Bộ Y tế: Dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến rất phức tạp, cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19.

 

Sáng 2/8, tại Hội nghị trực tuyến "đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh", kết nối với các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố Bộ Y tế cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi, nhất là đại dịch COVID-19 với sự xuất hiện của những biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh. Bên cạnh đó, các bệnh sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ và viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tiếp tục xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong 7 tháng đầu năm 2022, thế giới ghi nhận 283 triệu ca mắc COVID-19 mới, đưa tổng số ca mắc vượt 581 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong. Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của Omicron.

Hội nghị trực tuyến tiến độ tiêm vaccine COVID-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh. Tại Việt Nam, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, tuy nhiên đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron trong cộng đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc COVID-19 (chiếm 83,9% tổng số ca mắc), hơn 8,5 triệu người khỏi bệnh (94,5%), gần 11 nghìn ca tử vong (0,1%). Tính đến nay, cả nước ghi nhận 10,7 triệu bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 9,9 triệu người đã khỏi bệnh (92%) và hơn 43 nghìn bệnh nhân tử vong (0,4%).

Bệnh sốt xuất huyết, từ đầu năm 2022 đến nay cả nước ghi nhận 136.075 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 45 bệnh nhân đã tử vong. Các địa phương ghi nhận số mắc hàng tuần và tích luỹ tăng cao là: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang, Long An, Đồng Tháp.

Đối với các bệnh truyền nhiễm khác như: tay chân miệng, sốt rét, sởi, dại ghi nhận số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên bệnh tay chân miệng gia tăng cục bộ tại một số địa phương; bệnh sởi ghi nhận rải rác tại một số nơi. Hiện chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân và các bệnh truyền nhiễm nhóm A khác.

Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan tại cuộc họp sáng 2/8.Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan ghi nhận, đánh giá cao và tri ân sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm phòng, chống dịch bệnh của toàn ngành y tế, từ Trung ương đến địa phương nhất là các lực lượng phòng, chống dịch tuyến đầu, các cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở, các y bác sĩ, nhân viên y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh: trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cùng các cấp, các ngành, các địa phương đã rất nỗ lực, quyết tâm, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, dịch bệnh truyền nhiễm hiện nay vẫn diễn biến rất phức tạp, trong nước đã ghi nhận gia tăng trở lại các ca mắc COVID-19, nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị và nhiều ca bệnh chuyển nặng trong thời gian gần đây. Cùng với đó, sự xuất hiện của các biến thể phụ mới của biến thể Omicron như BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn các biến thể trước và mới nhất là các biến thể BA.2.12.1, BA.2.75 gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Bộ Y tế đánh giá nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam của bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác là hiện hữu khi dịch bệnh đã lây lan nhanh ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong nước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm… đang trong mùa cao điểm bùng phát dịch, làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Quán triệt quan điểm đặt tính mạng của người dân lên trên hết, thực hiện hiệu quả việc kiểm soát dịch bệnh trên quan điểm phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại nhằm góp phần tạo điều kiện cho việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh; Chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bất ngờ, bị động; Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo “2K (khẩu trang, khử khuẩn) kết hợp vaccine, thuốc, điều trị, công nghệ, ý thức người dân và các biện pháp khác, với các trụ cột gồm cách ly, xét nghiệm, điều trị. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19, nhất là tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng, tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và không để vaccine không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí./.

PV

 

Bình luận

    Chưa có bình luận