Cần làm gì để ổn định tâm lý cán bộ và vực dậy ngành y?

Chúng tôi vẫn gọi đây là một "cơn sóng thần" hay là một "cơn siêu bão" quét qua ngành y

 

Tâm trạng chung của cả những người đang làm việc trong ngành hay những người đã nghỉ hưu như tôi cũng không tránh khỏi đượm buồn...

“Cơn bão” Việt Á khiến ngành Y chao đảo. Hàng loạt lãnh đạo, cán bộ bị bắt. Hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc men, trang thiết bị bị đứt gãy, tâm lý cán bộ hoang mang... Thực tế này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động chung của ngành, đặc biệt là công tác khám chữa bệnh. Cần làm gì để ổn định tâm lý cán bộ và vực dậy ngành Y?

Phóng viên VOV2 đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Huy Quang – nguyên Vụ Trưởng Vụ pháp chế - Bộ Y tế.

PV: Thưa ông, với những gì đang diễn ra trong ngành Y, cá nhân ông nghĩ như thế nào về những ảnh hưởng của nó tới hoạt động chung của ngành?

TS Nguyễn Huy Quang: Có thể nói, với một vụ việc đã được các cơ quan chức năng vào cuộc và có những vụ việc đã xong, có những vụ việc chúng ta vẫn đang chờ để có kết luận cuối cùng từ phía cơ quan điều tra, nhưng cho đến giờ số cán bộ bị đề xuất kỷ luật, số bị khởi tố đã rất lớn. Như vậy mức độ, tính chất của nó rất nghiêm trọng. Chưa bao giờ một Công ty Việt Á nhỏ như vậy lại là "nấm mồ" chôn chung khá nhiều quan chức của Bộ Y tế, Sở Y tế và CDC các tỉnh. Tàn dư của nó sẽ để lại hậu quả mà có thể chúng ta chưa lường trước được... Nhưng trước mắt chúng ta đã thấy đó là chuyện thiếu thuốc, trang thiết bị và tâm tư của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế đang bị tác động mạnh...

PV: Có thể nói ngành Y - đặc biệt là hệ thống y tế công đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có và lúc này người bệnh là đối tượng chịu thiệt thòi nhất, thưa ông?

TS Nguyễn Huy Quang: Đây là một thực tế. Thiệt thòi nhất chính là người bệnh người bệnh. Nếu như không có vấn đề xảy ra người bệnh được hưởng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng với giá cả phù hợp, dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế, đặc biệt là y tế chất lượng cao trong việc điều trị các bệnh nan y và các bệnh nặng. Nhưng bây giờ do thiếu trang thiết bị, thiếu thuốc sinh phẩm y tế nên quá trình điều trị bị ảnh hưởng, cho nên là họ là những người bị thiệt thòi nhất.

TS Nguyễn Huy Quang – Nguyên Vụ Trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế).PV: Có ý kiến cho rằng với những tổn thất mà hệ thống y tế đang phải gánh chịu có lẽ phải mất đến ba mươi năm mới phục hồi, hay nói như đại biểu Phạm Khánh Phong Lan của đoàn TP.HCM: nếu cứ như thế này thì cả ngành y tế sẽ tê liệt, còn quan điểm và góc nhìn của ông như thế nào trước hiện thực đang diễn ra?

TS Nguyễn Huy Quang: Tôi rất đồng tình với ý kiến của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Bởi vì để có được đội ngũ cán bộ thay thế đòi hỏi phải có thời gian. Bên cạnh đó, những người được bổ nhiệm trong thời gian tới nhìn vào các tấm gương này người ta cảm thấy sợ - đặc biệt là chịu sợ trách nhiệm. Không biết mình làm như thế này có đúng không, nếu như làm như vậy nhân dân được lợi gì, bản thân sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Đó là một thực tế. Nhưng chúng ta vẫn phải có niềm tin rằng, đây là một cuộc đấu tranh phê và tự phê, là cuộc đấu tranh để loại trừ các hành vi vi phạm pháp luật mà nếu nhân nhượng thì không biết đến bao giờ ngành Y mới có thể khắc phục được. Chính vì vậy, tôi cho rằng chúng ta sẽ chấp nhận những khó khăn nhưng trong khó khăn sẽ nhìn ra những điểm sáng, sẽ có được một con đường để phục hồi và phát triển ngành Y. Chúng ta càng phục hồi phát triển ngành Y sớm bao nhiêu người bệnh càng được hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng tốt bấy nhiêu.

PV: Trong bối cảnh như hiện nay, theo ông ngành Y cần làm gì để ổn định tâm lý cán bộ và khắc phục những khó khăn đang tồn tại?

TS Nguyễn Huy Quang: Đầu tiên tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm kết luận về các vụ việc của ngành y tế, để các thầy thuốc trong toàn ngành yên tâm làm nhiệm vụ. Vì hiện nay mọi người đang rất hoang mang, lo lắng.

Vấn đề thứ hai là với tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ nhân viên y tế như hiện nay cần kịp thời ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của đội ngũ thầy thuốc và nhân viên y tế trong các năm vừa qua - đặc biệt trong đại dịch. Không vì một số lượng nhỏ cán bộ vi phạm mà phủ nhận công lao của hàng triệu cán bộ, nhân viên y tế, có như vậy mới vực dậy được tinh thần của họ.

Vấn đề tiếp theo là vấn đề ổn định về mặt tổ chức. Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định mới về cơ cấu chức năng, nhiệm vụ của ngành y tế.

Bên cạnh đó, phải ổn định về công tác nhân sự của Bộ Y tế, Sở Y tế, của CDC các tỉnh. Có ổn định được người ta mới xây dựng được Bộ Y tế xây dựng được Sở Y tế xây dựng được các đơn vị bệnh viện.

PV: Còn hệ thống pháp lý trong Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi đang trình Quốc hội lần này, theo ông cần có những điều chỉnh như thế nào để giải quyết các vấn đề liên quan?

TS Nguyễn Huy Quang: Tôi nghĩ là các tội danh hoặc là kỷ luật đều liên quan đến các sai phạm về xã hội hóa, liên quan đến liên doanh liên kết, mượn máy, đặt máy và liên quan đến hóa chất sinh phẩm thế vì vậy cần phải có cơ chế pháp lý về xã hội hóa rõ ràng, rành mạch và trên cơ sở đó các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và những người có trách nhiệm làm căn cứ để thực hiện tốt xã hội hóa y tế./.

ĐinhTrang-Phạm Trang/VOV2 (thực hiện)
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận