Chỉ khuyến khích ô tô cá nhân lắp camera giám sát để đảm bảo an toàn giao thông

Đề xuất xe cá nhân lắp camera giám sát, tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là khuyến khích để đảm bảo an toàn giao thông.

 

Liên quan đến đề xuất xe cá nhân lắp camera giám sát, tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thu hút nhiều sự quan tâm của người dân, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh - Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an lấy ý kiến có đề xuất ô tô cá nhân lắp camera giám sát nhưng sẽ không bắt buộc người dân phải lắp thiết bị trên mà chỉ khuyến khích lắp nhằm mục đích đảm bảo an toàn giao thông.

Ảnh minh họa.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, mặc dù chưa đưa vào Luật nhưng thực tế hiện nay, đã có nhiều chủ phương tiện lắp camera hành trình để tự bảo vệ mình và mọi người trong các tình huống xảy ra sự cố trên đường.

Đại diện Cục trưởng Cục CSGT cho rằng, lợi ích của việc ô tô cá nhân lắp camera hành trình là rất lớn: "Từ việc có dữ liệu hình ảnh, người dân có thể chứng minh được đúng hay sai trong các tình huống bất ngờ trên đường, có thể lưu lại bằng chứng khi có kẻ gian xâm hại xe của mình. Từ việc này, người dân sẽ có trách nhiệm cao hơn khi phát hiện người khác vi phạm thì có thể cung cấp cho cơ quan chức năng hình ảnh để xử lý, góp phần bảo vệ an toàn, sức khỏe, tính mạng của người mình và người khác. Đồng thời, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông".

Theo đó, cơ quan chức năng sẽ không thu thập dữ liệu từ các thiết bị này mà chỉ đề nghị người dân hợp tác, cung cấp khi xảy ra các sự cố trên đường hoặc ghi nhận được các sự cố của xe khác.

"Hiện các đề xuất này mới chỉ là bản dự thảo, chúng tôi sẽ chỉnh lý và ghi nhận sự đóng góp của người dân, cơ quan chức năng để đưa ra điều khoản hợp lý, khoa học và đảm bảo tính nhân văn. Mục đích lớn nhất khi cơ quan chức năng xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đảm bảo an toàn giao thông và làm giảm tai nạn. Xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hoá giao thông hiện đại, mang tính ổn định lâu dài, khắc phục được những tồn tại, yếu kém hiện nay, hướng tới tiếp cận văn hoá giao thông của các nước phát triển, đề cao bảo vệ tính mạng con người", Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh nói.

Tại Dự thảo lần 4 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi trình Quốc hội, Bộ Công an đề xuất điều kiện để xe cơ giới chuyên dùng tham gia giao thông là có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình.

Điều này có nghĩa, không chỉ ô tô kinh doanh vận tải mà ô tô cá nhân tới đây cũng bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát hành trình. Nếu trở thành luật, nó sẽ tác động tới khoảng 4 triệu ô tô cá nhân đang lưu hành trên cả nước. Khi Luật được ban hành cũng sẽ đi kèm các quy định, chế tài xử lý nếu chủ xe vi phạm.

Các chuyên gia giao thông cho rằng, đề xuất có tác động lớn đến người dân nên cần làm rõ mục tiêu, cũng như việc quản lý, hình thành, tích hợp dữ liệu thu thập. Cơ quan soạn thảo cũng nên có khảo sát, thí điểm quy trình quản lý để đảm bảo khả thi.

Trước đó, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen), thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe (camera hành trình ghi hình cabin) là yêu cầu bắt buộc đối với ô tô kinh doanh dịch vụ vận tải, kể từ tháng 7/2023. Dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát trên các xe vận tải được truyền tải về hệ thống phần mềm của Cục Đường bộ Việt Nam để phục vụ công tác quản lý.

Thực tế, dù chưa quy định, nhiều ô tô cá nhân hiện nay đã lắp camera hành trình để theo dõi, ghi lại hình ảnh xe (phía trước, sau) trong quá trình vận hành và ngay cả khi đang đỗ. Tuy vậy, đây hầu hết là camera quay ra bên ngoài, tức quan sát đường giao thông, không phải quan sát trong cabin.

Dữ liệu do camera hành trình ghi lại là cơ sở để chủ xe giải quyết các tranh chấp liên quan đến pháp lý, bảo hiểm nếu xảy ra va chạm. Tuy nhiên, dữ liệu này thuộc sở hữu cá nhân và chủ xe không có trách nhiệm phải chia sẻ cho người khác.

Dự thảo chưa có thông tin cụ thể về việc nếu bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình và camera cabin thì thông tin, hình ảnh có phải truyền về hệ thống quản lý của cơ quan chức năng hay không.

Nếu đơn thuần là lắp đặt và sử dụng cho cá nhân thì chi phí cho camera hành trình là khoản đầu tư một lần, gần như không phát sinh thêm. Trong khi nếu phải chia sẻ dữ liệu hành trình tới cơ quan quản lý thì sẽ tốn phí dữ liệu và quản lý theo tháng, theo năm (với xe dịch vụ vận tải thì khoảng 80.000 - 100.000 đồng/thiết bị/tháng)./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận