Thu phí không dừng ETC: Cần hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm

Từ ngày 1/8, chủ ô tô cần chủ động dán và nộp tiền vào tài khoản thu phí không dừng (ETC) khi vào các tuyến cao tốc. Một số lưu ý lái xe cần biết...

 

Từ ngày 1/8 tới đây, tất cả các tuyến cao tốc trên toàn quốc sẽ triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng ETC (Electronic Toll Collection). Đây là hình thức thu phí áp dụng công nghệ tự động nhận diện phương tiện di chuyển qua và trừ tiền vào tài khoản giao thông. Vì thế, chủ phương tiện khi đi qua làn ETC không cần dừng xe lại trả tiền mà vẫn có thể đi qua trạm thu phí.

Ngay trước thời điểm dịch vụ thu phí tự động không dừng ETC chính thức triển khai rộng rãi trên toàn quốc, chiều 29/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm để trao đổi, phân tích, làm rõ hơn các tiện ích của ETC, hướng dẫn người dân cách thức đăng ký, sử dụng dịch vụ ETC, cũng như giải đáp thắc mắc của người sử dụng và giải pháp xử lý những tồn tại phát sinh trong quá trình đưa dịch vụ tiện ích này vào cuộc sống.

Thu phí không dừng trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.Công nghệ thu ETC ở Việt Nam cao hơn Singapore

Theo ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty thu phí tự động VETC, VETC là đơn vị được Bộ GTVT lựa chọn triển khai thu phí không dừng từ năm 2015. Đến nay sau 7 năm, VETC đã rút ra nhiều kinh nghiệm triển khai thu phí không dừng. Từ quá trình triển khai đó, chúng ta vừa làm vừa điều chỉnh sao cho hợp văn hóa của Việt Nam và phù hợp với tất cả những hoạt động thu phí của Việt Nam.

“Việc chúng ta áp dụng công nghệ để điều chỉnh và ứng dụng vào công tác thu phí từ thu phí 2 dừng sang 1 dừng và bây giờ là không dừng. Thu phí không dừng áp dụng ở Việt Nam là công nghệ RFID rất tiên tiến. Nếu so sánh với Singapore cũng không dừng nhưng dùng công nghệ BIC tức là vẫn dùng OBU bỏ trên xe, còn Việt Nam dùng công nghệ RFID, cao hơn BIC. Đây là mô hình khác nhau tùy theo văn hóa của mỗi nước để thu phí không dừng”, ông Vinh nói.

Khách mời tham gia buổi tọa đàm: Thu phí không dừng - Quyền lợi và trách nhiệm.Đại diện đơn vị thu phí không dừng cho biết, thu phí không dừng ở Việt Nam có 4 giai đoạn. Hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn 1, cố gắng tiến tới giai đoạn 2, xong đến giai đoạn 3, giai đoạn 4.

Ở giai đoạn 4 là giai đoạn đa làn tự do, tức là không còn trạm thu phí, không còn đảo thu phí nữa, các xe có thể đi qua. Đây là giai đoạn tốt nhất và mong muốn nhất của Bộ GTVT và Chính phủ.

“Còn quá trình triển khai vận hành thì VETC là đơn vị triển khai từ đầu có kinh nghiệm điều chỉnh sao cho phù hợp với văn hóa của Việt Nam. Đến thời điểm này, số lượng thẻ trên toàn quốc đã dán cho các chủ phương tiện đã tăng lên rất nhiều. Cả 2 đơn vị đã phối hợp với nhau để triển khai. Hy vọng theo yêu cầu của Chính phủ, chúng ta sẽ hoàn thành khoảng 80-90% trong năm 2022”, ông Vinh cho hay.

Muốn đi vào cao tốc bắt buộc phải dán ETC

Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định, việc lắp đặt công nghệ thu phí đường bộ không dừng đến thời điểm này đã đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như tại thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Bộ GTVT phấn đấu đến ngày 1/8 sẽ áp dụng công nghệ thu phí đường bộ không dừng ở tất cả các tuyến đường trên toàn quốc.

Riêng với các tuyến đường Quốc lộ đang đầu tư, nâng cấp theo BOT, sẽ áp dụng thu phí không dừng, nhưng vẫn dành một làn hỗn hợp (MTC) để xử lý một số trường hợp chưa đủ điều kiện.

Thu phí không dừng trên cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình.Đối với đường cao tốc, từ ngày 1/8, áp dụng hoàn toàn công nghệ thu phí không dừng ETC, vì thế tất cả các phương tiện đi vào đường cao tốc phải đủ các điều kiện.

“Trường hợp không đáp ứng được thì các chủ phương tiện có thể lựa chọn, vì các đường cao tốc hiện nay đều có đường song hành, ví dụ như cao tốc phía đông có Quốc lộ 1A, tuyến Hà Nội - Hải Phòng có tuyến đường 5… Các phương tiện khi đi vào cao tốc thì bắt buộc sử dụng công nghệ thu phí không dừng”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.

Những tiện lợi của thu phí ETC

Nói về lợi ích lớn nhất của hình thức thu phí không dừng đối với người dân, doanh nghiệp, Nhà nước, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, khi chúng ta thực hiện đầu tư hình thức thu phí một dừng, tức là hình thức thủ công, đối tượng chủ yếu là đường quốc lộ được nâng cấp và sửa chữa.

Riêng đối với đường cao tốc sử dụng hình thức thu phí kín, thu phí trên đầu phương tiện, đi km nào chúng ta thanh toán km ấy. Hai hình thức này khác nhau, trên đường quốc lộ được nâng cấp, sửa chữa chúng ta đầu tư và thu phí theo hình thức thủ công, còn áp dụng hình thức thu phí kín đối với đầu tư đường cao tốc.

Quá trình thực hiện hình thức thu phí thủ công trên đầu phương tiện theo lượt bộc lộ một số vấn đề. Thứ nhất, gây nên ùn tắc giao thông ở các trạm thu phí giao thông, có những trạm có tình trạng ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự. Thứ hai là có một số trạm không công khai, minh bạch trong vấn đề thu phí, tạo nên dư luận xã hội không tốt. Thứ ba là tạo nên môi trường không trong lành đối với những trạm thu phí, không tiện lợi cho người dân.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, việc áp dụng hệ thống thu phí ETC sẽ tiết giảm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng/năm. Bên cạnh những lợi ích có thể đo đếm được, việc đưa hệ thống thu phí ETC vào khai thác cũng đưa đến những lợi ích gián tiếp như: giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tăng tuổi thọ động cơ cho chủ phương tiện, tiết kiệm chi phí bảo trì đường bộ cho Chủ đầu tư, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa trên đường và góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ về giảm thanh toán bằng tiền mặt… Đặc biệt, hệ thống ETC có thể giúp Nhà nước, Nhà đầu tư quản lý được các phương tiện tham gia giao thông trên cả nước, từ đó có thể thực hiện được nhiều chính sách quản lý hiện đại…

Do đó, Chính phủ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu đưa công nghệ vào để áp dụng thay thế hình thức một dừng. Bộ GTVT có nghiên cứu trên thế giới cũng như trong khu vực và lựa chọn công nghệ để áp dụng. Năm 2015, Bộ chính thức nghiên cứu và thí điểm thu phí không dừng vào thu phí đường bộ.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ quả quyết, khi thực hiện thu phí không dừng, sẽ khắc phục được các tồn tại đối với thu phí một dừng hiện nay.

Thứ nhất, thể hiện sự phát triển của ngành giao thông Việt Nam là ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào tổ chức và quản lý, đưa hệ thống thông minh vào hoạt động, văn minh và tiện lợi.

Thứ hai, đem lại sự thuận tiện cho người dân về thời gian, thuận tiện khi dừng đỗ các trạm, làm tốt vấn đề môi trường. Khi qua trạm thủ công chúng ta mất vài ba phút dừng lại, trong điều kiện thời tiết bình thường không sao, nếu nắng mưa sẽ ảnh hưởng đến người điều khiển phương tiện. Chúng ta sử dụng hình thức mới, chỉ việc đi qua, không phải mở cửa xe, dừng xe, rất thuận lợi.

Thứ ba, tiết kiệm thời gian, tránh ùn tắc giao thông trên các tuyến.

Thứ tư, khi thực hiện công nghệ thu phí không dừng, chúng ta sẽ công khai, minh bạc doanh thu, các cơ quan giám sát lẫn nhau như nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ, ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước, đây là giải pháp tạo niềm tin cho nhân dân yên tâm thực hiện, rất công khai, minh bạch./.

Sẽ phạt nguội chủ xe ô tô cố tình vi phạm:

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết: Cục CSGT cũng đã chỉ đạo lực lượng CSGT, công an các địa phương có phương án phân luồng từ xa. Khi ở trạm thu phí này có sự cố, thì đồng thời các địa phương khác đều phải có phương án giải toả thống nhất trên sự chỉ đạo tập trung của Cục CSGT.

Xây dựng và triển khai thực tiễn những phương án khi xảy ra sự cố, tắc đường, cháy nổ…Chúng tôi cũng tập trung kiến nghị vấn đề tổ chức giao thông ở các trạm thu phí như thế nào cho phù hợp nhất.

Đồng thời, xử phạt hành vi vi phạm qua thông báo vi phạm và hình ảnh trên hệ thống camera giám sát để nâng cao ý thực tự giác chấp hành của người dân, tạo thuận lợi nhất cho người dân khi lưu thông qua trạm thu phí.

Phi Long/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận