Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trước đó cũng đề xuất mở rộng thêm từ 4 lên 6 làn xe. Vậy điều gì đặt ra khi các tuyến cao tốc vừa mới đưa vào khai thác đã phải mở rộng? PV VOVGT đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Trưởng bộ môn Đường bộ, Trường ĐH GTVT Hà Nội xung quanh nội dung này:
PV: Thời gian gần đây, một số địa phương liên tục có những đề xuất mở rộng các tuyến cao tốc dù mới được đưa vào khai thác hơn 1 năm, ông nghĩ sao về điều này?
PGS.TS Nguyễn Quang Toản: Cao tốc khi đưa vào khai thác khoảng 5- 10 năm mà đã phải đặt vấn đề nâng cấp, mở rộng thêm làn xe là một thiếu sót của cả tư vấn và người quyết định đầu tư.
Trách nhiệm của tư vấn cũng có nhưng không nhiều, tư vấn thì người ta chỉ tham mưu cho rằng con đường ấy có thể phải bằng này làn xe. Bởi vì nhiệm vụ đầu tư là nhiệm vụ của cơ quan chủ quản, như là Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT sẽ đưa ra quyết định quy mô đầu tư đến bao nhiêu. Chính phủ, Bộ GTVT thậm chí cả Quốc hội quyết định chỉ đầu tư như thế này với cái tên nhận tiền như thế này và quy mô như thế này. Cái đó phải dung hòa với cả hai.
Nhưng khi chúng ta phát triển đường cao tốc, vốn của chúng ta không nhiều, rất có hạn, trong khi nhiệm vụ làm đường cao tốc nhiều. Bên cạnh đó là sự phát triển nóng của nền kinh tế, khó ai có thể đoán được trong một số năm lưu lượng xe chạy có thể tăng 10-20%. Ít quốc gia trên thế giới có lượng xe chạy trên đường cao tốc tăng như vậy, cho nên bản thân tư vấn nếu không phải là từ một số quốc gia phát triển thì rất khó hình dung và đưa ra dự báo.
Nâng cấp đường cao tốc mở rộng thêm làn xe đường cao tốc là một việc cực kỳ khó khăn và tốn kém chứ không phải là đơn giản. Cho nên những quốc gia phát triển, khi phát triển đường cao tốc, người ta luôn tính lưu lượng xe khoảng 25 năm sau. Lưu lượng xe chạy trên đường cao tốc không chỉ phụ thuộc vào đường cao tốc này mà phụ thuộc vào cả mạng lưới đường, trong đó có mạng lưới đường cao tốc và mạng lưới đường ô tô thông thường.
Thông thường, người ta phát triển dần, người ta tăng số lượng đường chứ không mấy khi tăng số làn xe trên một tuyến đường cao tốc. Ví dụ như nếu người ta thấy đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng quá tải thì người ta sẽ làm một con đường cao tốc khác, song song, hãn hữu người ta làm thêm làn xe.
Nhưng mà cái này nó lại không đúng với cái hiện nay người ta đang đặt vấn đề, những đường cao tốc có 2 làn xe hoặc có 4 làn xe chạy hai bên; nhưng không có làn dừng khẩn cấp. Đấy là một thiếu sót hay là một cái chúng ta đầu tư chưa hoàn chỉnh thì bây giờ chúng ta phải đầu tư tiếp, chứ không phải là nâng cấp đường cao tốc.
PV: Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng thêm hàng nghìn km đường cao tốc. Tuy nhiên, để tránh tình trạng thực hiện phân kì đầu tư và liên tục mở rộng, điều chỉnh, theo ông cần làm gì?
PGS.TS Nguyễn Quang Toản: Khi kết luận chất lượng khai thác của đường cao tốc không tốt, tốc độ chạy chậm, tai nạn giao thông tăng lên lúc bấy giờ lại phải lập dự án khác để chia sẻ bớt lưu lượng để chia sẻ bớt sang đường cao tốc sẽ xây dựng sau này.
Để xây dựng đường cao tốc thì cái quan tâm nhất hiện nay, đấy là vấn đề quy hoạch, cái mà chúng ta phải làm và hiện nay người ta đã làm nhưng mà làm tốt thì chúng ta nói rằng có lẽ là do điều kiện khách quan chưa thể làm tốt được. Phải lập quy hoạch mạng lưới đường cao tốc tốt nhưng mà quy hoạch này nó phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế và phát triển của toàn bộ mạng lưới đường giao thông, trong đó không phải chỉ ô tô mà nó còn đường sắt, đường thủy, đường hàng không.
Bài toán này có thể giải được nhưng chúng ta có thể tham khảo thế giới. Nhiều quốc gia đã có vài trăm năm phát triển hệ thống đường cao tốc, người ta có thời gian hoàn chỉnh dần, lượng xe cũng tăng dần, không tăng quá nóng như chúng ta.
Bây giờ, Việt Nam mới phát triển, chúng ta mới làm được một số đoạn đường cao tốc thì sẽ cảm thấy rất nhanh. Nhưng kiên trì trong vài ba chục năm, chúng ta có một hệ thống đường cao tốc hoàn chỉnh và lượng xe cũng tăng chậm lại, giao thông trên đường cao tốc sẽ không bị quá tải về chất lượng tốt lên.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!
Hải Hà/VOV Giao thông