Tăng nặng mức xử phạt vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan

  • 14/08/2023 05:14:53
  • VOVGIAOTHONG.VN
  • Xã hội
  • 0

Bộ VH-TT&DL đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.

 

Dự thảo phân chia khung tiền phạt tăng dần theo một trong ba tiêu chí: số lợi bất hợp pháp thu được; mức thiệt hại gây ra cho chủ sở hữu quyền hoặc là giá trị hàng hóa vi phạm, để đảm bảo các chế tài xử phạt phù hợp với tính chất, mức độ hành vi xâm phạm.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng và lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan gọi tắt là Dự thảo Nghị định 131 sửa đổi.

Một trong những điểm mới đáng chú ý tại Dự thảo Nghị định 131 sửa đổi là mức xử phạt được chia theo các mức tùy tính chất vi phạm. Dự thảo Nghị định 131 sửa đổi bổ sung thêm những hành vi nào bị xử lý vi phạm? Những hành vi nào có mức xử phạt tăng?Thủ tục xử lý các hành vi vi phạm ra sao?

Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, về bố cục có 2 phương án.

Phương án 1 có 5 chương 73 Điều gồm:

Chương I: Những quy định chung (7 điều); Chương II có 43 điều về Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; Chương III có 11 điều về Quy trình xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan; Chương IV:Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính gồm 9 điều và Chương V: Điều khoản thi hành.

Phương án 2 có 4 Chương 62 Điều, không bao gồm Chương về quy trình xử lý vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan ...

Mục đích ban hành Dự thảo Nghị định nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hiệu lực thi hành giữa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022, Nghị định số 17 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, đảm bảo tính minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho việc thực thi có hiệu quả; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành…

Về cơ bản, Dự thảo Nghị định mới kế thừa những nội dung đã quy định tại Nghị định số 131 năm 2013 hiện còn đang phù hợp; sửa đổi một số hành vi không phù hợp, bổ sung một số hành vi vi phạm mới phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành, điều chỉnh mức xử phạt tiền tương ứng với các hành vi vi phạm để đủ sức răn đe đối với các đối tượng; đồng thời sửa đổi các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng. Việt Nam cũng đã tham gia một loạt điều ước quốc tế song phương, đa phương và khu vực về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số.

Về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả được chia làm 2 mục: Hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và các hành vi vi phạm hành chính khác về quyền tác giả, quyền liên quan.

Tại Dự thảo Nghị định lần này, nhiều hành vi mới được quy định như hành vi vi phạm liên quan ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan; hành vi vi phạm liên quan đến thủ tục chấp thuận việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu hoặc đại diện quản lý, thủ tục chấp thuận việc dịch hoặc sao chép tác phẩm 6 để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại; hành vi vi phạm về hoạt động đại diện tập thể, giám định, tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan và về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian.

So với Nghị định số 131/2013, nhiều hành vi vi phạm được quy định áp dụng mức tiền phạt cao hơn và thêm các biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng như hành vi xâm phạm các quyền tác giả, quyền liên quan; hành vi vi phạm về hoạt động đăng ký, đại diện tập thể, giám định, tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan;…

Đáng chú ý, để phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm của từng lực lượng và từng chức danh trong lực lượng có thẩm quyền xử phạt; quy định phân định thẩm quyền xử phạt cho các lực lượng.

Dự thảo Nghị định quy định các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thanh tra (Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Văn hóa và Thể thao, Thanh tra Thông tin và Truyền thông, Thanh tra giao thông vận tải), Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan và Quản lý thị trường

Lực lượng Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan hiện đang lấy ý kiến các Bộ, ngành và các tổ chức, cá nhân, sau khi tổng hợp ý kiến sẽ gửi Bộ Tư pháp thẩm định vào tháng 9/2023.

MỨC PHẠT CAO NHẤT: 40 TRIỆU ĐỒNG

So với Nghị định số 131/2013, Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan có những điểm gì mới về mức tiền xử phạt và mức độ xử phạt?

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đơn vị soạn thảo Nghị định 131 sửa đổi này:

Xin bà cho biết về những điểm mới đáng chú ý của Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan?

So với Nghị định 31 hiện hành, Dự thảo Nghị định có một số điểm mới:

Thứ nhất, bổ sung các đối tượng vi phạm hành chính quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó đã liệt kê rất rõ đối tượng nào là các tổ chức sẽ bị xử phạt.

Thứ hai, sửa đổi bổ sung một số các hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính thuộc quyền tác giả, quyền liên quan để phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023 và Nghị định 17 có hiệu lực thi hành từ ngày 26/4/ 2023.

Thứ ba, nhiều hành vi vi phạm đã được điều chỉnh mức tiền xử phạt cao hơn, cũng có những hành vi được điều chỉnh mức xử phạt tối thiểu được giảm xuống, mức tối đa được tăng lên để phù hợp với thực tiễn cũng như tính chất của các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Dự thảo bổ sung một số hình phạt gồm cả cảnh cáo đối với các hành vi vi phạm nhẹ hay là hình thức phạt bổ sung, thay đổi biện pháp khắc phục hậu quả cho phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm của hành vi.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: NVCC

Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về quyền phân phối, quyền sao chép tại Dự thảo Nghị định 131 sửa đổi có sự thay đổi như thế nào thưa bà?

Dự thảo Nghị định này cũng có những thay đổi. Ví dụ như trước đây chúng ta có những quy định liên quan tới quyền phân phối, quyền sao chép ở mức phạt chung. Ví dụ như trong lĩnh vực quyền sao chép hoặc quyền phân phối trước đây, Nghị định 31 hiện hành có quy định mức xử phạt đối với hành vi xâm phạm quyền sao chép từ 15 đến 35 triệu đồng, xâm phạm quyền phân phối từ 10-30 triệu đồng không phụ thuộc vào tính chất, mức độ hành vi xâm phạm.

Trong thực tiễn xảy ra trường hợp mức độ vi phạm thấp hơn, cũng có những trường hợp rất cao hơn nhưng chúng ta chỉ căn cứ vào có hành vi xâm phạm là xử phạt ở mức chung nhất.

Căn cứ theo quy định tại Điều 225 Bộ Luật hình sự quy định về tội phạm xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đối với hai hành vi, đó là xâm phạm sao chép và xâm phạm quyền phân phối.

Dự thảo Nghị định cũng đã thiết kế lại để tương ứng quy định các cách thức của Luật hình sự, phân chia khung tiền phạt tăng dần theo một trong ba tiêu chí: số lợi bất hợp pháp thu được; mức thiệt hại gây ra cho chủ sở hữu quyền hoặc là giá trị hàng hóa vi phạm, để đảm bảo các chế tài xử phạt phù hợp với tính chất, mức độ hành vi xâm phạm.

Theo đó, mức xử phạt tại Dự thảo Nghị định đã tăng, chia theo các khung, mức thấp nhất là 5 triệu đồng, mức cao nhất là 40 triệu đồng.

Dự thảo đề xuất bổ sung các quy định về Quy trình xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, điều này mang lại những lợi ích gì cho các bên liên quan thưa bà?

Nghị định này có một bổ sung một chương quy định về quy trình. Đây là một điểm mới trong dự thảo Nghị định. Với tính chất đặc thù của lĩnh vực sở hữu trí tuệ, việc áp dụng về xử phạt hành chính đối với các quyền dân sự, vi phạm các quyền dân sự, chứ không chỉ về đối với các vi phạm trong trật tự quản lý hành chính, việc ban hành các quy định này là một sự cần thiết.

Điều này tạo thuận lợi cho các chủ thể quyền khi họ muốn tiến hành yêu cầu cơ quan Nhà nước xử lý xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan hoặc biết được cách thức làm như thế nào?

Các tài liệu, các văn bản, các chứng cứ ra sao? Ở đây cũng có quy định về việc tiến hành nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm, về chứng cứ chứng minh vi phạm được giao giải quyết yêu cầu xử lý vi phạm như thế nào, và trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật để tương đồng với tính chất đặc thù của sở hữu trí tuệ, bao gồm 3 nhánh là sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, quyền liên quan và giống cây trồng.

Xin cảm ơn bà!

TRÌNH TỰ XỬ LÝ VI PHẠM ĐƯỢC QUY ĐỊNH KHÁ ĐẦY ĐỦ

Những thay đổi về mức xử lý các hành vi vi phạm và quy định quy trình xử lý hành vi vi phạm đề xuất trong Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan có phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay?

PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Tầm nhìn và Liên danh, thành viên Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam xung quanh nội dung này:

Thưa Luật sư, đối với hành vi xâm phạm quyền sao chép, quyền phân phối bản gốc, bản sao tác phẩm các cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình chương trình phát sóng đề xuất mức xử lý vi phạm hành chính có điều chỉnh tăng so với quy định hiện hành, điều này có phù hợp?

So với quy định trước đây, mức phạt mà dự thảo Nghị định đề xuất áp dụng cho hành vi vừa nêu đều theo hướng tăng lên so với Nghị định hiện hành và đồng thời dự thảo Nghị định cũng có quy định chi tiết hơn, tức là chia nhỏ cái mức phạt này ra tương ứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi.

Trong bối cảnh các hành vi vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và các hành vi xâm phạm quyền sao chép, quyền phân phối bản gốc bản sao tác phẩm cũng như các cuộc biểu diễn bản ghi âm, ghi hình nói riêng ngày càng đa dạng và phức tạp hơn, tinh vi hơn về mặt hành vi.

Tôi cho rằng việc tăng mức phạt cũng như là chia nhỏ mức phạt ra tương ứng với mức độ nghiêm trọng hành vi là phù hợp. Điều này sẽ làm cho các quyết định rõ ràng hơn cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan Nhà nước trong việc áp dụng quy định pháp luật.

Luật sư nghĩ sao về quy định về thủ tục, trình tự xử lý các vi phạm hành chính được quy định trong dự thảo Nghị định 131 sửa đổi?

Tôi nhận thấy các quy định về thủ tục cũng như là trình tự xử lý vi phạm hành chính đã được quy định khá đầy đủ và những quy định này tương ứng với những quy định về thủ tục, trình tự xử lý trong lĩnh vực khác có liên quan, đó là lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Tôi đánh giá rất cao các quy định này.

Dự thảo Nghị định đưa ra một phương án là không quy định về thủ tục, trình tự xử lý ở trong Nghị định mới mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ áp dụng các quy định pháp luật có liên quan. Tôi cũng không đồng tình lắm với phương án này.

Bởi vì, hiện bây giờ chúng ta vẫn có cơ chế để xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan tại nhiều cơ quan khác nhau thế nhưng, thủ tục và trình tự tại các cơ quan này đôi khi không thống nhất và cách giải thích cũng như cách hiểu, cách áp dụng pháp luật ở các cơ quan này cũng chưa thật sự nhất quán.

Chính vì thế mà tôi cho rằng, về mặt Luật nội dung cũng như là về mặt Luật thủ tục, liên quan đến thủ tục trình tự, chúng ta cũng cần phải có những quy định rất rõ ràng ở trong một văn bản pháp luật và văn bản pháp luật đó sẽ được áp dụng chung cho tất cả các cơ quan nhà nước có liên quan.

Điều này không những là tạo thuận lợi cho các chủ thể quyền trong việc họ hiểu biết về các thủ tục, trình tự đó một cách rõ ràng hơn, chuẩn bị tốt hơn cho những vụ việc của mình mà nó còn thuận tiện cho ngay chính cả các cơ quan nhà nước trong việc thi hành pháp luật liên quan để những thủ tục trình tự như vậy.

Xin cảm ơn Luật sư!

Sau 10 năm thi hành Nghị định 131, tổng số tiền xử lý hành vi vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan đạt 12,8 tỷ đồng.

Trong khi đó, cùng với sự phát triển của xã hội, internet, một số hành vi vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, nhất là các hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố vào mục đích thương mại nhưng không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác. Các quy định xử lý vi phạm hiện hành không còn phù hợp, chưa đủ sức răn đe, chưa tương xứng với mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

Với những đề xuất mới của Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan có khắc phục những bất cập nêu trên?

Bạn có ý kiến gì về các quy định mới của Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan ? Nếu được ban hành, các quy định mới của Dự thảo Nghị định có làm hạn chế những vi phạm về quyền tác giải, quyền liên quan?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo VOVGIAOTHONG.VN

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận