Trả lời PV VTC News về việc xử lý bồi thường sau tai nạn giao thông, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên Tổ trưởng Tổ xử lý (Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội) cho biết, quá trình bồi thường thiệt hại phải dựa trên yếu tố lỗi, sai đến đâu chịu trách nhiệm đến đó.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người đọc luật nhưng không hiểu tường tận hoặc có những điều luật chưa giải thích rõ ràng, tạo ra thực trạng biến tướng của luật pháp, dẫn đến tư duy “xe lớn phải bồi thường xe bé”.
“Ví dụ trong trường hợp xe máy đi ngược chiều trên cao tốc bị ô tô đâm, người đi xe máy dựa vào khoản 3 Điều 601 Bộ luật dân sự: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi…” và cho rằng xe ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ nên phải bồi thường. Nhiều sự việc tương tự như thế dẫn đến tiền lệ xe lớn phải bồi thường xe bé”, ông Quỹ nói.
Thuật ngữ “nguồn nguy hiểm cao độ” rất không rõ ràng
Theo chia sẻ của vị thượng tá, lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn khi xác định “nguồn nguy hiểm cao độ”, bởi thuật ngữ này hoàn toàn không được mô tả rõ ràng trong luật.
Ông Quỹ dẫn luật, khoản 1 điều 601 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”.
“Phương tiện giao thông vận tải cơ giới gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơmi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.
Thế nên tất cả các phương tiện giao thông đường bộ đều có thể trở thành nguồn nguy hiểm cao độ. Tuy nhiên trong giải quyết tai nạn giao thông, nhiều người lại lầm tưởng rằng cứ xe nào to hơn sẽ trở thành “nguồn nguy hiểm cao độ” và phải bồi thường thiệt hại cho bên xe nhỏ”, ông Quỹ nói.
Thượng tá Quỹ cho rằng, trong một vụ tai nạn diễn ra trên cao tốc liên quan đến việc xe máy đi ngược chiều thì không thể xác định ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ.
“Trong trường hợp đoạn đường cho phép ô tô chạy 100km/h nhưng tài xế lại cho xe chạy tới 120km/h thì xe ô tô này sẽ trở thành nguồn nguy hiểm đe doạ an toàn hoặc tạo nguy hiểm cho các phương tiện khác.
Còn nếu ô tô đi đúng tốc độ, phần đường nhưng xe máy cố tình đi ngược chiều thì nguồn nguy hiểm cao độ ở đây phải xác định là xe máy.
Tất cả phương tiện khi tham gia giao thông đều phải tuân thủ pháp luật. Dù anh điều khiển xe đạp, xe máy hay ô tô, nếu không chấp hành quy tắc giao thông thì đều là nguồn nguy hiểm”, ông Quỹ phân tích.
Từ những phân tích trên có thể thấy, ngay cả người đi bộ cũng có thể trở thành nguồn nguy hiểm cao độ. “Ví dụ khi ô tô đang lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với vận tốc 120km/h, đột nhiên có một người đi bộ nhảy qua dải phân cách từ bên kia sang bên này đường để đón xe. Người đi bộ không những gây nguy hiểm cho bản thân mà còn gây nguy hiểm cho người khác.
Lái xe ô tô đang chấp hành luật pháp, đi đúng phần đường của họ thì làm sao có thể phán đoán được những tình huống hi hữu như sẽ có người đi bộ trên cao tốc. Nếu tai nạn xảy ra thì không thể truy cứu trách nhiệm và bắt họ bồi thường được vì họ đang chấp hành luật, đi đúng quy tắc giao thông”, nguyên cán bộ CSGT phân tích.
Nhiều ý kiến nói rằng, tai nạn trên cao tốc khi xe máy đi ngược chiều mà ô tô đâm vào thì lái xe ô tô sẽ bị truy cứu vì lỗi không làm chủ tốc độ hay không đảm bảo khoảng cách an toàn. Ông Quỹ cho rằng, điều này hoàn toàn vô lý.
“Làm chủ tốc độ chỉ quy định đối với xe đi cùng chiều, khoảng cách an toàn sẽ là 50, 70 hay 100m, tuỳ theo tốc độ cho phép trên đường đó để giữ khoảng cách phương tiện liền trước, liền sau. Không thể làm chủ tốc độ hay giữ khoảng cách đối với xe đi ngược chiều, với xe vi phạm luật giao thông”, ông Quỹ khẳng định.
Cùng nhận định, Thượng tá Lê Đức Đoàn, nguyên cán bộ Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội (Công dân Thủ đô ưu tú năm 2012) cho rằng, pháp luật không có tiêu chuẩn rõ ràng nên việc xác định nguồn nguy hiểm cao độ là rất khó.
“Không có tiêu chuẩn xác định nên xe lớn mặc nhiên trở thành nguồn nguy hiểm cao hơn xe bé. Thêm vào đó, việc pháp luật quy định “chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi…”, nên ông xe bé mặc nhiên coi mình là người yếu thế, yêu cầu xe lớn bồi thường.
Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng xe lớn bồi thường xe bé, xe đi đúng đền xe đi sai”, ông Đoàn nói.
Theo ông Lê Đức Đoàn, mọi phương tiện giao thông đều bình đẳng, khi lưu hành phải tuân thủ các quy tắc giao thông.
“Xe ô tô đi trên cao tốc có quy định về tốc độ, cơ quan đăng kiểm đã kiểm tra và xác nhận xe đó đủ điều kiện lưu hành trên đường giao thông thì làm sao lại bảo họ là nguồn nguy hiểm cao độ được. Không nên vận dụng một cách cực đoan từ “nguồn nguy hiểm cao độ”, dễ gây bức xúc cho dư luận”, ông Đoàn nói thêm.
Bỏ ngay cách xử lý “duy tình”
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ cho rằng, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng xử lý sai trong tai nạn giao thông, không đúng người, không đúng trách nhiệm là do nhiều quy định luật pháp chồng chéo, chưa phù hợp.
“Nhiều nước trên thế giới quy định rất rạch ròi vấn đề liên quan đến lỗi. Anh vi phạm đến đâu, vi phạm thế nào thì phải bị xử lý và chịu trách nhiệm đến đó. Những cá nhân không có lỗi, thiếu yếu tố lỗi thì sẽ không bị xử lý hay phải đền bù.
Để giao thông trở nên văn mình, tránh những bức xúc tiêu cực của người dân thì chúng ta cũng cần phải thay đổi. Đừng để người lái xe ô tô phải mang tâm lý mình là nguồn nguy hiểm cao độ, dù đi đúng luật nhưng nếu đâm vào xe máy, xe đạp hay người đi bộ thì phải tìm đến người ta để hoà giải, đền bù”, ông Quỹ nói.
Ông Nguyễn Văn Quỹ nhấn mạnh, cần sớm loại bỏ cách xử lý theo tư duy “duy tình” để luật pháp được thực thi nghiêm minh, tránh tình trạng xe bé ỷ lại, nhờn với quy định.
“Nếu anh vi phạm giao thông, tai nạn là lỗi do anh thì anh phải chịu trách nhiệm, thậm chí là bồi thường cho những người bị tổn hại do vụ tai nạn đó. Trường hợp người gây tai nạn tử vong thì những người đại diện hợp pháp của họ phải thực hiện nghĩa vụ đền bù.
Không ít trường hợp người điều khiển xe máy đang còn học sinh không đủ tuổi nhưng bố mẹ, anh chị hoặc người thân vẫn giao xe dẫn đến tai nạn rồi “ăn vạ”. Điều này hết sức vô lý. Đúng ra thì người đại diện của em học sinh đó, hay chủ phương tiện phải liên đới trách nhiệm hoặc có thể bị truy tố nếu hậu quả vụ tai nạn nghiêm trọng”, ông Quỹ nêu quan điểm.
Nói về giải pháp loại bỏ thực trạng “xe lớn phải bồi thường xe bé”, Thượng tá Lê Đức Đoàn cho rằng, cơ quan ban hành hay thực thi pháp luật phải bổ sung những điều kiện luật pháp nếu các bên muốn giải quyết sự việc trên phương diện thoả thuận.
“Ví dụ nếu anh đi sai và thiệt hại về người, tài sản thì không thể yêu cầu bên còn lại bồi thường được, chỉ có thể coi đó là hỗ trợ nhân đạo với một số tiền cụ thể, có mức trần và không quá cao, tránh vi phạm lợi ích của bên còn lại. Nếu thoả thuận dân sự không được thực hiện thì bắt buộc phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền xử lý và phải xử lý một cách nhanh chóng để sớm trả lại phương tiện, tài sản cho các bên…
Về luật, đúng thì được bồi thường, sai thì phải bồi thường, không thể lấy bất cứ lý do nào đó như xe nhỏ là kẻ yếu thế, điều kiện kinh tế eo hẹp… để được bồi thường. Điều này đi ngược lại quy định của pháp luật”, ông Đoàn nói.
Bên cạnh công tác sửa đổi, bổ sung luật pháp, theo ông Đoàn, các cơ quan chức năng cũng cần phải tuyên truyền cho người dân chấp hành luật lệ giao thông an toàn.
“Đường xá càng hiện đại, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông mà không nghiêm thì tai nạn cực kỳ thảm khốc. Hạn chế tối đa những vụ tai nạn thảm khốc cũng là cách để sớm xoá bỏ tiền lệ xe lớn đền xe bé, xe đi đúng đền xe đi sai tồn tại nhiều năm nay”, ông Đoàn nói./.
ANH VĂN/VTC.VN