Tổng cộng hơn 43 triệu thửa đất và hơn 22 triệu hồ sơ về đất đai đã được chuẩn hóa và số hóa thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đưa vào khai thác sử dụng. Đây là tiền đề để đảm bảo thanh toán công khai minh bạch của người sử dụng đất.
Trao đổi với phóng viên, ông Mai Văn Phấn – Cục trưởng cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ TN&MT) cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ điện tử. Thời gian qua Bộ TN&MT đã thực hiện nhiều công việc liên quan đến đẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu đất đai quốc gia.
Đến thời điểm hiện nay, tại Trung ương đã xây dựng xong 4 dữ liệu thành phần, đó là: Dữ liệu về hiện trạng sử dụng đất cấp vùng và cả nước; dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất Quốc gia; dữ liệu về khung giá đất; và dữ liệu về điều tra cơ bản về đất đai cấp vùng và cả nước. Tại các địa phương đã có 63/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó đã hoàn thành 439/705 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 219/705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và 220/705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai (với đầy đủ 4 thành phần cơ sở dữ liệu: Địa chính, thống kê kiểm kê đất đai, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và giá đất). Tổng cộng hơn 43 triệu thửa đất và hơn 22 triệu hồ sơ về đất đai đã được chuẩn hóa và số hóa thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đưa vào khai thác sử dụng.
Việc triển khai kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai cũng đã được quan tâm thực hiện. Đến nay đã có 35 tỉnh thực hiện kết nối, liên thông với cơ quan thuế, 27 tỉnh kết nối liên thông với một cửa hành chính công, 61 tỉnh triển khai thực hiện thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia và 59 tỉnh kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây cũng là tiền đề trong việc sau này sẽ triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Đến thời điểm hiện nay, có 61 tỉnh thành phố đã kết nối với cổng dịch vụ công và tổ chức việc thanh toán trực tuyến. Đây là tiền đề để đảm bảo thanh toán công khai minh bạch của người sử dụng đất.
Triển khai Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương trong đó có đề cập đến hoàn thành cơ sở giữ liệu và hệ thống thông tin đất đai tập trung thống nhất đồng bộ đa mục tiêu và kết nối liên thông. Thể chế hóa Nghị quyết này, dự thảo luật đất đai đã dành 1 chương về hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó thể hiện cụ thể:
Mô hình của hệ thống thông tin; thành phần dữ liệu đảm bảo đầy đủ thành phần dữ liệu về giá đất, cập nhật thường xuyên vào hệ thống thông tin; Quản trị cơ sở dữ liệu hệ thống thống thông tin; phân cấp trách nhiệm; dùng hệ thống thông tin để kiểm tra kiểm soát, tránh tình trạng phải trực tiếp đi kiểm tra kiểm soát.
“Hiện nay Bộ TN&MT đang triển khai một dự án về chuyển đổi số về lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường trong đó có nội dung về đất đai. Bộ TN&MT ban hành bộ tiêu chí để thẩm định, lựa chọn phần mềm quản trị, hướng tới quản trị cả các thông tin giao dịch về đất đai”, ông Mai Văn Phấn nói./.
Văn Ngân/VOV.VN