Có nên mở tuyến xe buýt riêng vào sân bay?

Sân bay Tân Sơn Nhất là một điểm trung chuyển giao thông cực kỳ lớn nhưng hiện đã quá tải, do đó việc có giải pháp để giảm tải là hết sức cần thiết.

 

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nằm giữa một khu đô thị đông dân nhưng rất ngạc nhiên là hiện chỉ có vài tuyến xe buýt kết nối với sân bay và thường xuyên ế khách, trong khi hành khách lại ùn ứ khá lâu tại ga quốc nội để chờ thoát ra khỏi sân bay.

Khách thà chờ xe công nghệ thay vì chọn xe buýt

Đầu tháng 8, phóng viên VOV có dịp trải nghiệm việc rời khỏi sân bay Tân Sơn Nhất bằng xe buýt. Sau khi nhận hành lý, cả nhóm đứng chờ ở hành lang ga quốc nội nhưng mãi không thấy bóng dáng chiếc xe buýt nào. Trong sảnh ga quốc nội, bảng hướng dẫn ra bến chờ xe buýt lọt thỏm giữa rừng biển báo nên rất khó nhìn thấy, cho đến khi chúng tôi được một nhân viên chỉ là phải ra ngoài làn B bên kia đường hoặc có thể đi bộ qua ga quốc tế cách đó khoảng 200m.

Ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Hà Khánh)Quyết định di chuyển từ điểm đầu của tuyến vì sợ “hết chỗ”, nhưng chúng tôi khá ngạc nhiên khi chỉ có nhóm mình và vài ba hành khách khác, trong đó có hai khách nước ngoài. Ấn tượng đầu tiên là xe buýt khá sạch sẽ, máy lạnh mát mẻ, nhân viên nhiệt tình… Xe  di chuyển ra đường Trường Sơn thì hơi tắc một chút do đang giờ cao điểm buổi chiều, nhưng hành trình vào trung tâm thành phố thì khá suôn sẻ. Gần mỗi trạm, xe đều phát thông báo song ngữ để hành khách nắm lộ trình.

Chị Thanh Hà, nhân viên tuyến buýt 152 cho biết, khách trên mỗi chuyến xe khá thất thường, tuỳ thuộc vào các chuyến bay và đa phần đón ở ga quốc tế, còn ở ga quốc nội thi thoảng mới có người lên. Hiện nay, tần suất tuyến buýt khá dày, tầm 10 - 20 phút có một chuyến, cao điểm 5 - 8 phút có một chuyến xuất phát từ sân bay, nhưng theo chị Hà thì ít người chọn xe buýt để di chuyển.

"Gặp chuyến bay quốc tế thì có được khách nước ngoài, nếu không thì cũng lai rai thôi chứ không nhiều. Nói chung xe này là khách nước ngoài đi nhiều chứ người Việt ít đi lắm, người Việt mình đi taxi thôi. Chỉ khi nào taxi "bế tắc" mới chịu đi xe buýt", chị Hà nói.

Ngày hôm sau, chúng tôi lại thử đón xe buýt ở chiều ngược lại, từ trung tâm thành phố vào sân bay Tân Sơn Nhất. Lên xe tại Quận 3, lúc đó trên xe có khoảng gần 10 hành khách, 2 người nước ngoài, đa phần là người sắp có hành trình bay với hành lý, vali lỉnh kỉnh. Lộ trình vào sân bay khá thuận lợi và tất cả hành khách sau khi xuống trạm cuối tại ga quốc tế lại kéo vali sang ga quốc nội. Tuy khá bất tiện nhưng theo nhiều hành khách, họ chọn di chuyển bằng xe buýt để tiết kiệm chi phí và cũng đã bố trí thời gian dư dả, lường trước khả năng ùn ứ, kẹt xe, ảnh hưởng giờ bay.

Chị Thái Hoà, ngụ Quận 1, làm nghề hướng dẫn viên du lịch cho biết, chị biết đến chuyến xe buýt này nhờ từng đưa khách quốc tế đi tour. Thường xuyên chọn xe buýt để vào sân bay, chị Thái Hoà cho rằng việc bố trí xe buýt hiện nay chưa hợp lý, chưa thuận tiện cho hành khách: "Vị trí đậu chỗ kia ghi là "Sảnh đón" tưởng xe đến tận sảnh ai dè đứng tuốt ở làn ngoài. Thành ra nhiều người không biết nên cứ đứng đợi, nãy có một nhóm đợi đã đời, cả nửa giờ nên đành bắt taxi. Phải có quảng bá, đi vào làn trong thì người ta mới đi, tại vì vừa xuống máy bay xong ai lại băng ra đường đi ra ngoài, rất là mệt mỏi".

Tuyến buýt 152 hiếm hoi kết nối sân bay. (Ảnh: Hà Khánh)Tương tự, anh Lương Phú Lưu (ngụ TP Thủ Đức) cùng với vợ và con gái trở lại TP.HCM sau chuyến du lịch. Sau khi nhận hành lý, tất cả khệ nệ dắt nhau ra chờ xe taxi để về nhà. Đứng ở dãy B hơn 20 phút nhưng anh Lưu cũng nhất quyết không lên các xe buýt vừa dừng ngay trước chỗ ngồi bởi “hành trình không phù hợp”.

Ngoài ra, anh cũng cho biết trước đây anh chưa từng nghe sân bay Tân Sơn Nhất có xe buýt: "Mình cũng không để ý sân bay có xe buýt và cũng không hy vọng có xe buýt đi về trung tâm. Thứ nhất là xe buýt khó tiếp cận, thông tin không được cập nhật nhiều và việc đón mình nghĩ hơi khó khăn, các bến bãi cũng hơi khó".

Nên có xe buýt làn riêng từ sân bay về trung tâm

Thực tế những năm qua, sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải khi lượng khách mỗi năm đã vượt quá công suất. Hiện sân bay đã có nhiều dự án nâng cấp, mở rộng và đang định hướng để phát triển thành một “đô thị sân bay” hiện đại. Tuy nhiên, tình trạng ùn ứ cả trên trời lẫn dưới đất vẫn thường xuyên diễn ra. Ngoài chuyện trễ giờ bay (delay) thì chuyện làm sao để tiếp cận hoặc giải toả hành khách vẫn là bài toán chưa có lời giải. Lượng xe cá nhân đưa đón khách quá đông, hoạt động lại khá “bát nháo” khiến cho lực lượng chức năng dù tăng cường tối đa thì tình hình vẫn không cải thiện là bao.

Trong khi đó, giao thông công cộng mà cụ thể là xe buýt vẫn chưa thực sự được tạo điều kiện hoạt động ở sân bay Tân Sơn Nhất, nhất là ở khu vực tập trung nhiều hành khách là ga quốc nội. Hệ quả là một số tuyến buýt hoạt động một thời gian phải ngưng hoạt động. Hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất chỉ còn tuyến buýt 152 (Khu dân cư Trung Sơn - Bến Thành - Sân bay Tân Sơn Nhất) và tuyến buýt liên tỉnh 72-1 (Sân bay Tân Sơn Nhất - Bến xe Vũng Tàu).

Nhiều hành khách lựa chọn xe công nghệ thay vì xe buýt. (Ảnh: Hà Khánh)Thực tế, việc bố trí làn riêng cho xe buýt từng được thành phố áp dụng ở đường Trần Hưng Đạo nhưng sau đó đã ngưng. Cách đây vài năm, TP lại tiếp tục nghiên cứu làn đường dành riêng cho xe buýt tại đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu. Tuy nhiên, cá nhân ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM đánh giá là “không khả thi”. Lý do là người dân sẽ rất khó chịu khi dành một làn riêng cho xe buýt nhưng các làn còn lại thì xe cộ chen chúc nhau. Ngành giao thông cũng tính toán phương án một số loại xe khác cùng chạy vào làn ưu tiên nhưng vấn đề vẫn rất phức tạp. Lý do nữa là đoạn đường trên khá ngắn, giả sử có hình thành một cặp làn đường ưu tiên nhưng khi thoát ra thì có còn di chuyển thuận tiện hay không?

Về kiến nghị về hình thành một làn riêng dành cho xe buýt từ trung tâm TP ra sân bay Tân Sơn Nhất, ông Võ Khánh Hưng cho biết: "Chúng tôi đang tiếp thu và đưa vào nghiên cứu, yêu cầu đối với tư vấn có thể là dùng làn riêng từ Bến Thành đi về Tân Sơn Nhất theo một lộ trình. Phải quyết tâm cao, phải chấp nhận chuyện dư luận; nhưng mà mình cũng phải nhìn vào thực tế là hai làn kia các phương tiện chen chúc nhau nhưng mà tự nhiên có một cái làn này trống thì rất khó".

Đồng tình với nhận định cặp đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu không đủ dài để làm làn đường riêng, nhưng TS Lương Hoài Nam, chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, với lộ trình sân bay Tân Sơn Nhất - trung tâm TP thì rất nên làm bởi sân bay là tụ điểm giao thông cực lớn với cả trăm triệu khách/năm. Hiện các tuyến đường vào sân bay đều tắc, mặt bằng sân bay có hạn nên cũng không thể phát triển mạnh xe buýt. Tuy nhiên, ông Lương Hoài Nam cho rằng với kiểu xe buýt như hiện tại thì người dân không mặn mà, bởi thường xuyên không đúng giờ, không thuận tiện. Do đó, cần phải làm tổng thể, bài bản, có một làn đường riêng dành cho xe buýt, quan trọng nhất là tần suất hoạt động phải thường xuyên mới đáp ứng được nhu cầu.

TS Lương Hoài Nam. (Ảnh: T.N)TS Lương Hoài Nam nói: "Nếu có làn đường riêng mà xe buýt chạy thưa thớt cũng không được vì người dân sẽ ý kiến ngay do lãng phí. Xe buýt khi có làn đường riêng cần phải lên lộ trình, bố trí các tuyến dày đặc thì lúc đó mới đồng bộ được".

Sân bay Tân Sơn Nhất là một điểm trung chuyển giao thông cực kỳ lớn nhưng hiện đã quá tải, do đó việc có giải pháp để giảm tải là hết sức cần thiết. Bên cạnh việc nghiên cứu bố trí luồng riêng kết nối sân bay với thành phố, thiết nghĩ có thể bố trí thuận tiện các trạm xe buýt kết nối với ga quốc nội, tăng cường tuyên truyền cũng như mở thêm các tuyến xe buýt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân./.

Hà Khánh/VOV-TP.HCM

 

Bình luận

    Chưa có bình luận