Thành phố Hà Nội có trên 620km đê, đi qua địa bàn của 26 quận, huyện, thị xã. Với tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, nhu cầu về đất đai, vật liệu xây dựng rất lớn, cộng với việc nhiều năm gần đây không xảy ra lũ lớn, nên chính quyền địa bàn có đê có tâm lý chủ quan, thiếu quyết liệt trong việc xử lý các vi phạm pháp luật đất bãi ven đê.
Tình trạng buông lỏng quản lý về đất đai, trật tự xây dựng, đê điều, để cho các tổ chức, cá nhân lấn chiếm đất đai, cho thuê đất trái thẩm quyền, tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng công trình, xây dựng trạm trộn bê tông, khai thác tài nguyên cát, tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, đổ thải, san lấp bãi sông, lòng sông,... đã ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ. Nhiều vụ việc xử lý kéo dài trong nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ công tác.
Tại Kết luận Thanh tra trách nhiệm đối với 20 vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thanh tra Hà Nội nêu có tới 13 vụ việc chưa xử lý xong. Đơn cử, tại khu vực đất bãi ven sông Hồng thuộc địa bàn phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), Công ty Cổ phần Đầu tư Sông Đà -Việt Đức sử dụng diện tích 21.422m2 đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp ở bãi sông Hồng được UBND phường Lĩnh Nam giao cho các hộ dân theo Nghị định 64/NĐ-CP. Trong quá trình sử dụng, đơn vị này xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp, san lấp mặt bằng, lắp đặt trạm trộn bê tông. Các công trình vi phạm gồm 2 trạm trộn bê tông, si lô và các thiết bị, công trình nhà cấp 4, công trình khung cột sắt, bãi tập kết vật liệu, xe ô tô bồn…
Thanh tra Hà Nội xác định trách nhiệm để xảy ra sai phạm là của UBND phường Lĩnh Nam. Từ năm 2010-2015, UBND phường Lĩnh Nam không phát hiện, ngăn chặn hành vi xây dựng trạm trộn và các công trình của Công ty CP Sông Đà - Việt Đức.
Cũng theo kết luận thanh tra, từ tháng 11/2015 đến tháng 8/2017, sau khi nhận được hồ sơ do Hạt quản lý đê điều số 3 chuyển, UBND phường Lĩnh Nam không có biện pháp ngăn chặn, không thực hiện trình tự thủ tục hành chính, không báo cáo UBND quận Hoàng Mai…
Ghi nhận của phóng viên, thời gian qua tại các địa bàn phường Thanh Trì, Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) vẫn tồn tại các vi phạm sử dụng đất bãi ven đê sông Hồng. Đơn cử như dưới chân cầu Thanh Trì thuộc địa bàn phường Thanh Trì hàng loạt kho bãi phương tiện vận tải ra vào tấp nập bốc xếp hàng hoá, diện tích hàng nghìn m2 đất trở thành bãi tập kết xử lý phế thải rắn, thậm chí cả bãi tập xe không phép vẫn hoạt động… Tương tự trên địa bàn phường Lĩnh Nam cũng có hàng loạt kho bãi, trạm trộn bê tông… vẫn đang tồn tại.
Liên quan đến việc xử lý vi phạm trên đất bãi ven đê sông Hồng trên địa bàn phường quản lý theo Kết luận thanh tra thành phố Hà Nội, ông Trần Việt Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam thừa nhận, đến nay các vi phạm chưa xử lý dứt điểm. Đối với hiện trạng đất ngoài khu dân cư, hiện các doanh nghiệp đang sử dụng làm kho bãi, ông Cường cho biết, cách đây 10 năm - 20 năm, các vị trí kho bãi thuê lại đất nông nghiệp của dân. Đây là một phần đất tự khai hoang. Thời điểm đó mới thành lập quận hoặc chưa thành lập quận, khi ấy là xã Lĩnh Nam, huyện Thanh Trì, Luật Đất đai còn chưa hoàn chỉnh, công tác quản lý đất đai còn chưa sâu sát như bây giờ.
“Với trách nhiệm nhà nước quản lý địa bàn, phường không để phát sinh những công trình mới. Tất cả kho bãi, trạm trộn bê tông vẫn nguyên trạng. Quận bàn giao hiện trạng cho các phường có đê trên địa bàn phải chịu trách nhiệm”- ông Cường cho biết.
Cũng theo ông Trần Việt Cường, phía Công ty Sông Đà - Việt Đức đã hoàn thiện hồ sơ xin thuê đất trình lên Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nhưng qua nhiều thời kỳ lãnh đạo Sở này vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Đây là vướng mắc trong Luật Đất đai sửa đổi, mặc dù nhu cầu của doanh nghiệp, người dân là có. Tuy nhiên đối chiếu với các quy định hiện có rất khó làm, không được thuê bởi chưa có quy hoạch thì chưa thể thực hiện việc cho thuê như thế nào.
Ông Cường cho biết, chính quyền địa phương cũng đang lúng túng, đã báo cáo UBND quận Hoàng Mai nhiều lần nhưng đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể mà mới chỉ dừng lại ở hướng dẫn của phòng tư pháp. “Vì không có hướng dẫn nên chúng tôi chưa thể ký quyết định cưỡng chế”, ông Cường nói./.
Theo VOV.VN