Sau kết luận thanh tra, vì sao biệt thự, homestay vẫn 'mọc' trên đất rừng Sóc Sơn?

Hàng chục cán bộ liên quan vi phạm xây dựng trên đất rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội) đã bị kỷ luật, nhưng đến nay tình trạng "xẻ thịt" đất rừng vẫn diễn ra.

 

Sau sự cố sạt lở ở ven hồ Ban Tiện (thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) khiến nhiều ô tô bị vùi trong đất đá, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết quanh khu vực này tồn tại các công trình vi phạm trật tự xây dựng vì nằm trong quy hoạch đất rừng.

Nhưng không chỉ riêng điểm sạt này, trên địa bàn huyện Sóc Sơn phát sinh hàng chục công trình vi phạm trên đất rừng, kể từ sau khi có kết luận của Thanh tra TP Hà Nội năm 2019.

Trả lời PV VTC News về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, ông Phạm Quang Ngọc, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, trước kia đất rừng ở Sóc Sơn có diện tích khoảng 3.266 ha. Theo quy hoạch năm 2008 của UBND TP Hà Nội, tổng diện tích đất rừng là 4.566 ha, tăng thêm 1.300 ha.

"Trong 1.300 ha này có đất ở, đất vườn, đất trồng cây lâu năm, đất trụ sở, đất quốc phòng, đường giao thông… Nhà nước thu hồi lại, trồng lại rừng thì đó là rừng, còn chưa thu hồi thì vẫn đang là đất sử dụng của bà con nhưng nằm trong quy hoạch nên không được phép xây dựng", ông Ngọc nói.

Theo thống kê của UBND huyện Sóc Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2023, ghi nhận 159 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng phát sinh và phải lập hồ sơ xử lý. Trong số này, 25 công trình vi phạm khi xây dựng trên đất lâm nghiệp và 14 vi phạm đất đai liên quan đất rừng. Còn lại là các vi phạm xây không phép, sai phép hoặc sai mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất công...

Chính quyền huyện Sóc Sơn đã xử lý 109 trường hợp liên quan các vi phạm trên. Với 40 công trình khác, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết đang tiếp tục xử lý.

"Vẫn còn một số trường hợp vi phạm nhưng xã giấu, huyện không biết được. Tháng 7 vừa rồi, huyện cho kiểm tra xem ông nào giấu. Huyện đang làm hết sức, nhưng việc này hết sức phức tạp, cần làm dần từng bước", ông Ngọc nói và cho biết việc phát hiện bắt buộc phải từ cơ sở vì nhiều nơi trên địa bàn là khu vực đất ở nông thôn, khi xây dựng thì không cần cấp phép.

Khu vực hồ Đồng Đò thời gian qua là một trong những "điểm nóng" về vi phạm xây dựng tại địa bàn xã Minh Trí. Không chỉ có vài công trình vi phạm mới, dọc theo hồ Đồng Đò, hàng loạt công trình biệt thự, nhà cao tầng xây dựng trái phép vẫn liên tiếp mọc lên dù địa điểm này chỉ cách trung tâm UBND xã Minh Trí khoảng 6 km.

Thông tin về việc đất rừng tại hồ Đồng Đò bị "xẻ thịt", ông Đinh Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã Minh Trí cho biết, hồ Đồng Đò đẹp nên nhiều người từ nơi khác đến mua đất của bà con và xây dựng công trình.

Hai bên đường ven hồ Đồng Đò là các công trình kiên cố, lưng tựa núi, mặt hướng hồ. Sát mép hồ, nhiều công trình đang xây dựng dở dang.

"Nơi xây dựng 3 tòa lâu đài trước đây là diện tích đất của 11 hộ dân thôn Minh Tân, có 6 - 7 nóc nhà. Khu vực này là của mấy bố con, anh em đến khai hoang từ năm 1985 và sau đó bán cho chủ hộ hiện tại. Nếu không nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ có thể khu vực này đã được cấp sổ đỏ. Nếu cưỡng chế trường hợp này thì phải xem xét rất kỹ lưỡng, cả những yếu tố lịch sử", Chủ tịch UBND xã Minh Trí thông tin.

Theo ông Bảo, thôn Minh Tân có lịch sử rất khác biệt so với nơi khác. Năm 1985, huyện Sóc Sơn và TP Hà Nội vận động những hộ khó khăn của một số xã như Xuân Thu, Kim Lũ, Bắc Phú... (huyện Sóc Sơn) đến xây dựng vùng kinh tế mới ở hồ Đồng Đò. Khi người dân đến rừng ở thôn Minh Tân chỉ là những cây hoang, cỏ dại. Sau đó, mọi người khai hoang, trồng rừng vào những năm 90. Đến năm 2008, toàn bộ thôn Minh Tân được quy hoạch là rừng phòng hộ, kể cả nhà văn hóa, trạm điện, nhà dân, lớp học... Do cả thôn nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ nên hầu hết các công trình xây dựng tại đây đều vi phạm.

 

Theo Chủ tịch UBND xã Minh Trí, hiện thôn Minh Tân có gần 200 hộ, diện tích hơn 800 ha nhưng chưa hộ nào có sổ đỏ.

Do thôn đang nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ nên việc lập hồ sơ xử lý các công trình xây dựng vi phạm đều trên cơ sở áp dụng các quy định về rừng phòng hộ để xử lý. Song việc này gặp nhiều khó khăn khi người dân cho rằng thôn không có bản đồ địa chính, diện tích đất mà họ sử dụng là đi khai hoang từ năm 1985. Điều này dẫn đến những khiếu nại, khiếu kiện khi Chủ tịch UBND xã Minh Trí ra quyết định xử phạt, cưỡng chế công trình vi phạm.

Ông Bảo cho hay, quy trình cưỡng chế công trình là khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, địa phương đến kiểm tra, xem xét, căn cứ theo quy hoạch và ra thông báo, nhắc nhở. Nếu công trình không tự dừng, tự khắc phục, tháo dỡ những phần đã xây dựng, lực lượng chức năng sẽ lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt, cưỡng chế và đình chỉ.

"Chúng tôi cương quyết lập biên bản xử lý và ra thông báo tạm đình chỉ xây dựng. Tuy nhiên, càng đình chỉ, các công trình sai phạm càng hoàn thiện", Chủ tịch UBND xã Minh Trí nói thêm.

Liên quan công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng, trong 6 tháng qua, huyện Sóc Sơn tạm đình chỉ công tác đối với 3 Phó Chủ tịch UBND xã Minh Trí, Nam Sơn và Mai Đình. Địa phương đang tiếp tục rà soát các vi phạm này.

Đây không phải lần đầu tiên Sóc Sơn tạm đình chỉ, kỷ luật cán bộ vì để địa bàn xảy ra vi phạm xây dựng trên đất rừng phòng hộ.

Hồi tháng 10/2018, Thanh tra TP Hà Nội đã quyết định thanh tra toàn diện quá trình sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, trong đó tập trung vào "điểm nóng" vi phạm tại 2 xã Minh Phú và Minh Trí.

Đến tháng 3/2019, Thanh tra TP Hà Nội ban hành 2 kết luận thanh tra về đất rừng Sóc Sơn. Trong đó nêu rõ hàng nghìn trường hợp vi phạm đất rừng. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú và Minh Trí, cũng như khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng có 797 công trình vi phạm.

Sau kết luận thanh tra, huyện Sóc Sơn đã xử lý các trường hợp vi phạm. Cụ thể, với 76 công trình vi phạm nằm ở ven các hồ dưới chân núi thuộc địa bàn 2 xã Minh Trí và Minh Phú được nêu trong kết luận thanh tra, huyện Sóc Sơn đã xử lý 40 trường hợp.

Tháng 9/2019, UBND huyện Sóc Sơn có văn bản báo cáo kết quả thực hiện kết luận của Thanh tra TP Hà Nội về xử lý sau thanh tra đất rừng Sóc Sơn.

Theo báo cáo này, thực hiện yêu cầu của UBND thành phố, UBND huyện Sóc Sơn xem xét kỷ luật 80 trường hợp. Trong đó 19 trường hợp chưa đến mức kỷ luật; 22 trường hợp không kỷ luật vì hết thời hiệu (ốm, chữa bệnh); 29 trường hợp bị khiển trách; 6 trường hợp bị kỷ luật cảnh cáo; 2 trường hợp bị kỷ luật cách chức; 2 trường hợp công chức, lao động hợp đồng bị buộc thôi việc.

Tập thể lãnh đạo UBND huyện tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể lãnh đạo huyện 3 nhiệm kỳ (2006 - 2011, 2011 - 2016 và 2016 - 2021) và các Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện của 3 nhiệm kỳ trên.

Thời điểm đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cũng có các quyết định kỷ luật đối với 3 cá nhân thuộc diện Thành ủy quản lý. Cụ thể, kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Vương Văn Bút - nguyên Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn và ông Tạ Văn Đạo - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn.

ANH VĂN - NGÔ NHUNG/VTC.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận