyến giao thông kết nối huyện Yên Thế với Thái Nguyên, Lạng Sơn; đầu tư các tuyến đường kết nối các trục giao thông liên vùng, liên huyện, kết nối các tuyến giao thông chính với các khu cụm công nghiệp, các cảng tổng hợp, khu, điểm du lịch; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường đã xuống cấp...
Về lĩnh vực hạ tầng phòng, chống thiên tai và thủy lợi, tiếp tục quan tâm đầu tư hệ thống các trạm bơm tưới, tiêu, đặc biệt là các trạm bơm tiêu nước các khu vực phát triển KCN; các hồ, đập đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ; hệ thống đê, các tuyến kênh tiêu, thoát nước; hạ tầng di dân, tái định cư vùng nguy cơ ảnh hưởng thiên tai...
Về hạ tầng khu, cụm công nghiệp, điện, tiếp tục đầu tư hệ thống xử lý nước thải các khu, cụm công nghiệp, đảm bảo đến năm 2025, 100% các KCN, CCN có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; tiếp tục nâng cấp hệ thống xử lý đảm bảo tiên tiến vào năm 2030. Đầu tư cải tạo hệ thống điện sinh hoạt nông thôn đảm bảo an toàn, giảm tỷ lệ hao hụt điện năng; đảm bảo điện năng cho khu vực sản xuất công nghiệp.
Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho công tác quản lý, dạy và học của một số trường THPT trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phòng học 1 ca cho 100% các trường, cơ bản đầy đủ các phòng chức năng, nhà 3 đa năng. Xóa lớp học nhờ, học tạm ở các bậc học; 100% các trường có công trình vệ sinh đạt chuẩn. Tiếp tục đầu tư xây dựng trường Cao đẳng nghề công nghệ Việt - Hàn để trở thành trường đào tạo nghề chất lượng cao của cả nước; từng bước đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở vật chất một số Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; đầu tư một số trường nghề trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; nâng cấp Trường trung cấp nghề miền núi Yên Thế thành Trường cao đẳng.
Về lĩnh vực y tế, hoàn thành đầu tư xây dựng mở rộng quy mô giường bệnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh; các Bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh như Bệnh viện Ung bướu, Phục hồi chức năng, Y học cổ truyền; 100% các Trung tâm y tế các huyện; xây dựng mới Trung tâm Y tế thành phố Bắc Giang để hình thành trung tâm y tế đa chức năng trên cơ sở trung tâm hiện nay...
Về lĩnh vực an sinh xã hội, đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo các nhiệm vụ an sinh xã hội, các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Tiếp tục hỗ trợ các huyện đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội các xã, nhất là các xã nghèo, miền núi, xã đặc biệt khó khăn và xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các thôn khó khăn nhất tỉnh...
Lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư
Theo định hướng phát triển, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bao gồm: Đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các dự án sản xuất ngành công nghiệp, nông nghiệp. Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị, khu dân cư. Các dự án lĩnh vực dịch vụ gồm: chợ, bến xe, bến và cảng đường thủy nội địa, cảng cạn (ICD), logistics, khu du lịch, sân golf, siêu thị, trung tâm thương mại. Các dự án phát triển năng lượng như điện gió, điện mặt trời; các dự án đầu tư khu xử lý rác thải các huyện, thành phố; các dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch đô thị, nông thôn; các dự án xây dựng nghĩa trang, nhà hỏa táng. Các dự án đầu tư xây dựng cơ sở bảo trợ xã hội; các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở y tế.
Khai thác, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả quỹ đất
Kế hoạch sử dụng đất phải khai thác, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả quỹ đất; phù hợp với nhu cầu, góp phần thực hiện các mục tiêu, phương án phát triển đã được xác định trong Quy hoạch.
Đối với đất sản xuất nông nghiệp, cần bảo vệ diện tích đất trồng lúa, tiến hành các biện pháp thâm canh cao, tăng năng suất, tăng chất lượng nông sản, đảm bảo nhu cầu an toàn lương thực, song song với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng diện tích cây ăn quả, phát triển mạnh các mô hình kinh tế trang trại và chăn nuôi tập trung. Lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi dựa trên lợi thế và tiềm năng của từng vùng trong tỉnh.
Đối với đất phi nông nghiệp, ưu tiên bố trí đất cho phát triển theo định hướng đã được xác định trong quy hoạch gồm: Phát triển công nghiệp, phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng.
Đối với đất chưa sử dụng, tiếp tục đầu tư khai thác đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng cho mục đích nông lâm nghiệp phát triển bền vững.
Nguồn lực thực hiện quy hoạch
Đối với nguồn nhân lực, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong việc phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế. Phát triển giáo dục đào tạo gắn với phát triển khoa học và công nghệ.
Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS theo hướng khuyến khích học sinh tham gia học nghề, giảm tỷ lệ học lên THPT vào học cao đẳng để điều chỉnh cung - cầu theo hướng phù hợp với thực tế thị trường lao động, tránh tình trạng thất nghiệp hoặc phải làm việc không đúng với chuyên môn được đào tạo.
Tăng cường liên kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp sử dụng lao động, triển khai đào tạo theo hình thức đặt hàng. Đẩy nhanh lộ trình giao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo nghề công lập.
Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài bằng việc ban hành các chính sách cụ thể; đào tạo lao động có trình độ kỹ thuật cao, có kỹ năng nghề nghiệp theo yêu cầu phát triển KT-XH.
Đối với nguồn vật lực, tập trung cao cho công tác bồi thường, GPMB đối với các dự án đầu tư, tạo điều kiện sớm hoàn thành các dự án nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Thực hiện công khai quy hoạch sử dụng đất các cấp để tạo điều kiện thu hút đầu tư. Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai các huyện, thành phố; phấn đấu đến hết năm 2030, tỉnh Bắc Giang có hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh đồng bộ hiện đại để khai thác sử dụng phục vụ các mục tiêu KT-XH.
Đối với nguồn lực cơ sở vật chất và hạ tầng KT-XH, nghiên cứu xây dựng danh mục các công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP) cho từng giai đoạn để thu hút nhà đầu tư, coi đây là giải pháp đột phá để hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH và hướng tới mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn các giai đoạn; ưu tiên các công trình quan trọng, cấp bách, có tính kết nối, tạo động lực cho phát triển KT-XH…