Ngày 3/8/2022, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Trung tâm) đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu đối với 3 gói thầu thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, với tổng giá kế hoạch hơn 7.630 tỷ đồng, giá trúng thầu là 6.293 tỷ đồng, tiết kiệm được 1.337 tỷ đồng, thậm chí có thuốc chỉ còn 46-48% so với giá kế hoạch.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) phân tích cụ thể, đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng phải thúc đẩy để các sở y tế, bệnh viện căn cứ vào kết quả trúng thầu này khẩn trương lập các kế hoạch, các dự toán để ký hợp đồng mua thuốc đối với các doanh nghiệp này.
PV: Tình trạng thiếu thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm, tại các bệnh viện, tiếp tục là vấn đề cấp bách. Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã có những động thái tháo gỡ, trong đó, đã thúc đẩy đấu thầu tập trung. Theo ông giải pháp này có đủ để giải tỏa tình trạng thiếu thuốc hiện nay?
Ông Nguyễn Huy Quang: Chủ trương tập trung đấu thầu thuốc, trong đó có đấu thầu thuốc quốc gia, cấp tỉnh và cấp độ cơ sở khám, chữa bệnh là chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng, Nhà nước khi cố gắng thực thi nghiêm chỉnh các văn bản quy định của Luật Đầu tư, của Luật Dược, với mục đích làm thế nào có được thuốc có chất lượng, bảo đảm cung ứng cho người dân. Nhưng thuốc đó cũng phải bảo đảm có khung giá ở mức độ ổn định và có thể chấp nhận được cho người bệnh, đó chính là mục tiêu chúng ta đặt ra.
Thời gian qua, chúng ta đã tập trung vào các thuốc đấu thầu, trên cơ sở đó đã góp phần làm giảm giá thuốc ở nhiều chuyên khoa khác nhau, đặc biệt, là các chuyên khoa liên quan đến sản khoa, thuốc cấp cứu và một số thuốc biệt dược khác. Đây cũng là nét rất ưu điểm. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau đã dẫn đến tình trạng thiếu thuốc ở một số bệnh viện Trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện.
Theo báo cáo của các tỉnh, hiện nay tình trạng thiếu thuốc ở các tỉnh và các bệnh viện trực thuộc bộ là 75% các loại thuốc và các vật tư tiêu hao cũng thiếu 73%, riêng trang thiết bị y tế cũng thiếu mất hơ 40%, đây chính là các con số đáng báo động bởi nó sẽ ảnh hưởng luôn đến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và làm cho tính công bằng trong khám bệnh, chữa bệnh của chúng ta giảm sút, nhất là với người bệnh sử dụng Bảo hiểm y tế (BHYT).
Danh mục thuốc BHYT không được đấu thầu. Vì vậy người ta mới giới thiệu người nhà người bệnh đó phải ra ngoài để mua thuốc, người bệnh phải bỏ tiền túi của mình để trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh cho mình trong khi mình xứng đáng được hưởng quyền lợi BHYT. Đây cũng là vấn đề liên quan đến mất cân bằng trong khám bệnh, chữa bệnh và mất tính ổn định của thị trường thuốc, thị trường vật tư y tế và thị trường trang thiết bị y tế.
PV: Ông có thể nêu những bất cập trong đầu thầu thuốc hiện nay? Bởi thực tế, nhiều bệnh viện tư vẫn có thuốc, còn bệnh viện công thì không?
Ông Nguyễn Huy Quang: Chúng ta có một số nguyên nhân chủ quan, một số nguyên nhân khách quan. Về nguyên nhân khách quan, chúng ta trải qua thời gian dịch bệnh kéo dài hơn 2 năm dẫn đến đứt gẫy các chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là liên quan đến Logistic, liên quan đến bảo quản, vận chuyển hay vấn đề nhân công trong cả chuỗi sản xuất, làm cho giá thuốc ở một số thị trường, kể cả các quốc gia phát triển bị ảnh hưởng. Nguồn cung từ nước ngoài vào Việt nam cũng không được đầy đủ.
Thứ hai là do quá trình chúng ta tập trung chống dịch trong trong thời gian qua nên một số thuốc cũng không kịp được đấu thầu. Trong bối cảnh cách ly, giãn cách xã hội cũng khó thực hiện được và khi đó ngành y tế dồn nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch nên cũng bị ảnh hưởng.
Thứ ba, cũng vì lý do dịch nên người bệnh không thể đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế tại các bệnh viện bị gián đoạn. Do vậy, sau khi dịch lắng xuống, người bệnh mới đến các cơ sở khám, chữa bệnh khiến tỷ lệ bệnh nhân tăng lên, khiến nhu cầu cung ứng thuốc của bệnh viện bị quá tải.
Với nguyên nhân chủ quan, chúng ta có quy định từ Luật Đấu thầu cho đến các Thông tư của Bộ Y tế hướng dẫn các quy định đấu thầu. Đây là những quy định rất chặt chẽ và càng chặt chẽ bao nhiêu thì càng khó thực hiện bấy nhiêu, vì vậy phải có sự rà soát, đánh giá để xem vấn đề thể chế có vướng mắc hay không.
Thứ hai là liên quan đến vấn đề tổ chức, thực hiện công tác đấu thầu. Ở đây có nguyên nhân “sợ trách nhiệm” trong quá trình đấu thầu. Vì vậy, họ rất sợ khi tổ chức đấu thầu, có bị ảnh hưởng không, có bị các cơ quan công an, ủy ban kiểm tra vào cuộc kiểm tra không. Cũng có những người cũng nói thà bị kỷ luật còn hơn là bị vào tù, nên người ta không mặn mà với hoạt động đấu thầu thuốc.
Nguyên nhân chủ quan thứ ba là năng lực về tổ chức thực hiện thầu của cả Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) lẫn các cơ sở y tế cũng như các tỉnh, bệnh viện. Khi chúng ta có được các cán bộ có kinh nghiệm hiểu biết về thuốc, hiểu biết về các quy định của pháp luật liên quan đến đấu thầu, hiểu biết rõ ràng các quy trình của đấu thầu và có các trách nhiệm tham gia thì sẽ có kết quả cao. Ngoài ra, còn những vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin, phải nắm bắt được thông tin ở tất cả các tỉnh trong một phần mềm để quản lý, thì hiện nay chúng ta chưa có và cũng chưa kết nối giữa phần mềm đó với phần mềm của Bảo hiểm xã hội Việt tam (BHXHVN) để liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia.
Ngoài ra là sự liên kết giữa việc gia hạn thuốc từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) với vấn đề tập trung đấu thầu thuốc ở Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia và vụ Kế hoạch tài chính và một số vụ, Cục khác có liên quan như Vụ BHYT hay Cục Quản lý Khám, chữa bệnh. Nếu như sự phối hợp này nhuần nhuyễn, liên tục và có sự gắn kết thì sẽ hạn chế được rất nhiều các nguyên nhân như tôi vừa đề cập.
Mặt khác cần có sự gắn kết giữa các trung tâm đấu thầu, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia với các tỉnh cũng như các Sở y tế và đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Khi có sự gắn kết như vậy chúng ta mới biết ở tuyến tỉnh họ khó khăn gì, ở các cơ sở kcb khó khăn gì và tại sao họ không thực hiện được. Ví dụ, các đơn vị muốn tham khảo giá thuốc trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, nhưng tìm trên cổng lại không thấy có giá thuốc để tham khảo thì sao họ dám thực hiện.
Mặt khác, chúng ta còn vướng các Nghị định, ví dụ phải tham khảo giá thuốc của các cơ sở đã trúng thầu trước đó. Nhưng rõ ràng, do ảnh hưởng của lạm phát, giá thuốc cũng có phần nhỉnh lên, hay việc cắt đứt các chuỗi cung ứng toán cầu thì giá thuốc phải tăng. Nhưng nếu chúng ta vẫn giữ quy định là phải đấu thầu thuốc với giá thấp hơn cách đây 1 năm, thì đó là điều không tưởng.
Đã đến lúc chúng ta phải có cái nhìn tổng thể và xem xét chất lượng khám, chữa bệnh với vấn đề về đấu thầu thuốc giá rẻ, vì đây là mâu thuẫn. Chúng ta hóa giải được mâu thuẫn này thì đó là thành cônc, để có sự công bằng cho người bệnh, qua đó mới nâng cao được chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
PV: Vậy theo ông, chúng ta sẽ tháo gỡ điểm nghẽn này như thế nào? Để thuốc về đến các bệnh viện và người bệnh, nhất là người có BHYT không phải chịu thiệt thòi?
Ông Nguyễn Huy Quang: Vấn đề cơ bản là nếu chúng ta thực hiện được đấu thầu tập trung quốc gia thì sẽ rất tốt. Bởi trên 1.200 danh mục, các loại thuốc trong đó có cả các biệt dược gốc, các thuốc generic nhóm 1, nhóm 2… Nếu chúng ta thực hiện được công tác đấu thầu tập trung quốc gia thì sẽ có cùng một mặt bằng giá thuốc như vậy và cả 63 tỉnh, thành, Sở Y tế (trong đó có 36-38 các bệnh viện trực thuộc bộ), khi đấu thầu thuốc sẽ cứ căn cứ vào giá đó để mua. Như vậy, rõ ràng sẽ có giá rẻ hơn, ổn định hơn và chất lượng hơn.
Tuy nhiên, cũng có những cái khó khăn, khi một số thuốc cần có gia hạn thì mới làm được. Có tình trạng khi nộp hồ sơ thầu thì thuốc đó vẫn còn hạn, nhưng trong quá trình xem xét thì thuốc đó lại hết hạn và phải có giá thì hồ sơ thầu đó mới tiếp tục được thực hiện.
Vấn đề nữa tôi cho rằng cũng là điểm nghẽn đó là năng lực, trách nhiệm của những người làm công tác đấu thầu, trong đó có cả đấu thầu tập trung quốc gia cũng như đấu thầu ở các cấp tỉnh và các bệnh viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Họ cần có kinh nghiệm, có các kiến thức chuyên môn, các kỹ năng để thực hiện các hồ sơ mời thầu, xem xét hồ sơ mời thầu, đồng thời, có trách nhiệm trong tổ chức nhận thầu và không sợ trách nhiệm.
Tôi cho rằng, có 2 điểm nghẽn cơ bản, một là các quy định của pháp luật liên quan đến đấu thầu thuốc là cần phải có các giải pháp rà soát lại, những điểm vướng mắc cần phải tháo gỡ ngay. Trách nhiệm thuộc Quốc hội thì báo cáo Quốc hội, trách nhiệm thuộc Chính phủ, báo cáo Chính phủ, trách nhiệm của Bộ Y tế thì Bộ phải chủ động để thực hiện việc này.
Thứ hai là khả năng tổ chức thực hiện công tác đấu thầu ở cả trung tâm mua sắm Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia cũng như ở các bộ phận thực hiện công tác đấu thầu ở các sở y tế và bộ phận thầu ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Nếu chúng ta khắc phục được 2 điểm nghẽn này thì sẽ mở cánh cửa để thực hiện tốt hơn công tác đấu thầu thuốc.
Chúng ta phải rà soát lại, nếu các quy định đó thật sự là cản trở công tác đấu thầu thì phải có sự xem xét, bởi nếu tham khảo giá thầu mà đã trúng cách 12 tháng thì phải xem xét tỷ lệ trượt giá, lạm phát của đồng tiền như thế nào. Bên cạnh đó, là chi phí các dịch vụ bảo quản, vận chuyển tương ứng với thuốc mà chúng ta đã trúng thầu năm ngoái, thì mới có mặt bằng thuốc. Bởi nếu vẫn giữ quy định cũ, các doanh nghiệp dược làm kinh doanh là phải có lãi, không có lãi thì không ai thực hiện.
Vì vậy, phải bảo đảm được công bằng, tức là khả năng cung ứng thuốc của các công ty dược, các doanh nghiệp dược.
PV: Ông có thể phân tích cụ thể về cơ chế để cán bộ làm công tác đấu thầu không sợ sai và dám làm?
Ông Nguyễn Huy Quang: Chúng ta muốn có sự trôi chảy, công khai, minh bạch trong công tác đấu thầu và đấu thầu phải kịp thời để bảo đảm thuốc cho người bệnh. Thế nhưng, nếu như chúng ta chưa có được các giải pháp mang tính chất trước mắt, lâu dài thì phải có một hướng dẫn, có quy trình đấu thầu thuốc. Quy trình ấy vẫn trên cơ sở của các quy định của pháp luật hiện hành.
Nhưng chúng ta sẽ có những điểm nghẽn và điểm nghẽn nào chúng ta tháo gỡ được, nếu được Quốc hội đồng ý, Chính phủ đồng ý thì vẫn cứ thực hiện.
Phải có sự bảo đảm, trong bối cảnh cơ chế pháp lý của chúng ta chưa thật sự hoàn thiện và còn có các cách hiểu khác pháp, thì phải có sự bảo đảm là cứ tham gia đấu thầu đi. Nếu có sai sót mà cách làm vẫn trung thực, trong sáng, tất cả vì người bệnh thì sẽ có cơ chế để bảo đảm cho họ. Tức nếu có sai, không gây ra hậu quả và không “cầm tiền lót tay” thì có thể bảo đảm cho họ. Đây cũng là cơ chế mà tôi nghĩ người ta sẽ yên tâm để làm việc.
Thứ ba là tuyển dụng những người có kinh nghiệm, có tâm trong sáng, có trách nhiệm đối với nghề nghiệp tham gia vào quá trình đấu thầu thđối, để có thể nâng cao được năng lực của đội ngũ làm công tác đấu thầu. Bên cạnh đó, những người hiện nay đã làm về công tác đấu thầu thì cần phải có sự đào tạo liên tục để nâng cao kỹ năng, kiến thức chuyên môn để thực hiện công tác đấu thầu tốt hơn.
PV: Ông nghĩ thế nào về việc giao cho địa phương đấu thầu thay vì đấu thầu thuốc tập trung?
Ông Nguyễn Huy Quang: Về lâu về dài, chúng ta cần phải có sự xem xét một cách tổng thể, ví dụ như có nên cứ để ở Trung ương đấu thầu một số loại thuốc hay không? Hay chúng ta phân cấp về địa phương. Khi phân cấp về địa phương, thì địa phương có đủ khả năng để thực hiện đấu thầu hay không.
Thứ hai, nếu chúng ta phân cấp thì cũng phải xem xét các mặt bằng của thị trường. Chúng ta phải tính đến khả năng mỗi tỉnh lại một giá khác nhau. Nếu như các giải pháp thực hiện được thì tôi nghĩ rằng công tác đấu thầu thuốc sẽ ngày một tốt hơn.
Đối với các loại thuốc gắn với đấu thầu tập trung, nếu có khả năng đáp ứng toàn bộ thị trường thuốc của 63 tỉnh, thành thì nên để Trung ương thực hiện. Sau đó, khi có giá nhất định thì các địa phương ký hợp đồng. Đây là bước mà tôi cho là cải cách cả về tài chính, cải cách cả về hành chính.
Nếu có loại thuốc thực sự giao được cho các địa phương đấu thầu, thì chúng ta cũng mạnh dạn giao các địa phương thực hiện. Hà Nội, TP.HCM và một số các tỉnh, thành khác năng lực đấu thầu tốt nhưng một số địa phương khác thì chưa chắc đã tốt, nên chúng ta cần có sự xem xét khách quan nhưng cũng phải khoa học, thực tiễn để xem giữ hay bỏ đấu thầu thuốc tập trung.
Người thầy thuốc khi ra mặt trận là khám, chữa bệnh và phải có vũ khí là có đủ thuốc, đủ trang thiết bị vật tư y tế. Người bệnh có BHYT cũng phải được hưởng đầy đủ các quyền lợi. Có như vậy, chúng ta mới có được thị trường thuốc mang tính chất ổn định, thị trường chăm sóc sức khỏe có hiệu quả, bao hàm được yếu tố nhân văn, nhân đạo và nhân bản trong công tác chăm sóc sức khỏe, bảo vệ nhân dân.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Thy Hạt - Thiên Bình/VOV.VN
Thực hiện