Những năm qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (MTQG GNBV) luôn được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân huyện Yên Định đặc biệt quan tâm; luôn nhận được sự lãnh đạo toàn diện của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; trực tiếp, thường xuyên của Ban Thường vụ Huyện ủy và sự quản lý, điều hành của UBND huyện.
Thoát nghèo là cả quá trình dài...
Lãnh đạo huyện xác định phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài. Thoát nghèo không phải một sớm một chiều mà là cả một hành trình phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Từ đó, huyện đã xây dựng chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bằng những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Trên cơ sở Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI nhiệm kỳ 2020-2025 về mục tiêu giảm nghèo của huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch hành động số 31-KH/HU, ngày 01/9/2021 về việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Quyết định số 262-QĐ/HU ngày 22/6/2022 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn huyện Yên Định giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 432- QĐ/HU ngày 05/12/2022 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn huyện Yên Định giai đoạn 2021 - 2025…
Năm 2023 được xác định là năm trọng tâm thực hiện Chương trình MTQG GNBV giai đoạn 2021 - 2025. Hiện nay, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong toàn huyện đang tích cực triển khai thực hiện kế hoạch giảm nghèo năm 2023. Trong năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã xây dựng chỉ thị, nghị quyết chuyên đề, đề ra các giải pháp thiết thực tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành mục tiêu giảm nghèo cho năm 2022, làm tiền đề để tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của tỉnh trong những năm tiếp theo và đến năm 2025 góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của cả giai đoạn.
Chương trình MTQG GNBV đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân, tác động trực tiếp làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 1,56% (đầu giai đoạn) xuống còn 1,26% vào năm 2022, dự kiến giảm còn 1,06% vào cuối năm 2023, phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống dưới 0,5%.
Những giải pháp linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, bởi vậy, tình hình kinh tế - xã hội, công tác giảm nghèo của huyện Yên Định đạt những kết quả tích cực. Chương trình giảm nghèo cùng với các Chương trình mục tiêu Quốc gia được triển khai thực hiện hiệu quả đã có tác động tích cực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm, từ 9,7% năm 2015 giảm xuống còn 0,77% năm 2021 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020).
Năm 2022, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, số hộ nghèo toàn huyện hiện còn 617 hộ, tỷ lệ 1,26%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,3%, từ 1,56% xuống còn 1,26% (giảm 147 hộ nghèo) từ 764 hộ xuống còn 516 hộ), vượt mục tiêu Chương trình đề ra (mục tiêu đề ra giảm 0,25%).
Công tác đào tạo nghề cho lao động, giải quyết việc làm được chú trọng, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 76,5% năm 2021 lên 79% năm 2023; đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật.
Trong những năm qua, huyện đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trong huyện. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn huyện Yên Định tính đến 30/6/2023 là 550 đơn vị, trong đó có các doanh nghiệp lớn thu hút nhiều lao động địa phương như: Công ty TNHH giầy ALENA Việt Nam, Công ty TNHH Dệt Kim Jasan, Công ty TNHH Giày Weilina VN, Công ty TNHH Vật liệu ngành giày Hong Sheng, Công ty Cổ phần may Tatsu, Công ty TNHH HUG Vina ... giải quyết việc làm cho trên 25 nghìn lao động trong đó có trên 14 nghìn lao động địa phương. Mức thu nhập bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp khoảng 5 đến 8 triệu đồng/tháng.
Từ thực tế của công tác giảm nghèo, huyện Yên Định tiến hành xây dựng và triển khai Đề án “Giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Yên Định giai đoạn 2022 - 2025” trong đó đề ra các giải pháp cụ thể, đặc biệt là quan tâm thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2023, toàn huyện không còn nhà tạm, nhà dột nát, hư hỏng nặng; đảm bảo các hộ gia đình có nhà ở an toàn, ổn định, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
Những kết quả đã đạt được trong công tác giảm nghèo bền vững của huyện Yên Định đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 19 đã đề ra mục tiêu: Giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới mỗi năm giảm bình quân 1,5% trở lên.
…Người dân là chủ thể
Các chính sách, giải pháp giảm nghèo đã được triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống người dân đến từng hộ gia đình, mở ra cơ hội cho hàng ngàn người nghèo có vốn sản xuất, có việc làm để tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống vật chất cũng như tinh thần góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Cùng với việc sử dụng tốt các nguồn lực từ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, huyện Yên Định cũng chú trọng tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo phát huy tính tự chủ, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Đây được xem là giải pháp căn cơ, là điều kiện để giảm nghèo nhanh và bền vững.
Hiệu quả từ công tác tuyên truyền của các cấp các ngành cùng với phát huy truyền thống yêu nước, có ý chí vươn lên, tích cực tham gia phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức để vượt lên trên đói nghèo, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình, ngày càng nhiều tấm gương về làm kinh tế giỏi được địa phương ghi nhận.
Gia đình ông Trịnh Xuân Nam, ở thôn Trịnh Xá 3, xã Yên Ninh, huyện Yên Định được sự tuyên truyền vận động và tạo điều kiện của các cấp chính quyền đã tập trung xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Gia đình ông đã chuyển đổi thành công vùng đất vốn là vùng chiêm trũng, trồng lúa khó khăn, không hiệu quả sang xây dựng trang trại tổng hợp, với quy mô gần 10 ha.
Bình quân hằng năm, trang trại tổng hợp của ông Nam có tổng doanh thu 15 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra còn tạo việc làm cho các lao động thời vụ khác với mức thu nhập bình quân 180.000 đồng/ngày.
Hay như mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Lưu Thế Lâm (xã Yên Hùng), từ một gia đình có hoàn cảnh điều kiện kinh tế khó khăn, nay gia đình ông Lâm đã trở nên khá giả; đồng thời tạo công ăn việc làm cho bà con, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Ông Lâm cho biết, với sự tuyên truyền, động viên của cán bộ phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện; sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, với diện tích trang trại trên 3ha, ông Lâm đã trồng được 300 gốc bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi tiến vua, hàng năm cho thu nhập 200 triệu đồng. Cùng với đó, gia đình ông đầu tư nuôi bò thịt, bò sinh sản, cá, 1.000 con vịt đẻ... Doanh thu từ trang trại tổng hợp hàng năm trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng.
Giai đoạn 2021 - 2023, huyện Yên Định ước tính sẽ triển khai thực hiện 18 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất. Để đạt được những mục tiêu đề ra, năm 2023 và những năm tiếp theo, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân huyện Yên Định sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Trước mắt, huyện đề ra kế hoạch: Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2023 ước đạt 66,03 triệu đồng, gấp 1,42 lần so với năm 2020 (đứng thứ 6 toàn tỉnh). Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hàng năm giảm 0,25%, phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống dưới 0,5% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025.