Quyết chí làm giàu trên đất quê hương

Từng nhiều lần thất bại trong phát triển kinh tế, bằng ý chí và khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê nhà, đảng viên Đặng Văn Ba (46 tuổi), Chi bộ thôn 2, xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định vẫn vững chí tìm giải pháp khai thác tiềm năng đất đai. Anh mạnh dạn thuê, cải tạo đất, hình thành trang trại quy mô lớn cho thu nhập kinh tế cao, ổn định.

 

Bại không nản...

Đến xã Mỹ Hưng, hỏi trang trại của anh Đặng Văn Ba, người dân nào cũng biết. Không chỉ bởi quy mô lớn mà bởi ý chí, nghị lực của người lính bộ đội Cụ Hồ đã giúp anh vượt qua bao gian khó, dựng nên cơ nghiệp hôm nay.

Tiếp chúng tôi khi vừa thả lứa cá mới, anh Đặng Văn Ba trải lòng, năm 1995, anh nhập ngũ Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Năm 1997, anh xuất ngũ trở về địa phương. Thời điểm đó, kinh tế khó khăn, ở quê chưa tìm được việc làm, anh Ba xin đi làm phụ xây ở các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh. Dành dụm chút vốn liếng, năm 1998, anh trở về quê với quyết tâm cải tạo ruộng, vườn, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm... Khi thuê được đất, cả vùng đồng trũng trồng lúa cho năng suất thấp, nhiều ruộng bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Nhiều người khuyên anh có chút vốn liếng không nên đầu tư ở đây vì như “muối bỏ bể”. Mặc mọi lời đàm tiếu, can ngăn, ngày ngày anh tự đổ đất làm vườn, cùng anh em thợ đào ao để giảm thiểu chi phí tiền công. Mỗi lần định buông xuôi, anh luôn nhớ lời dạy của Bác: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”.

                   CT1: Mô hình trang trại nuôi cá của đảng viên Đặng Văn Ba, thôn 2 xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) cho hiệu quả kinh tế cao. 	Ảnh: Viết Dư

Vài tháng vất vả, mảnh đất cũng thành hình. Lúc này, anh bắt đầu mua các cây con giống về trồng, dưới ao thả nhiều loại cá khác nhau. Với cách làm nhỏ lẻ, anh Ba chưa có kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, vật nuôi nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 1999, sau khi nghiên cứu tìm hiểu thị trường, nhận thấy nghề nuôi cá cho kinh tế cao, hướng phát triển ổn định, anh Ba bàn bạc với gia đình đấu thầu 10.000m2 đầm của xã để nuôi cá.

Anh Ba nhớ lại, thời gian đầu nuôi cá, gia đình anh gặp khó khăn về nguồn vốn, kỹ thuật chăm sóc nên trọng lượng cá nhỏ, dịch bệnh nhiều,... có thời điểm cá đổ bệnh chết trắng ao, thiệt hại ước tính trên 40 triệu đồng, là số tiền rất lớn ở thời điểm đó. Được sự động viên của cấp ủy, chính quyền và gia đình, anh Ba quyết tâm tiếp tục phát triển nghề nuôi cá. Anh lặn lội tìm đến những trang trại nuôi thủy sản lớn để học tập kinh nghiệm, tìm mua tài liệu, sách báo hướng dẫn nuôi cá thịt, cá giống. Bên cạnh đó, anh tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn nghề nuôi thủy sản do xã tổ chức. Vững kiến thức và ứng dụng kỹ thuật vào chăn nuôi phòng bệnh cho cá nên gia đình anh Ba dần có lãi để tái sản xuất, đầu tư. Năm 2008, anh vay ngân hàng 200 triệu đồng để đấu thầu, cải tạo thêm 10.800m2 đầm, đầu tư mở rộng diện tích nuôi cá trắm đen. Phát triển kinh tế trang trại hiệu quả, năm 2017, anh Ba tiếp tục vay ngân hàng 500 triệu đồng để mua và đấu thầu thêm 12.600m2 đầm để nuôi cá trắm đen, cá chép vàng và cá koi Nhật Bản.

“Quả ngọt” từ sự kiên trì

Anh Ba chia sẻ: “Nuôi cá koi không dễ như nuôi cá trắm đen vì cá koi thường bị bệnh vào thời điểm giao mùa. Vì vậy, tôi phải luôn theo dõi sức khoẻ của đàn cá cũng như môi trường ao nuôi để có những biện pháp phòng, chống bệnh cho cá kịp thời. Đặc biệt phải luôn chú ý vệ sinh cho cá và tạo được môi trường trong lành, thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để sắp xếp thời gian phù hợp cho cá đẻ. Khi môi trường nước đảm bảo và thời tiết thuận lợi sẽ có nhiều ô-xy, cá có thể nở tốt và đạt tỷ lệ sống cao”. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho cá, vào thời điểm ốc bươu vàng nở rộ, anh Ba thu mua để sơ chế làm thức ăn cho cá với số lượng từ 2 - 3 tạ/ngày.

Cách làm này không chỉ tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động địa phương mà còn góp phần hạn chế và làm giảm nạn ốc bươu phá hại mùa màng. Nhờ hướng đi đúng, trang trại của anh Ba liên tục phát triển về quy mô. Đến nay, trang trại của anh Ba có diện tích gần 40.000m2, trong đó 3.600m2 vườn cây cảnh, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, còn lại thả các loại cá trắm đen, cá koi Nhật Bản, cá chép vàng. Trung bình mỗi năm, trang trại của gia đình anh xuất ra thị trường từ 10 - 13 tấn cá các loại; doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/năm, trừ các chi phí, gia đình anh lãi từ 500 - 600 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, anh còn tạo việc làm cho 8 lao động với số tiền 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

                   Anh Ba kết hợp nuôi cá với trồng cây cảnh.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, quản lý chăn nuôi, anh Ba tiến hành lắp camera độ nét cao, điều khiển guồng nước từ xa, trang bị đầy đủ máy bơm, máy hút bùn, máy tạo sục khí,... với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Đến nay, kinh phí xây dựng cơ sở vật chất tại trang trại của anh Ba ước tính gần 6 tỷ đồng. Thành công trong phát triển trang trại, với trách nhiệm của người đảng viên, anh Ba đã nhiệt tình hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, vốn, con giống,... cho nhiều người có ý định lập trang trại. Hiện nay, nhiều đồng đội cũ của anh Ba đã phát triển mô hình nuôi cá, trong đó có 6 người thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM của xã, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của người đảng viên, anh Ba đã ủng hộ 20 triệu đồng làm đường trong thôn. Từ những kết quả đạt được, năm 2018, trang trại nuôi cá của anh Ba được cấp giấy chứng nhận mô hình trang trại; cá nhân anh Ba được UBND huyện Mỹ Lộc tặng giấy khen “Đã có thành tích trong việc thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp xã Mỹ Hưng giai đoạn 2015 - 2018”.

Những đảng viên làm kinh tế giỏi, hết mình với công việc chung như anh Đặng Văn Ba đã củng cố niềm tin của người dân với Đảng, từ đó tạo sự đồng lòng thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Đảng viên Đặng Văn Ba xứng đáng là tấm gương điển hình trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ông Đặng Văn Tành, Bí thư chi bộ thôn 2, xã Mỹ Hưng  cho biết: “Đảng viên Đặng Văn Ba là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại địa phương. Anh luôn sẵn lòng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với chủ các trang trại, gia trại khác trong xã, cùng hỗ trợ nhau sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập của người dân địa phương… Nhiều năm liền gia đình anh Ba được công nhận gia đình văn hóa”.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận