Đại biểu HĐND Hà Nội đề nghị đánh giá kỹ về giải ngân vốn đầu tư công thấp

Đại biểu đề nghị UBND Thành phố cần đánh giá kỹ hơn một số chỉ tiêu về kinh tế giảm so với cùng kỳ; đánh giá các cơ chế, chính sách, kế hoạch của Thành phố...

 

Sáng nay (4/7), tại kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà, báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ; UBND thành phố báo cáo tiếp thu, giải trình, làm rõ những ý kiến của đại biểu HĐND thành phố.

Theo đó, tại phiên thảo luận chiều 3/7, các đại biểu thảo luận tại các tổ về 5 nhóm nội dung, 40 lượt đại biểu phát biểu, thể hiện trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu HĐND.

Các đại biểu thảo luận về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách của thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, các đại biểu đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện của Thành phố trong triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết, Chương trình của Thành ủy và Nghị quyết của HĐND Thành phố.

Trên cơ sở các tồn tại, hạn chế UBND Thành phố Hà Nội nêu tại báo cáo, các đại biểu HĐND Thành phố đã thảo luận, nhấn mạnh và bổ sung thêm một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà, báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận.

Đại biểu đề nghị UBND Thành phố cần đánh giá kỹ hơn một số chỉ tiêu về kinh tế giảm so với cùng kỳ, đánh giá khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2023; đánh giá các cơ chế, chính sách, kế hoạch của Thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư; việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp, đặc biệt là phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Các đại biểu cũng cho rằng cần đánh giá kỹ hơn tồn tại vướng mắc trong tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp trong nhiều năm. Thu ngân sách từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương còn thấp, ảnh hưởng cân đối nguồn vốn đầu tư công.

Đại biểu cũng cho ý kiến cần làm rõ tiến độ và tính khả thi Chương trình phát triển đô thị, công tác cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ trên địa bàn Thành phố; đánh giá việc phát triển hệ thống giao thông công cộng, hệ thống giao thông kết nối liên vùng; đánh giá và có giải pháp dài hạn xử lý tình trạng ùn tắc giao thông, xe dù, bến cóc và lấn chiếm hè đường để kinh doanh, tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề, ngập cục bộ tại một số địa phương.

Tình trạng xử lý vi phạm chưa kịp thời về đất đai, trật tự xây dựng, đặc biệt là khu vực ven sông; công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt còn tồn tại nhiều bất cập.

Việc quản lý, khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở chưa thực sự hiệu quả; một số định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, đô thị ban hành chậm. Có tình trạng các chức sắc tôn giáo nước ngoài vào Việt Nam để du lịch lợi dụng, hoạt động ngoài cơ sở tôn giáo, không theo sự quản lý của Nhà nước.

Đề xuất, giải pháp để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 của Thành phố, các đại biểu cho rằng, Thành phố cần có các giải pháp hiệu quả hơn nữa để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng cuối năm. Có giải pháp cân đối nguồn vốn trong việc không hoàn thành việc thu ngân sách từ nguồn về đấu giá đất. Tiếp tục rà soát, đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền; tăng cường giám sát, kiểm tra sau phân cấp; thực hiện có hiệu quả đề án khai thác tài sản công.

Có chính sách giảm mức thuế, phí, lãi suất ngân hàng; có các giải pháp mạnh mẽ để kích cầu tiêu dùng, nâng cao tốc độ lưu chuyển, tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn Thành phố; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình trọng điểm và các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công, đặc biệt là nhóm dự án trong điểm. Có giải pháp tháo gỡ cho các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Có các giải pháp cụ thể tăng hiệu quả kêu gọi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá đất; giải pháp xử lý dứt điểm các vướng mắc trong xác định giá khởi điểm để đấu giá; xây dựng cơ chế chặt chẽ trong việc quản lý công tác đấu giá, đấu thầu tránh trường hợp thông thầu.

Bên cạnh đó, có giải pháp xử lý, đẩy nhanh việc di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội thành, cơ sở gây ô nhiễm tại làng nghề vào các cụm công nghiệp tập trung. Quan tâm triển khai các chỉ tiêu về nước sạch tại nông thôn. Có giải pháp tháo gỡ vướng mắc và kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội đã được phê duyệt.

Đẩy mạnh đầu tư xây trường công lập

Đặc biệt, các đại biểu đề nghị UBND Thành phố quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, trong đó có việc rà soát, đẩy mạnh đầu tư xây dựng các trường công lập, giảm chênh lệch về chất lượng giữa nội và ngoại thành. Có giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo người có công, trợ giúp xã hội, các chính sách giảm nghèo bền vững; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giảm nợ bảo hiểm xã hội, mở rộng diện bao phủ, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, UBND Thành phố cần có các giải pháp để khẩn trương thúc đẩy công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số của Thành phố, đặc biệt là rà soát xây dựng, hoàn thiện các quy trình, quy chế liên quan đến thủ tục hành chính công; rà soát, đẩy mạnh hạ tầng số và hạ tầng khoa học công nghệ; xây dựng dữ liệu số, liên thông sử dụng dữ liệu số, khắc phục tình trạng lỗi phần mềm dùng chung.

Thay mặt UBND Thành phố, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải đã phát biểu tiếp thu, giải trình các nội dung thảo luận tại các Tổ, tại kỳ họp thứ 12 HĐND Thành phố.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải, kinh tế Thành phố tiếp đà phục hồi, các cân đối lớn được đảm bảo. Trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng kép, GRDP của Thành phố 6 tháng đầu năm vẫn đạt tăng trưởng khá cao gấp khoảng 1,6 lần cả nước.

Về các tồn tại, hạn chế, khó khăn và những vấn đề cần quan tâm, trong đó về việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu (để đạt chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 7,0% thì quý III phải tăng từ 7,54% trở lên, quý IV phải tăng từ 8,23% trở lên), Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, GRDP tăng 5,97% (quý I tăng 5,95%; quý II tăng 5,98%) - tuy thấp hơn mức tăng 7,10% của cùng kỳ năm 2022 nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, xuất khẩu gặp khó khăn, sức mua thị trường nội địa chững lại, mức tăng trưởng trên với xu hướng duy trì đà tăng trưởng qua các quý là rất quan trọng và đáng ghi nhận. Để đạt nhiệm vụ rất khó khăn là cả năm 2023 tăng trưởng 7%, cần sự quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, sự đồng hành của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố với các giải pháp hết sức quyết liệt, linh hoạt và sự phấn đấu mạnh mẽ trong từng ngành, từng cấp chính quyền trông triển khai thực hiện kế hoạch.

HĐND Thành phố Hà Nội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; thu, chi ngân sách, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận