Đánh thức 'khát vọng' có tác phẩm chất lượng cao trong mỗi phóng viên

Kể từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 1991, tới nay, Giải Báo chí Quốc gia đã khẳng định được uy tín của mình.

 

Kể từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 1991, tới nay, Giải Báo chí Quốc gia đã khẳng định được uy tín của mình. Thế nhưng vẫn còn đó những trăn trở, mong muốn nâng tầm chất lượng, thương hiệu giải để theo kịp sự đổi mới của báo chí hiện nay.

Nhìn từ mùa giải năm 2021

Trò chuyện với tôi, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Giải Báo chí Quốc gia (GBCQG) năm 2021 là một mùa giải thành công, mặc dù năm 2021 là một năm đầy biến động, thử thách đối với giới báo chí cả nước. Do dịch Covid-19 nên nhiều địa phương thực hiện giãn cách, mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi vậy, nguồn chất liệu cho báo chí khan hiếm, điều kiện tác nghiệp của nhà báo gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Trong bối cảnh như vậy, nhưng số lượng các tác phẩm dự GBCQG năm 2021 nhiều thứ hai trong lịch sử giải và được Hội đồng giám khảo đánh giá cao về chất lượng. Chất lượng các tác phẩm dự giải tương đối tốt, thể hiện sự dấn thân và có tính phát hiện của các tác giả, nhóm tác giả; phản ánh khá toàn diện các mặt đời sống của xã hội, bám sát các sự kiện, đời sống chính trị của đất nước, trong đó có nhiều đề tài thời sự “nóng” được đề cập. Các nội dung này đã được phản ánh một cách sinh động, chân thực, thuyết phục qua các tác phẩm dự thi. Bên cạnh đó, có nhiều tác phẩm phản ánh những điểm sáng ở trung ương và cơ sở trong việc thực hiện các chủ trương chính sách lớn của Đảng và nhà nước. Có nhiều đề tài mang tính phát hiện, chuyên sâu, độc đáo, thể hiện sự sắc nét trong cách viết và quan điểm lập trường của tác giả.

nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Giải Báo chí Quốc gia (GBCQG) năm 2021 là một mùa giải thành công, mặc dù năm 2021 là một năm đầy biến động, thử thách đối với giới báo chí cả nước.

 “Một số tác phẩm có cách tổ chức và triển khai bài công phu, chặt chẽ, bài bản và kết hợp đa phương tiện như longform, megastory,… đã làm tăng thêm tính hấp dẫn, sinh động và sự tác động đến xã hội; hướng tiếp cận mới, gần gũi hơn, đầu tư công sức, thời gian để làm mới các đề tài tưởng chừng đã cũ, khô cứng. Một số tuyến bài cho thấy sự đeo bám chủ đề tới cùng của tác giả”, nhà báo Nguyễn Đức Lợi đánh giá.

Tác phẩm viết về công tác phòng chống Covid-19 chiếm tỷ lệ cao đã nêu bật những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ở cả Trung ương và địa phương trong việc đối phó với sự bùng phát của đại dịch, nhất là ở phía Nam; sự hỗ trợ, sẻ chia hết sức đẹp đẽ, thấm đẫm nhân văn của nhân dân giúp nhau vượt qua đau thương, giãn cách.

Có điều phấn khởi là những năm trước, đề tài chống tham nhũng chiếm một tỷ trọng lớn, nhưng năm nay, đề tài về gương người tốt việc tốt có nhiều tác phẩm chất lượng cao, có sự đầu tư, chăm chút; cách thể hiện khá đa dạng, sinh động và mang tính thuyết phục cao, có nhiều tư liệu, sự trình bày hiện đại, bắt mắt, nhiều tác phẩm thể hiện có sự độc đáo, lay động lòng người.

Phóng viên báo điện tử VOV tác nghiệp tại khu vực phong tỏa Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

“Mức độ chênh lệch giữa các tác phẩm trong tốp đầu giữa các đơn vị báo chí Trung ương và địa phương gần như không còn, nhất là các tác phẩm phát thanh. Có những tác phẩm đã thể hiện rất rõ đặc trưng của phát thanh, sự kết hợp khá nhuyễn giữa các yếu tố lời nói, tiếng động hiện trường, tiếng động nhân vật, âm nhạc, tạo nên một bức tranh âm thanh liên tục và hấp dẫn”, nhà báo Nguyễn Đức Lợi cho hay.

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng - Trưởng Ban Thư ý Biên tập Đài TNVN, thành viên Hội đồng Sơ khảo - cho rằng, những tác phẩm phát thanh được giải thưởng năm nay xứng đáng là những tác phẩm trở thành bài học kinh nghiệm cho những nhà báo đang muốn có những tác phẩm phát thanh dự thi GBCQG. Đáng ghi nhận là tính phát hiện đề tài, sự lao động lăn xả của nhà báo rất rõ ràng. Cách chọn góc tiếp cận sắc nét hơn nên tác phẩm thể hiện được rõ thông điệp muốn truyền tải; kết cấu của tác phẩm rõ ràng, mạch lạc hơn... Đặc biệt, hình thức phát thanh hiện đại đã được một số tác giả thể hiện rất rõ trong tác phẩm của mình từ cách trình bày, dẫn dắt, sử dụng tiếng động hiện trường, âm nhạc...

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng - Trưởng Ban Thư ý Biên tập Đài TNVN, thành viên Hội đồng Sơ khảo: Những tác phẩm phát thanh được giải thưởng năm nay xứng đáng là những tác phẩm trở thành bài học kinh nghiệm cho những nhà báo đang muốn có những tác phẩm phát thanh dự thi GBCQG.

“Dù các tác phẩm phát thanh được đánh giá rất cao nhưng tôi thấy vẫn cần những tác phẩm có tính sáng tạo, tính phát hiện nhiều hơn nữa để những tác phẩm đoạt giải thực sự là những tác phẩm có tác động mạnh đến xã hội, tạo ra những thay đổi nhận thức hay thay đổi những điều bất cập trong xã hội”, nhà báo Đồng Mạnh Hùng bày tỏ.

Điều mới mẻ ở mùa giải năm nay là bên cạnh những cây bút đã thành danh, quen tiếng thì có nhiều tác giả tương đối trẻ, mới xuất hiện nhưng có tác phẩm chất lượng tốt, có sự đầu tư về thời gian, chất xám, thấy rõ sự dấn thân của các nhà báo.

Những khuyết thiếu đang đợi được lấp đầy

Bên cạnh những thành công, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cũng chỉ ra những điểm khiếm khuyết, thiếu sót của GBCQG. Một trong những điểm yếu đó là tác phẩm thuộc thể loại tin tức vẫn vắng bóng trong các mùa giải, trong khi đó với báo chí thì tin tức rất quan trọng, là xương sống, nền tảng của báo chí.Tôi đã nhiều lần nêu vấn đề này trong các cuộc họp GBCQG nhưng chúng ta vẫn chưa khắc phục được. Lý do có thể do giám khảo thường chỉ nhìn vào các tác phẩm dày dặn, có đầu tư lớn về thời gian, công sức, mà chưa có cách nhìn nhận đúng về thể loại tin. Một phần do các tác giả, cấp hội cơ sở cũng có quan điểm như vậy nên không gửi các tác phẩm tin để tham dự giải. Mặt khác, chúng ta chưa có thông tin, tin tức mang tính tìm tòi, phát hiện cao’, nhà báo Trần Đức Lợi cho hay.

Phóng viên Mỹ Hà (bên phải), kênh truyền hình Thông tấn Vnews tác nghiệp tại khu vực cách ly đặc biệt.

Để khắc phục, thay đổi suy nghĩ, quan niệm này này trong các mùa giải tới thì phải thay đổi tư duy, quan điểm này và xem tin tức là một thành tố không thể thiếu trong cơ cấu của giải báo chí. Báo chí sống dựa vào tin tức. Công chúng đến với báo chí trước hết bởi thông tin, tin tức, sau đó mới đọc những bài viết sâu, phân tích bình luận, xã luận, phóng sự… Nếu không coi trọng tin tức là chúng ta đã tạo ra một khoảng trống rất vô lý khi trao giải báo chí.

Chia sẻ về các tác phẩm thuộc thể loại xã luận, bình luận, nhà báo Nguyễn Đức Lợi cho rằng, đây là một thể loại rất quan trọng, mang tính chất định hướng, dẫn dắt lớn, đòi hỏi người viết phải là cây bút có tri thức cao, tay nghề vững, độ trầm tĩnh lớn. Bởi vậy, các tác phẩm ở thể loại này mới chỉ dừng ở mức ổn chứ chưa có tác phẩm đáp ứng tốt nhu cầu, yêu cầu của xã hội.

Theo tổng hợp đánh giá của Ban Sơ khảo Ảnh, năm 2021, số lượng tác phẩm ảnh báo chí dự giải ít hơn những năm gần đây, thế nhưng có nhiều tác phẩm xuất sắc về nội dung và cách thể hiện. Một số tác phẩm đã cho thấy sự dấn thân của phóng viên vào những nơi nguy hiểm của dịch bệnh, đeo bám đề tài nhằm tìm tòi những khoảnh khắc đẹp, ấn tượng, gây xúc động cho công chúng. Giải năm nay đa số là nhóm ảnh, phóng sự ảnh; có một số ít các tác phẩm ảnh đơn nhưng chất lượng chưa thuyết phục.

Nhà báo Đức Lợi chia sẻ thêm: “Ảnh là một thể loại báo chí rất quan trọng. Mỗi bức ảnh có khi có giá trị bằng hàng nghìn, hàng vạn chữ. Thế nhưng đây lại là một điểm yếu lớn của Giải. Lâu nay, các nhà báo chuyên về ảnh thường chỉ gửi chùm ảnh, phóng sự ảnh, còn ảnh đơn có tính hàm lượng thông tin cao, tính phát hiện cao thì chưa có. Trên báo chí, tôi thấy có những tác phẩm ảnh đơn có giá trị như vậy nhưng lại không thấy các tác giả gửi dự thi. Chúng tôi đã đưa ra giải pháp là cho tác giả gửi ảnh trực tiếp lên Hội đồng GBCQG, không cần qua các Liên chi hội, các cấp hội, không cần tuyển chọn qua sơ khảo, nhưng số lượng ảnh đơn chúng tôi tiếp nhận vẫn rất ít. Các cấp hội cần khuyến khích hơn nữa các phóng viên, nhà báo ảnh tham gia tích cực hơn vào GBCQG”.

Phóng viên Thanh Hiếu, cơ quan thường trú VOV tại miền Trung tác nghiệp khi bão lũ đổ bộ vào miền Trung năm 2020.

Về mảng đề tài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhiều đơn vị đã cố gắng lựa chọn chủ đề, khách mời để tạo ra các tác phẩm tốt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây vẫn là mảng đề tài khó, đòi hỏi phải tiếp tục suy nghĩ, tìm tòi cách thức thể hiện, luận điểm, luận cứ để đấu tranh tư tưởng, phản bác sự xuyên tạc; đồng thời khó tìm và mời được những khách mời chất lượng, có sức thuyết phục cao. Ở thể loại báo hình, do là thể loại khó nên còn ít tác phẩm tham dự. Còn sự chênh lệnh về chất lượng tác phẩm giữa Trung ương và địa phương, một số địa phương chưa có sự đầu tư bài bản cho tác phẩm thể loại này, nên việc giữ người xem không dễ. Nhà báo Đồng Mạnh Hùng cho biết thêm, mảng phóng sự điều tra còn ít, mờ nhạt. Ngoài ra, vẫn còn khoảng cách giữa các đài có đầu tư và các đài chưa thực sự đầu tư tạo thành vùng trũng của phát thanh như các đài khu vực đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền núi Đông Bắc.

Dấn thân và khẳng định thương hiệu

Trở lại với câu chuyện nâng tầm chất lượng, thương hiệu GBCQG, nhà báo Nguyễn Đức Lợi cho hay: “Có nhiều tác phẩm chất lượng rất tốt nhưng lại không thấy tác giả gửi dự thi. Ngược lại, một số tác phẩm chưa đạt tầm, thậm chí sai thể lệ cuộc thi lại có mặt ở giải. Rõ ràng đây là một thiếu sót trong công tác tuyển chọn từ cấp cơ sở. Để nâng tầm hơn nữa chất lượng giải, lẽ dĩ nhiên phải có tác phẩm dự thi tốt. Muốn vậy, từng hội viên, từng cấp ủy cơ sở cũng như cấp hội Trung ương phải có trách nhiệm tham gia một cách hào hứng, nhiệt tình thì chúng ta mới có nguồn nguyên liệu phong phú cho giải báo chí, từ đó lựa chọn được những tác phẩm báo chí thật sự xuất sắc.

Dự kiến, Lễ trao Giải báo chí Quốc gia lần thứ 16 năm 2021 sẽ được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam ngày 21/6/2022, từ 20h00 đến 22h00 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội.

Đài TNVN sẽ tường thuật trực tiếp Lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI trên Kênh VOV1.

Một điều rất quan trọng nữa là phải “đánh thức” được khát vọng có tác phẩm chất lượng cao dự GBCQG trong từng phóng viên. “Tất nhiên chúng ta làm báo là vì danh dự, lòng tự trọng nghề nghiệp chứ không phải để đi dự giải. Nhưng nếu đoạt GBCQG thì đó là niềm vinh dự lớn, một sự tự hào nghề nghiệp, một cơ hội để thể hiện được khả năng, tài năng và lòng say mê nghề nghiệp của mình. Mỗi bản báo cần khẳng định thương hiệu và mỗi nhà báo hãy dấn thân, để có tác phẩm xứng tầm dự GBCQG”, nhà báo Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

Có thâm niên chấm sơ khảo GBCQG 10 năm nay, nhà báo Đồng Mạnh Hùng cho rằng, để có tác phẩm tốt tham gia GBCQG, các cơ quan báo chí nên có định hướng cho các nhà báo nắm được những vấn đề nóng đang được xã hội quan tâm, tìm được đề tài phù hợp. Bản thân các nhà báo cũng phải có sự tìm tòi, sáng tạo, nền tảng kiến thức, bám sát thực tiễn cuộc sống, kịp thời phát hiện vấn đề, song song với nâng cao nghiệp vụ, đổi mới cách thể hiện tác phẩm theo hướng đúng - trúng - hay và có tầm nhìn xa để có thể dự đoán được mỗi chính sách, chủ trương sẽ có tác động như thế nào đến xã hội. “Những tác phẩm đoạt giải cao, tác giả phải phân tích được nguyên nhân và đề ra được giải pháp hoặc định hướng, hoạch định được trong tương lai, phản biện được chính sách, đường lối đó, vấn đề đó thì sẽ có tác dụng rất lớn đối với xã hội. Thậm chí một bài báo có tính phản biện tốt hoàn toàn có thể thay đổi được một chính sách chưa phù hợp”, nhà báo Đồng Mạnh Hùng nhận định./.

 

Nhà báo Trần Ngọc Anh, Đài PT-TH Hưng Yên:

Thách thức lớn nhất của báo chí trong giai đoạn hiện nay là làm thế nào để tác phẩm báo chí vừa đảm bảo được tính định hướng vừa đáp ứng được yêu cầu thông tin đa dạng của công chúng, lại vừa thu hút được đông đảo người nghe, người xem và bạn đọc. Vì thế các tác phẩm báo chí gần như phụ thuộc hoàn toàn vào sự nhanh nhạy, sáng tạo trong việc tìm kiếm đề tài cũng như quá trình sáng tạo tác phẩm của tác giả, nhóm tác giả. Để nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí, cần lắm một chữ “Tâm”. Bởi không tâm huyết với nghề, với con đẻ của mình, với sản phẩm của mình thì khó có tác phẩm hay, khó có tác phẩm làm lay động lòng người, chưa kể đến việc định hướng cho dư luận, định hướng cho xã hội, hoặc làm thay đổi nhận thức, thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển. Thông qua mỗi tác phẩm dự thi công chúng thấy được cái hay, cái đẹp, truyền thống văn hóa văn hiến, đặc biệt là sự phát triển của mảnh đất và con người ở nơi đó.

Nhà báo Vũ Văn Úy, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Nhà báo tỉnh Hải Dương:

Nhà báo Vũ Văn Úy (bìa phải).

Các cơ quan báo chí cần đánh thức được “khát vọng” trong mỗi phóng viên về việc có tác phẩm chất lượng cao hằng năm để tham dự giải báo chí quốc gia. Đồng thời, các phóng viên, hội viên cần không ngừng học tập, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Kịp thời cập nhật những cách làm báo mới, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng tác động mạnh mẽ đến đời sống và cách thức làm việc của mỗi nhà báo, các cơ quan báo chí.

Nhà báo Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh:

Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh được UBND tỉnh giao tổ chức giải báo chí của tỉnh trong hơn 20 năm qua. Theo dõi những mùa giải trước, tôi thấy hạng mục ảnh báo chí luôn là khâu yếu. Quá trình tổ chức giải báo chí của tỉnh và chọn gửi tác phẩm tham gia giải quốc gia, tôi rất trăn trở làm sao để loại hình ảnh báo chí có đông tác giả tham gia và chọn được những tác phẩm chất lượng cao để trao giải. Nhưng qua nhiều năm vẫn chưa khắc phục được hạn chế này.

Các cấp Hội Nhà báo nên ưu tiên dành nguồn lực từ nguồn kinh phí sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao cho các tác giả, nhóm tác giả thực hiện nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm báo chí dự các giải. Cơ quan báo chí tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, phương tiện và tháo gỡ những khó khăn cho các nhóm tác giả này.

Nhà báo Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hải Phòng:

Nhà báo Nguyễn Anh Tú (bìa trái).

Để có tác phẩm báo chí tốt dự GBCQG có nhiều khâu, nhiều yếu tố cấu thành. Đó là năng lực của tác giả, nhóm tác giả trong khâu tổ chức thực hiện, nắm bắt phản hồi của công chúng… Tác phẩm có thể do một tác giả, nhóm tác giả... nhưng phải hội tụ, kết tinh sức mạnh tập thể, để sáng tạo tác phẩm có nội dung thiết thực, chân thực và giàu chi tiết báo chí./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận