Người mua hoặc thuê các căn hộ trong đó sẽ đối mặt những rủi ro nào? Trật tự an toàn xã hội sẽ phát sinh những vấn đề gì?
Nhiều năm sinh sống tại "chung cư mini" trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thúy Nhung (ở Nam Trực, Nam Định) vẫn ấp ủ ước mơ sở hữu căn hộ chung cư đang thuê.
Dù biết "chung cư mini" không đảm bảo những yêu cầu tối thiểu, song chị Nhung cho rằng, chỉ khi hợp pháp hóa việc sở hữu chung cư, người dân mới phần nào yên tâm: "Bỏ ra khoảng 100m2 mà họ xây được khoảng hai mấy phòng, nhưng người ta nói luôn là ở đây hệ thống phòng cháy chữa cháy đạt tiêu chuẩn là gần như không được. Em thấy như thế là rủi ro".
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nếu không hợp thức hóa hình thức "chung cư mini", những người đã bỏ tiền mua sẽ gặp rất nhiều rủi ro, trước hết là giấy chứng nhận quyền sở hữu. Đó là chưa kể các quyền lợi khác về học hành, cư trú, khám chữa bệnh…:
"Rất nhiều hệ lụy xảy ra với người mua, khi họ mua bán sẽ bị bắt bí. Thứ hai là cư trú, họ sống ở đấy cũng trên nền tảng không có gốc gác gì cả, để đăng ký hộ khẩu hoặc tạm trú cũng phức tạp.
Về bản chất, các điều kiện, tiêu chuẩn sống trong nhà đấy, để ở nó phải theo các quy định của pháp luật, phải đảm bảo về môi trường, về phòng cháy… Rất nhiều các điều kiện, tiêu chuẩn mà họ sống đang sống không đạt các tiêu chuẩn đó thì đấy chính là những rủi ro rất lớn".
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội cho rằng, "chung cư mini" đang tạo ra một phân khúc cho người có thu nhập thấp. Theo TS Nguyễn Đức Lộc, nếu không hợp lý hóa, người dân sẽ tìm cách đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp một cách tự phát, không theo quy chuẩn nào cả.
Dẫn chứng việc thiết kế những khu nhà ở cho người thu nhập thấp có diện tích phòng rất nhỏ, nhưng hành lang rất rộng tại Singapore, TS Nguyên Đức Lộc cho rằng, việc hợp lý hóa hình thức "chung cư mini", cùng với các tiêu chuẩn kỹ thuật, về an toàn cháy nổ, cứu hộ cứu nạn… sẽ giảm thiểu rủi ro cho những người sinh sống trong các căn hộ này:
"Các cơ quan chức năng nên đưa ra các tiêu chuẩn và giám sát thực hiện các tiêu chuẩn đó để tránh các rủi ro cho sau này. Có thể phòng ở nó hẹp nhưng các tiện ích xung quanh phải đảm bảo, tránh trường hợp để chon hu cầu tự phát, nó sẽ không có một tiêu chuẩn nào thì khi những rủi ro nó xảy ra thì mọi thứ đã trễ rồi".
Dù rất mong muốn hợp pháp hóa "chung cư mini", song TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng điều này rất phức tạp, vì phải sửa rất nhiều quy định pháp luật.
Tuy vậy, thực hiện việc hợp pháp hóa, các chủ đầu tư "chung cư mini" sẽ có cơ sở pháp lý, luật hóa thêm trách nhiệm của họ; đáp ứng nhu cầu tất yếu và chính đáng của một lượng rất lớn cư dân đô thị thu nhập chưa cao.
Điều kiện, quy chuẩn về mật độ cư trú phải khác, tiêu chuẩn an toàn phải khác chứ không thể như hiện tại
"Mình không ủng hộ việc công nhận thực trạng hiện nay, mà ủng hộ một sự chuẩn bị kỹ càng hơn, tức là vẫn có thể công nhận một dạng thức "chung cư mini", nhưng ngoài quy định về phòng cháy chữa cháy, số người, đặc biệt phải quản chặt số người cư trú trong "chung cư mini" đó. Ví dụ ở Mỹ, "chung cư mini" được gọi là studio, thường chỉ dùng cho cá nhân hoặc cặp đôi, chưa có con cái hay gia đình".
Luật sư Lê Văn Thiệp, Giám đốc Văn phòng luật sư Toàn Cầu (Hà Nội) cho rằng, mặc dù "chung cư mini" đã được thừa nhận bằng việc cấp sổ hồng, tuy nhiên hầu hết các căn nhà này đều thiếu những điều kiện tối thiểu để người dân có thể sinh sống an toàn.
Theo luật sư Lê Văn Thiệp, Bộ Xây dựng cần ban hành một văn bản mới, với những điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật riêng và chỉ những công trình đáp ứng các điều kiện đó mới được phép vận hành:
"Bộ Xây dựng phải đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện để hình thành, đặc biệt là tiêu chuẩn kỹ thuật để nó đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam về phòng cháy chữa cháy, về an toàn, động đất…
Rõ ràng phải sửa đổi lại Luật, tìm ra một mô hình để đưa ra khái niệm và ban hành các văn bản để các chủ thể đáp ứng được các điều kiện ấy để nó dảm bảo tính mạng, sức khỏe cũng như tài sản của người dân".
Từ vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như ở Thanh Xuân, Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, không còn cách nào khác, các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền các địa phương, nhất là Hà Nội và TP.HCM phải nhanh chóng có các giải pháp kịp thời để thiết kế các quy định quản lý, dù việc này sẽ mất rất nhiều công sức và thời gian.
Nếu công nhận sự tồn tại của loại hình nhà ở này, bắt buộc phải đi kèm các điều kiện, tiêu chuẩn về an toàn, về phòng cháy để đảm bảo tính mạng, tài sản của những người cư trú trong đó, thay vì thả nổi để người dân luôn thấp thỏm, thậm chí đối diện nguy cơ đe dọa tính mạng khi sự cố, hỏa hoạn xảy ra, và không chỉ vậy, trật tự an toàn, an sinh xã hội cũng có nguy cơ phải gánh rất nhiều hậu quả.
Quách Đồng/VOV-Giao thông