Nâng cấp bệnh viện để người Việt không phải ra nước ngoài chữa bệnh

Nâng cấp bệnh viện, kỹ thuật y tế... không chỉ đáp ứng việc khám chữa bệnh của người dân mà còn thu hút Việt kiều, người nước ngoài về nước khám, chữa bệnh.

 

Trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021- 2023, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Y tế đã đề xuất nâng cấp các bệnh viện hạng đặc biệt thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế để giảm số người phải ra nước ngoài, thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam. Việc nâng cấp phải đồng nghĩa với giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, đảm bảo cơ sở vật chất, nhân lực y tế...

Cùng với đó, từ ngày 15/8, các bệnh viện công điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư 13 của Bộ Y tế về quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Cụ thể, mức giá mỗi lượt khám là 500.000 đồng, tiền giường nằm 4 triệu đồng một ngày. Theo các bệnh viện, Thông tư này cho phép dải giá rộng, nhằm tạo điều kiện cho các bệnh viện điều chỉnh mức giá phù hợp với từng cơ sở mang lại lợi ích cho cả người bệnh và cán bộ nhân viên y tế.

Ghi nhận tại Bệnh viện Mắt Trung ương, trưa 21/8, tại quầy mua phiếu khám dịch vụ GS-PGS-Trưởng khoa, người bệnh xếp hàng dài từ trước giờ vào làm việc ca chiều. Với giá khám GS-PGS-Trưởng khoa là 600.000 đồng/người, nhiều bệnh nhân từ các địa phương đều không ngần ngại lựa chọn, xếp hàng chờ đợi để mua phiếu khám.

Anh Đ (Nam Định), lần đầu đưa mẹ già lên khám mắt tại Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, sau khi đến bệnh viện, anh đã được nhân viên hướng dẫn và các bệnh nhân khác chia sẻ về các dịch vụ khám hay khu vực xếp hàng... Theo đó, anh quyết định lựa chọn khám GS-PGS-Trưởng khoa cho mẹ mình.

“Tôi lựa chọn khám GS-PGS-Trưởng khoa vì sẽ thấy yên tâm hơn, dù các bác sĩ khác khám cũng tốt. Tôi đưa mẹ từ xa đến nên cảm thấy đã mất công đi khám thì khám thật tốt”, anh Đ nói.

Cùng xếp hàng chờ mua phiếu khám với anh Đ, có cả những bệnh nhân khám lần đầu và tái khám đều lựa chọn khám GS-PGS-Trưởng khoa. Có bệnh nhân cho biết, trong trường hợp hết phiếu sẽ chuyển khám dịch vụ bình thường.

Hiện Việt Nam ước đạt 12,5 bác sĩ, 32 giường bệnh, 3,1 dược sĩ đại học và 15 điều dưỡng trên 10.000 dân. So với kế hoạch đề ra đến năm 2025, đây là con số chênh lệch rất lớn. Trong quy hoạch thời gian tới, đối với bệnh viện chuyên khoa tuyến Trung ương trên 1.000 giường bệnh, suất vốn đầu tư sẽ là hơn 4,42 tỷ đồng cho một giường bệnh, trong đó chi phí xây dựng là gần 2,2 tỷ đồng, còn chi phí thiết bị là hơn 2 tỷ đồng. Mỗi suất vốn đầu tư bao gồm chi phí xây dựng các công trình khám, điều trị bệnh nhân (ngoại trú, nội trú, phòng mổ, xét nghiệm, khoa dược…) và các công trình phục vụ (bếp, kho, nhà để xe, khu hậu cần…), chi phí trang thiết bị y tế hiện đại và đồng bộ phục vụ khám, chữa bệnh, phục vụ sinh hoạt, nghỉ ngơi của nhân viên y tế, bệnh nhân.

Theo Bộ Y tế, các cơ sở y tế quốc gia cần được đầu tư theo hướng mở rộng quy mô về giường bệnh và diện tích mặt bằng, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị để thực hiện các chức năng nhiệm vụ của cơ sở y tế cấp quốc gia. Các bệnh viện tuyến Trung ương cần phải được nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực; trong đó cần chú trọng đầu tư hệ thống giường bệnh hồi sức tích cực: đầu tư nâng cấp cả các trang thiết bị, hạ tầng đồng bộ… Bên cạnh đó, cần tăng quy mô đào tạo của các trường đại học y dược để đảm bảo nhu cầu về nguồn nhân lực.

Trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021- 2023, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Y tế đã đề xuất nâng cấp các bệnh viện hạng đặc biệt thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định, các bác sĩ của Việt Nam hiện nay đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao, không thua kém các nước. Điển hình như các kỹ thuật về ghép gan, ghép thận, ghép tim, chữa khớp, mổ nội soi, phẫu thuật mắt, kỹ thuật chẩn đoán nha khoa, thụ tinh trong ống nghiệm, điều trị đột quỵ…

Hiện nay, Việt Nam có 6 bệnh viện hạng đặc biệt là: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy; trừ Bệnh viện Trung ương quân đội 108, 5 bệnh viện còn lại trực thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế.

Với các bệnh viện hạng đặc biệt như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai đang phải “gánh”công việc rất lớn; không chỉ cần thiết đầu tư chuyên sâu về chuyên môn mà phải nâng cấp cả về cơ sở vật chất, giảm tải bệnh viện... Cùng với đó, sự phát triển về kỹ thuật y tế sẽ không chỉ đáp ứng khám chữa bệnh cho người dân trong nước, mà còn thu hút nhiều người nước ngoài, người Việt ở nước ngoài về nước khám, chữa bệnh.

Trao đổi trước đó với báo chí về việc áp dụng Thông tư 13 của Bộ Y tế, PGS.TS.BS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh viện đã điều chỉnh, thu giá khám giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ cao cấp là 400.000 đồng; khám tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 350.000 đồng, còn thạc sĩ, bác sĩ khám là 300.000 đồng. Như vậy, giá mới tăng gấp đôi, gấp ba lần so với trước tùy loại hình.

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng, một bộ phận người dân đi nước ngoài khám chữa bệnh, tiêu tốn nguồn lực tài chính rất lớn. Trong khi đó, chuyên môn của bác sĩ ở Việt Nam, đặc biệt ở bệnh viện tuyến cuối, không thua kém so với bệnh viện trên thế giới, song chưa phát huy được hết tiềm năng.

“Nếu thực hiện khám chữa theo yêu cầu tốt, sẽ giữ chân bệnh nhân, tiết kiệm nguồn lực cho người dân và đất nước”, Giám đốc Bệnh viện Bạch mai nói.

Thiên Bình/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận