Kỷ niệm dấu mốc 8 tỷ người đồng nghĩa với việc thế giới đối mặt với nhiều thách thức chồng chéo, từ đại dịch COVID-19 đến khủng hoảng khí hậu, các nền kinh tế yếu kém, xung đột, thiếu lương thực, thực phẩm và dịch chuyển dân số hàng loạt.
Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2023 của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã tháo gỡ mối “lo lắng về nhân khẩu học” liên quan đến tác động của quy mô dân số, thay đổi dân số, cơ cấu dân số hay tỷ suất sinh. Ông Björn Andersson, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cho rằng, đây là khu vực rộng với đa dạng nhân khẩu học. Theo đó, một số nước đang trải qua vấn đề giảm dân số, nhưng một số nước khác lại đang tăng dân số. Song hầu hết tại các nước, tăng trưởng dân số đang chậm lại, tạo ra những xã hội với tỷ lệ người cao tuổi cao hơn.
“Dù trong tình huống nào thì những dao động về tỷ suất sinh và thay đổi quy mô dân số như vậy đòi hỏi các chính sách cần phải được sửa đổi và mở rộng ra ngoài lĩnh vực nhân khẩu học. Tuy nhiên, tất cả các chính sách như vậy phải chú trọng vào việc thúc đẩy bình đẳng giới và đẩy nhanh hơn tiến bộ về trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái”, ông Björn Andersson đánh giá.
Cũng theo Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, thúc đẩy bình đẳng giới là vấn đề mấu chốt để giải quyết thay đổi về dân số, đồng thời kiến tạo một xã hội có thể thích nghi và phát triển. Áp dụng hướng tiếp cận “vòng đời”, trong đó, trẻ em gái và phụ nữ được trao quyền tại mỗi thời điểm khác nhau trong cuộc đời để có thể tự đưa ra các quyết định và lựa chọn, kể cả lựa chọn về sinh sản. Theo đó, sẽ cho phép các trẻ em gái và phụ nữ có thể theo đuổi những ước mơ, khát vọng trong cuộc sống và giúp thúc đẩy phát triển kinh tế trong xã hội.
“Trao quyền cho phụ nữ và tạo cơ hội cho họ phát triển tiềm năng để đưa ra các quyết định liên quan đến cơ thể họ và cuộc sống của họ sẽ hỗ trợ họ, gia đình của họ và xã hội của họ phát triển thịnh vượng. Cần đầu tư vào mỗi giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của một phụ nữ: thông qua việc đảm bảo giáo dục cho trẻ em gái, đảm bảo trẻ em gái và phụ nữ được tiếp cận với các thông tin và dịch vụ liên quan đến sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục và các quyền cũng như đảm bảo để họ có thể tham gia một cách đầy đủ và bình đẳng trong mọi lĩnh vực của xã hội”, ông Björn Andersson nói.
Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc Björn Andersson cũng kiến nghị các nước thể chế hóa các chính sách gia đình thân thiện, tạo điều kiện cho mỗi người dân có thể thực hiện mong muốn và kế hoạch sinh con. Ví dụ, tạo điều kiện cho người cha nghỉ trông con mới sinh; phát triển các dịch vụ chăm sóc trẻ em có chất lượng; đảm bảo chế độ làm việc linh hoạt và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, trong đó có các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Chính phủ các nước cũng nên tăng cường những chế độ lương hưu và thúc đẩy tuổi già năng động và khỏe mạnh.
Với khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, làm thế nào thành công trong vấn đề bình đẳng giới và thực hiện các quyền về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của phụ nữ? Hơn 130 triệu phụ nữ trong khu vực vẫn chưa được tiếp cận các dịch vụ và thông tin về kế hoạch hóa gia đình để họ có thể có kế hoạch sinh con.
“Hơn một nửa trong số 1,8 tỷ thanh thiếu niên trên thế giới đang sống ở Châu Á và Thái Bình Dương, hầu hết trong số họ vẫn chưa được tiếp cận chương trình giáo dục tình dục toàn diện để giúp họ có thể có những quyết định đúng đắn về cơ thể của họ. Tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực thể chất và/hay bạo lực tình dục bởi bạn tình của họ vẫn còn cao”, ông Björn Andersson nói.
Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, đã đến lúc phải thúc đẩy tiến độ thực hiện các cam kết được đưa ra tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển năm 1994, trong đó, vấn đề sức khỏe sinh sản; các quyền, trao quyền cho phụ nữ; và bình đẳng giới là những trọng tâm của phát triển./.
Thiên Bình/VOV.VN