Trang bị kỹ năng sinh tồn như thoát nạn, PCCC liệu đã được quan tâm đúng mức?

Theo TS Đặng Xuân Trọng việc trang bị những kỹ năng sinh tồn như kỹ năng thoát hiểm, PCCC thật sự chưa được sự quan tâm đúng mức do nhiều nguyên nhân khác nhau.

 

 

Đêm 12/9, đã xảy ra trận hỏa hoạn kinh hoàng tại chung cư mini địa chỉ số 37 ngõ 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm hàng chục người chết và bị thương.

Hiện nhiều nạn nhân vụ cháy đang được cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố như Đại học Y Hà Nội; Bạch Mai, Đa khoa Hà Đông, Quân y 103...

Theo các cơ quan chức năng, những nạn nhân bị tử vong, hoặc bị thương nặng chủ yếu do ngạt khói, hít phải lượng lớn khí độc trong đám cháy hoặc quá hoảng loạn nhảy từ trên cao xuống. Cũng trong vụ cháy chung cư mini tại phường Khương Hạ, một số hộ dân biết cách thoát nạn khi đám cháy xảy ra đã được an toàn. Từ những vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng như trên, một lần nữa cần nhìn lại công tác trang bị các kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn cho người dân hiện nay.

TS Đặng Xuân Trọng, chuyên gia về lĩnh vực an toàn đã có cuộc trao đổi với VOV.VN về nội dung này.

PV: Thưa chuyên gia, ông đánh giá thế nào về những kỹ năng thoát hiểm của người dân hiện nay khi có cháy?

TS Đặng Xuân Trọng: Kỹ năng thoát hiểm nói chung và khi có cháy nói riêng trong mọi hoạt động của đời sống xã hội rất quan trọng và là yêu cầu cấp thiết. Tuỳ từng điều kiện, môi trường, tình huống, cấp độ, mức độ... để đòi hỏi mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phải chủ động các giải pháp và có những phản ứng, kỹ năng nghiệp vụ nhất định. Điều đó có ý nghĩa đặc biệt để ngăn ngừa, giảm thiểu thiệt hại, ảnh hưởng từ các sự cố.

Chúng ta thường nhận định rằng người dân chưa có kỹ năng hay phản ứng trước mỗi sự cố, điều này chưa hoàn toàn đúng bởi kỹ năng thoát hiểm phụ thuộc từng tình huống cụ thể. Vì khi nói đến cháy, tiêu lệnh đầu tiên là báo cháy, vậy báo cháy bằng cách nào, hô hoán, "la hét" hay có sẵn các thiết bị báo cháy, báo khói tự động, hiện đại hoặc 1 biện pháp cơ bản nào đó trong mỗi khu vực sinh hoạt và làm việc như chuông, bộ đàm, nút dừng khẩn cấp. Mọi người thường nói "cháy là chạy", vậy chạy đi đâu, lên hay xuống, chạy lối nào,... điều này liên quan đến tổ chức mặt bằng, biển báo, chỉ dẫn, thang, lối thoát hiểm, hành lang, ban công, cửa sổ, thang phòng cháy..., khu vực tập trung..., hay các dụng cụ, thiết bị khác (như thang leo, thang dây) hoặc các thiết bị phương tiện bảo vệ cá nhân (mặt nạ phòng độc, dây bảo hiểm, thiết bị ngăn khói) sử dụng trong khi thoát ra khỏi đám cháy, khu vực cháy...

TS Đặng Xuân Trọng cho rằng, việc trang bị những kỹ năng sinh tồn như kỹ năng thoát hiểm, PCCC thật sự chưa được sự quan tâm đúng mức do có nhiều nguyên nhân khác nhau.Kỹ năng cũng khác với phản ứng hay phản xạ, bởi kỹ năng là phải thông qua nhận thức (nhận diện, đánh giá rủi ro), đào tạo, hướng dẫn, diễn tập để trở thành những thói quen đúng, hành động đúng, phương pháp đúng và phù hợp.

Hơn nữa, kỹ năng thoát hiểm còn phụ thuộc vào tâm lý, sức khoẻ, độ tuổi, giới tính... và các yếu tố khác.

PV: Việc trang bị những kỹ năng sinh tồn như thoát hiểm, phòng cháy chữa cháy, hiện nay đã được quan tâm đúng mức chưa, thưa ông? Một số ý kiến cho biết, trong các buổi tập huấn tuyên truyền về PCCC tại các khu dân cư, rất ít người tham gia, chỉ khi những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra, mọi người mới lo lắng về vấn đề an toàn. Ông nghĩ sao về điều này?

TS Đặng Xuân Trọng: Việc trang bị những kỹ năng sinh tồn như kỹ năng thoát hiểm, PCCC thật sự chưa được sự quan tâm đúng mức do có nhiều nguyên nhân khác nhau.

Chúng ta thường chỉ quan tâm khi sự cố đã xảy ra và các giải pháp đều mang tính "khắc phục hậu quả". Bài học đau xót về các sự cố cháy ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cháy chung cư, cháy nhà dân... đã xảy ra rất nhiều gây thiệt hại về người và tài sản.

Thậm chí nhiều sự cố "đã được dự báo trước" nhưng sự quan tâm của cả xã hội và người dân vẫn còn chủ quan, xem thường mặc dù các quy định của Luật pháp cũng đã được ban hành, điều chỉnh, rà soát bổ sung, kể cả những chế tài xử lý. Nhưng những giải pháp từ hạ tầng kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị cứu hộ về phòng cháy, chữa cháy thật sự vẫn chưa căn cơ, đồng bộ, hiệu quả và các sự cố cháy "vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ" gây bất an trong dư luận xã hội và là nỗi lo sợ, khiếp đảm của mỗi người dân.

Người dân chưa quan tâm đến các buổi diễn tập PCCC cũng có nhiều lý do khác nhau, trước hết là nhận thức chưa đầy đủ. Hơn nữa hình thức, nội dung, thời gian, phương pháp tuyên truyền, huấn luyện cũng là vấn đề cần quan tâm, bởi nó phải gắn với thực tế về môi trường và điều kiện cụ thể tại mỗi khu vực làm việc và khu dân cư.

PV: Theo chuyên gia, cần giải pháp gì để lồng ghép kỹ năng phòng cháy chữa cháy, thoát nạn khi có cháy trong đời sống hàng ngày cho người dân?

TS Đặng Xuân Trọng:  Để trang bị và hướng dẫn những kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn khi có cháy trong đời sống hàng ngày cho người dân chúng ta phải đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền để đem lại hiệu quả.

Ngoài việc vận động, hướng dẫn, phải ban hành nội quy, quy định và các biện pháp giám sát cụ thể. Ví dụ như các thiết bị điện ngay từ khi sản xuất, lưu thông phải có nhãn mác, cảnh báo an toàn về cháy nổ, phải có hướng dẫn sử dụng và khuyến cáo về thời hạn bảo trì cũng như sử dụng. Hoặc các khu vực dễ cháy nổ, nguy cơ cao, điều kiện cứu hộ khó khăn phải kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây cháy, phát sinh cháy và có biện pháp giám sát kịp thời cũng như quy định phải có giấy phép làm việc.

Phải làm sao cho mỗi người dân hiểu, nhận thức đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình để phòng cháy trở thành thói quen, thành ý thức tự giác cũng như xây dựng mỗi hộ gia đình, mỗi cộng đồng dân cư là một khu vực văn hoá an toàn trong phòng cháy. 

PV: Để nâng cao kiến thức, kỹ năng về PCCC cho đối tượng học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, thời lượng tổ chức các hoạt động bổ trợ, diễn tập về phòng cháy chữa cháy đối với trẻ em mầm non tối thiểu là 01 buổi/năm học; Đối với học sinh phổ thông, học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên tối thiểu là 02 buổi/năm học; Đối với sinh viên tối thiểu là 03 buổi/năm học.

Nhiều ý kiến cho rằng, thời lượng này còn quá ít để học sinh, sinh viên nắm chắc và thực hành được các kỹ năng khi có hỏa hoạn xảy ra. Ông nghĩ sao về điều này?

TS Đặng Xuân Trọng: Cháy nổ là một hiểm hoạ, luôn tồn tại trong đời sống xã hội, việc quy định thời gian học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, đào tạo phải được hướng dẫn kỹ năng về PCCC và cứu nạn, cứu hộ là cần thiết. Song chúng ta chỉ nên quy định thời gian tối thiểu chung còn tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế và môi trường cũng như các điều kiện khác.

Tuy nhiên nội dung phòng cháy, chữa cháy hay cứu hộ, cứu nạn đều có xuất hiện trong mỗi chương trình của các môn học, đặc biệt là các ngành nghề, công việc khối kỹ thuật hoặc sản xuất; họ phải được đào tạo chuyên sâu hơn, bài bản hơn trong từng tài liệu, giáo trình..., thậm chí trong từng bài học. Về việc này, nhà trường cần có sự phối kết hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên ngành hoặc chuyên môn để có hình thức, phương pháp hướng dẫn, đào tạo linh hoạt, hiệu quả. Đồng thời cần phải khuyến khích, có cơ chế phù hợp trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học, hợp tác quốc tế bằng các mô hình, đề tài, toạ đàm, hội nghị và các giải pháp khoa học hữu hiệu để ứng dụng vào thực tế của đất nước.

PV: Ngoài các kỹ năng cần thiết để thoát hiểm, theo ông, người dân cần trang bị những vật dụng nào trong gia đình để có thể kịp thời xử lý và thoát hiểm khi có cháy, việc mua các thiết bị này cần chú ý điều gì để đảm bảo chất lượng?

TS Đặng Xuân Trọng: Giải pháp phòng cháy hiệu quả nhất chính là ngay từ khi thiết kế công trình, nhà ở mỗi người dân cần phải tìm hiểu, nghiên cứu rõ quy định của pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC để chủ động có giải pháp cho gia đình và người thân đảm bảo an toàn trong PCCC.

Tuỳ theo điều kiện cụ thể, mỗi người dân cần quan tâm đặc biệt đến lối thoát hiểm, đảm bảo khoảng cách, cự li an toàn với các thiết bị dễ phát sinh cháy nổ như điện, ga, xăng, dầu, hoá chất.

Sắp xếp xe cộ, các các chất dễ cháy như quần áo, chăn màn, giấy, vải... khoa học, ngăn nắp, tránh xa nguồn lửa và nguồn phát sinh tia lửa điện (cầu dao điện, pin, sạc dự phòng...).

Ngoài các thiết bị PCCC tại chỗ như bình cứu hoả, đầu báo cháy, người dân cũng cần trang bị thêm mặt nạ phòng độc, mặt nạ chống khói, búa thoát hiểm, thang dây inox, thang dây thoát hiểm hạ chậm, mền chống cháy nổ...

Mỗi hộ gia đình cũng cần tự vẽ, lập "sơ đồ" PCCC và các thông tin an toàn cháy nổ cần thiết, phù hợp với điều kiện sống thực tế của mình.

Khi mỗi người dân đều nâng cao ý thức phòng cháy và mỗi gia đình đều chủ động các biện pháp phòng cháy thì chắc chắn cả cộng đồng dân cư sẽ an toàn, bình yên và hạnh phúc. Chúng ta hay mỗi người dân Thủ đô sẽ không phải bất an, túc trực mỗi khi nghe tiếng còi hú của lực lượng PCCC trong đêm và không phải chứng kiến những nỗi đau mất mát không gì bù đắp được.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Trang/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận