Làng '5 không' mong chờ cuộc sống mới

  • 27/12/2018 04:45:58
  • Công Bắc
  • Xã hội
  • 0

Người dân ở ngôi làng'5 không' trên đỉnh núi Cheng Leng đã được chính quyền và các lực lượng tỉnh Gia Lai di dời xuống núi.

 

Nơi ở mới có đáp ứng những nhu cầu thiết yếu?

Nơi ở mới tốt hơn nhiều so với vùng lõi rừng Cheng Leng vì có đủ hạ tầng thiết yếu, đảm bảo người dân sẽ được chăm sóc y tế, trẻ em được đi học. Tuy nhiên, dự án này có bố trí đủ đất sản xuất để bà con tự đảm bảo cuộc sống hay không vẫn đang là vấn đề lớn cần được giải quyết.

Làng Hek, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai những ngày này khá rộn ràng khi đón những hộ gia đình từ trên núi Cheng Leng xuống định cư. Những căn nhà gỗ trên núi được tháo dỡ cẩn thận rồi vận chuyển qua quãng đường rừng gần 5km, sau đó được dựng lên giữa khoảng đất rộng, bằng phẳng phía cuối làng Hek. Toàn bộ công việc nặng nhọc này được các chiến sĩ của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai giúp sức. Anh Nay Bhing đã có nhiều năm sinh sống trên núi Cheng Leng cho biết, tại nơi ở mới, gia đình anh được cấp đất ở, hộ khẩu, làm chứng minh nhân dân và vui nhất là 4 đứa con anh, đứa nào đến tuổi đi học cũng thì được đến trường học chữ.

Giống như gia đình anh Nay Bhing, 13 hộ dân định cư lâu năm trên núi Cheng Leng đã và đang được di dời, tái định cư tại làng Hek với sự giúp đỡ của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương. Tại làng mới, mỗi hộ dân được cấp 600m2 đất ở, được cấp sổ đỏ, làm chứng minh nhân dân, hộ khẩu. Cùng với các điều kiện về điện, giao thông, y tế, khoảng 20 trẻ em trong làng độ tuổi từ 7 - 15, hầu hết mù chữ, cũng đã được sắp xếp để theo học tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nay Der, xã Chư A Thai. Thầy Hoàng Minh Thái, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mục tiêu trước mắt, là giúp các em biết đọc, biết viết, được hưởng niềm vui tuổi thơ.  “Việc dạy dỗ các em, nhà trường cũng xác định là việc tương đối khó vì từ nhỏ các em không được học lớp mẫu giáo chưa được tiếp cận với xã hội bên ngoài cho nên xuống đây các em rất bỡ ngỡ, nhút nhát, khó hòa đồng với các bạn ở trường. Vì thế, nhà trường xây dựng chương trình riêng cho các em, đồng thời hướng dẫn, tổ chức cho các em vui chơi, hòa nhập với các bạn”.

Bà con chưa có đất sản xuất

Niềm vui với con trẻ nhưng lại là nỗi lo của người lớn. Những cư dân Cheng Leng dời làng nhưng vẫn còn lấn cấn. Bởi đằng sau sự tốt đẹp trước mắt, vấn đề cốt lõi là sinh kế lại chưa được giải quyết. Đã sinh sống nhiều năm trên núi Cheng Leng, ông Ksor Kair cho biết, về ở làng mới nhưng chưa được cấp đất sản xuất nên ông  vẫn phải lên núi Cheng Leng làm nương rẫy. Khoảng cách 4-5km từ nơi ở mới tới nương rẫy là khá xa, đi bộ lên núi phải mất vài tiếng, việc tổ chức lao động, sản xuất cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Có giải quyết được việc làm cho bà con, nỗ lực di dân Cheng Leng mới thành công, giúp cho các hộ dân có cuộc sống ổn định lâu dài.

Định cư chưa gắn với định canh là điều trăn trở của chính quyền cơ sở. Ông Phùng Trung Toàn, Chủ tịch UBND xã Chư A Thai, cho biết, cư dân Cheng Leng trước đây sinh sống ở các làng dưới núi. Chính vì thiếu đất sản xuất mà họ đã tìm đường lên núi mưu sinh, đất nương rẫy đều từ phát rừng phòng hộ. Nay về nơi ở mới, chính quyền đang vận động dân trồng lại rừng phòng hộ trên chính diện tích này. Bài toán sinh kế chưa được giải quyết sẽ là một trở ngại rất lớn, ngoài tầm giải quyết của xã. “Hiện xã không còn quỹ đất để dành cho bà con, mong cấp trên quan tâm, hỗ trợ cho bà con có quỹ đất sản xuất” - ông Toàn chia sẻ.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận