Cẩn trọng với lời mời 'sở hữu kỳ nghỉ'

Mô hình 'sở hữu kỳ nghỉ' (timeshare) đã xuất hiện từ thập niên 60 tại châu Âu và du nhập vào Việt Nam khoảng 5 năm trở lại đây.

 

Bên cạnh các lợi ích được kỳ vọng như giúp người tiêu dùng mua trước những kỳ nghỉ dưỡng trong thời gian dài với giá ưu đãi thì những năm qua, rất nhiều khách hàng đã không được hưởng đúng quyền lợi như quảng cáo, thậm chí có dấu hiệu bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Hơn 1 năm sau buổi hội thảo “định mệnh”, chị N.T.C, ở Đống Đa (Hà Nội) vẫn đang trả góp khoản nợ mua hợp đồng kỳ nghỉ dưỡng “Tuần nghỉ hạnh phúc” của Vacation Paradise. Theo gói được chào mời, chị C. có thể sở hữu kỳ nghỉ tại các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 4-5 sao trong thời gian 10 năm, nhưng tiền đã mất mà quyền lợi chẳng thấy đâu:

“Nó nói là chúng em không bắt chị làm gì cả, chỉ đến nhận quà thôi. Đến thì nó nói chuyện, thuyết phục là tham gia kỳ nghỉ 20 năm, cái đấy có thể để lại cho con cháu, có thể nhượng lại. Chị bảo là chị không có tiền, thì nó lại bảo là giảm xuống còn 10 năm thôi, là 140 triệu đồng.

Chị mua ngay thì giá ưu đãi, chị đóng trước một khoản 40 triệu đi, sẽ hỗ trợ chị làm thẻ ngân hàng, trả góp 12 tháng, rồi 24 tháng,… Ký hợp đồng xong nó báo bị lỗi, mang về sửa, bảo nó mang hợp đồng đến thì nó không nghe máy. Từ lúc quẹt thẻ xong thì gặp nó rất khó khăn, nó bảo là bây giờ bọn em bị phá sản.

Chị bảo là cho chị xin lại tiền, thì nó bảo tiền không thể lấy lại được nữa vì đó là chi phí cho hội thảo nọ kia, trừ khi chị đóng nốt khoản 90 triệu còn lại thì chị sẽ được đi nghỉ. Nó còn bảo sẽ tặng 2 chỉ vàng, từ năm ngoái đến giờ chẳng thấy đâu. Chị đến tận nơi thì chủ tịch UBG nó còn trả địa điểm, không tìm được nó luôn”.

Trong nhóm chat của chị C, có gần 40 người khác cũng là nạn nhân với chiêu trò tương tự. Được biết, Công ty CP Vacation Paradise do ông Nguyễn Thanh Bình làm người đại diện, đang trong tình trạng tạm nghỉ kinh doanh. Ngoài ra, ông Bình còn là người đại diện của khoảng 16 doanh nghiệp, chi nhánh khác.

Không chỉ Vacation Paradise mà còn vô số biến tướng của mô hình “sở hữu kỳ nghỉ”. Sau những hội thảo hoành tráng, rất nhiều nạn nhân đã bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu đồng mua thẻ du lịch để được nhận quà nhưng sau đó công ty “mất hút”; ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ hàng chục năm nhưng không được trả chiết khấu theo thỏa thuận; không có hợp đồng, hoặc hợp đồng bị chỉnh sửa, cài cắm nhiều điều khoản bất lợi cho khách hàng;…

Rất nhiều khách hàng mua kỳ nghỉ dưỡng ''Tuần nghỉ hạnh phúc'' của Vacation Paradise mà không được hưởng quyền lợi như quảng cáo. Còn công ty đang trong tình trạng tạm nghỉ kinh doanh.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đánh giá, đây là thực trạng đáng báo động khi các cơ quan chức năng đã nhận được nhiều khiếu nại, tố cáo. Việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ có dấu hiệu của tội phạm lừa đảo, nhưng việc xử lý gặp nhiều khó khăn bởi nhiều biến tướng với những tên gọi khác nhau.

Về thủ đoạn của các đối tượng, chuyên gia tâm lý tội phạm, TS. Đoàn Văn Báu phân tích, biến tướng của mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” sẽ nhắm đến những gia đình trung lưu, ham ưu đãi nhưng thiếu cảnh giác. Khi khách hàng đồng ý hoặc chuyển một phần tiền đặt cọc thì sẽ bị dẫn dụ từ từ, bị ràng buộc bởi nhiều điều khoản khác nhau và khó tìm cách thoát ra được:

“Nó đã tồn tại lâu rồi mà tại sao những công ty này vẫn hoạt động được? Tại vì tâm lý người dân mình khi bị lừa một vài triệu thì không muốn đôi co hoặc đưa ra pháp luật, hoặc người ta không muốn công khai sự việc rồi mang tiếng là thiếu hiểu biết.

Và có đi tố giác thì cũng rất khó xử lý vì đây là hợp đồng dân sự. Khi chúng ta xử lý nghiêm, triệt để một hình thức nào đó thì nó sẽ biến tướng sang một hình thức khác, và các cơ quan chức năng không có đủ lực lượng, phương tiện để ngăn chặn, cảnh báo mọi hành vi lừa đảo.

Quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân, phải nâng cao ý thức cảnh giác và các cơ quan chức năng phải tuyên truyền bằng những hình thức hiệu quả”.

Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Nguyễn Thế Truyền khuyến cáo khách hàng phải suy xét kỹ trước khi tham gia vào bất cứ sự kiện, hợp đồng nào:

“Chắc mọi người vẫn biết câu ở đời này không có gì là miễn phí. Các bạn không nên vội vàng ký ngay, bởi các bạn sẽ không chống lại được sự cám dỗ của các nhân viên sale có cách chốt đơn thiện nghệ và chuyên nghiệp.

Trong trường hợp không có chuyên môn thẩm định hợp đồng, tốt hơn hết khách hàng nên nhờ những người am hiểu như luật sư, chuyên gia kinh tế hay chuyên gia du lịch, tránh trường hợp “bút sa gà chết”.

Các bạn cũng cần yêu cầu họ cung cấp đủ thông tin để có thời gian nghiên cứu, thậm chí kiểm tra lại nhu cầu của mình. Tất cả cam kết bằng miệng phải được cụ thể hóa bằng văn bản. Chậm lại một chút thôi, không nên vội vàng cuốn theo “cơn lốc” của những người bán hàng”.

Luật sư Đặng Phương Chi - Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội khuyến cáo thêm, bên cạnh việc nâng cao ý thức cảnh giác thì khách hành cũng cần thường xuyên tự trang bị kỹ năng “phòng vệ” trước các thủ đoạn lừa đảo mới; tìm hiểu thông tin về loại hình sản phẩm, dịch vụ cũng như bên cung cấp qua phương tiện truyền thông hoặc người thân.

Đặc biệt, cần lên tiếng, kịp thời phản ánh đến cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi của tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật./.

Minh Hiếu/VOVgiaothong.vn

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận