Ca nặng tay chân miệng tăng nhanh, TP.HCM lên 3 kịch bản ứng phó

Dự báo trong thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh tay chân miệng nặng và có thể dẫn tử vong, Sở Y tế TP.HCM đưa ra 3 kịch bản ứng phó.

 

Trước diễn biến số ca mắc tay chân miệng tăng nhanh trong những tuần gần đây cùng với sự xuất hiện trở lại của Enterovirus 71 genotype B5, dự báo trong thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh nặng và có thể dẫn tử vong, Sở Y tế TP.HCM đưa ra 3 kịch bản ứng phó.

Theo báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM, từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận 9.028 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 4 ca tử vong với chẩn đoán tay chân miệng độ 4, đều dương tính với Enterovirus 71 (EV71).

Tại TP.HCM, ghi nhận số ca mắc bắt đầu tăng từ tuần thứ 19 và tăng nhanh từ tuần thứ 21 đến nay. Số ca mắc tích lũy tay chân miệng tính đến nay là 2.407 ca, chưa ghi nhận ca tử vong.

Về điều trị nội trú, các bệnh viện của TP.HCM đã điều trị tổng cộng 936 ca tay chân miệng, trong đó có 46 ca nặng và đã có 4 trường hợp tử vong (từ các tỉnh chuyển về).

Bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM thăm khám điều trị cho bệnh nhi mắc tay chân miệng. (Ảnh bác sĩ cung cấp)

Riêng ngày 17/6, tổng số ca nhập viện là 41 ca, trong đó có 8 ca ngụ TP.HCM (chiếm 20%). Tổng số đang điều trị nội trú là 147 ca, tất cả đều là trẻ dưới 6 tuổi.

Có 18 trẻ bị nặng đang điều trị tại các khoa hồi sức tích cực của 3 bệnh viện Nhi đồng, trong đó có 1 trường hợp ngụ TP.HCM, còn lại là từ các tỉnh chuyển về. Trong số các bệnh nhi, đó 14 ca đang trong tình trạng nguy kịch phải thở máy, 1 ca lọc máu.

Nhằm chủ động nguồn lực sẵn sàng cho hệ thống điều trị đáp ứng tình huống số ca mắc tăng cao, Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác tiếp nhận, điều trị bệnh tay chân miệng.

Cụ thể theo 3 kịch bản cho các trường hợp nặng (từ độ 2a trở lên, ước tính chiếm khoảng 10% ca bệnh nội trú).

Đó là, với tình huống có dưới 50 ca nhập viện mới/ngày, dưới 200 ca đang điều trị nội trú và dưới 20 ca nặng tại các bệnh viện thì điểu trị tại các bệnh viện chuyên khia Nhi, chuẩn bị 200 giường, bao gồm 30 giường phục vụ hồi sức tích cực. 

Khi số ca nhập viện mới mỗi ngày tăng từ 50-100 ca, từ 200-700 ca đang điều trị nội trú và 20-70 ca chuyển nặng thì tập trung điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi và bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, tổng số giường điều trị là 700 giường, bao gồm 80 giường hồi sức tích cực. 

Kịch bản thứ 3 là khi mỗi ngày có từ 100-200 ca mới, các cơ sở y tế có 700-1.400 ca điều trị nội trú với khoảng 70-140 ca nặng thì tập trung điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi và bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, tổng số giường điều trị cần chuẩn bị là 1.400 giường với khoảng 150 giường hồi sức tích cực.

Đồng thời, hệ thống điều trị thực hiện quy trình phân loại bệnh nhi điều trị ngoại trú và nội trú, phân tuyến điều trị nhằm tránh quá tải cục bộ tại bệnh viện tuyến cuối và hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.

Sở Y tế TP.HCM cũng đã có công văn đề nghị Cục Quản lý Dược hỗ trợ trợ tìm thêm nhà cung ứng thuốc đặc trị tay chân miệng, kiến nghị Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ kiểm nghiệm sinh phẩm y tế liên quan cần thiết cho việc điều trị, để kịp thời cho lưu hành thuốc nhập, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh trong tình hình dịch bệnh diễn tiến nhanh hiện nay.

Các bệnh viện Nhi đồng của TP.HCM cũng tổ chức tập huấn lại về chẩn đoán điều trị bệnh tay chân miệng, phát hiện các dấu hiệu bệnh chuyển nặng, hồi sức cấp cứu cơ bản và nâng cao cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh. Tổ chuyên gia tay chân miệng trực “Đường dây điện thoại nóng” và sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các tuyến khi cần thiết./.

Kim Dung/VOV-TP.HCM

 

Bình luận

    Chưa có bình luận