Nông dân miền núi Phú Yên làm giàu từ vốn vay ngân hàng

  • 21/09/2023 05:22:04
  • Nhã Uyên - Minh Châu/ VOV miền Trung
  • Xã hội
  • 0

Nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã được tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay từ ngân hàng.

 

Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên, đặc biệt là các hộ dân sống khu vực nông thôn, miền núi, người đồng bào DTTS đã được tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay từ ngân hàng.

Thời gian qua, nhiều hộ gia đình ở huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, nâng cao thu nhập. Hàng nghìn hộ gia đình trong huyện đã tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng từ Agribank Phú Yên.

Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Võ Minh Tuấn, khu phố 6, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh giờ đây trở thành điểm sáng về sản xuất kinh doanh giỏi. Với vườn cây ăn trái gồm sầu riêng và cam xoàn được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh được trồng trên diện tích 3,5ha đang thu hoạch, gia đình ông thu được khoản 1,2 tỷ đồng trong vụ này.

Cán bộ tín dụng Aribank Phú Yên thăm hỏi khách hàng Võ Minh Tuấn.

Vườn cây ăn trái của gia đình ông Võ Minh Tuấn.

Ông Tuấn chia sẻ, từ số vốn ban đầu vài chục triệu đồng vay từ Agribank Phú Yên Chi nhánh huyện Sông Hinh đã giúp gia đình ông mua cây giống, phân bón, tập trung đầu tư cho khu vườn này: “Tôi tiếp cận được vốn vay để đầu tư, mở rộng trang trại. Lúc mua đất thiếu vốn cứ xuống ngân hàng mượn, ngân hàng tạo điều kiện nên làm ăn càng ngày càng phát, tôi rất vui. Thủ tục nhanh gọn, hai bên ký kết thì được giải ngân. Lãi suất ngân hàng Agribank cũng ưu đãi hơn những ngân hàng khác. Ngân hàng đã giúp mình có sự thành công và có được cơ ngơi như ngày hôm nay”.

Đến với buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, không ai không biết đến gia đình K Pá Y Buôn. Y Buôn mới hơn 30 tuổi nhưng biết sử dụng nguồn vốn vay từ Agribank Phú Yên để phát triển kinh tế gia đình. Y Buôn được biết đến là một thanh niên dân tộc thiểu số biết làm giàu từ mô hình trồng trọt và chăn nuôi. Từ nuôi bò sinh sản, bò lai đến trồng mía và trồng keo trên diện tích gần 5ha đã mang về cho Y Buôn hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Y Buôn nói: “Vay vốn thuận lợi được rất nhiều thứ. Có vốn đầu tư trồng mía, mua bò để có cuộc sống ấm no hơn. Trong tương lai mong muốn Agribank đầu tư nhiều hơn nữa để bà con đồng bào tiếp cận được vốn vay về phát triển kinh tế gia đình tốt hơn. Hoa màu thì 6 tháng thu hoạch lần nên mình tích lũy và trả như vậy”.

Y Buôn chăm sóc bò.

 

Trên địa bàn huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, hiện có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó gần một nửa dân số là người các dân tộc Ê Đê, Ba Na, Chăm, Tày, Nùng, Dao… Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Sông Hinh có nhiều đổi thay. Huyện Sông Hinh phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,22%, đến năm 2025 còn dưới 2%, nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm. Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết:

“Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện về chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. Nhờ nguồn vốn này nên chuyển dịch cây trồng mạnh. Hiện nay hình thành một số vùng chuyên canh cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; một số mô hình chăn nuôi ở vùng đồng bào dân tộc và đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội huyện”.

Thời gian qua, Agribank đã thực hiện có hiệu quả 7 chính sách tín dụng, 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Các chương trình tín dụng chính sách lớn Agribank đang thực hiện đã góp phần tạo nên những thành tựu nổi bật về xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Tính đến ngày 31/8/2023, dư nợ choi vay của Agribank - Chi nhánh tỉnh Phú Yên đạt hơn 12.300 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm hơn 75% với hơn 9.000 tỷ đồng. Riêng 3 huyện miền núi Sơn HÒa, Sông Hinh và Đồng Xuân đạt hơn 3.300 tỷ đồng.

Ông Trương Văn Vũ, Phó Giám đốc Agribank Phú Yên cho biết: “Hiện Agribank - Chi nhánh tỉnh Phú Yên đã triển khai tại tất cả các điểm giao dịch của ngân hàng với 18 điểm giao dịch cố định là các Chi nhánh và Phòng giao dịch và 1 điểm giao dịch bằng xe lưu động tại 3 cụm xã miền núi. Đơn vị luôn chú trọng công tác truyền thông để giúp bà con nắm bắt các chính sách, chủ trương mới”./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận