Số hoá và xanh hoá là việc làm cấp bách mà các doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện nếu muốn cải thiện tình hình đơn hàng cho năm 2024, đây là áp lực được doanh nghiệp ngành vải Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn & Triển lãm dệt may Việt Nam với chủ đề "Cùng nhau tái chế - Cùng nhau tuần hoàn" do Công ty Giải pháp Dệt May Bền Vững (STS), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam (VWRA) phối hợp tổ chức sáng 20/9 tại TP.HCM.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, dệt may là nhóm hàng xuất khẩu khó khăn nhất trong 8 tháng qua. Theo đó, hàng dệt may xếp 37 trong số 45 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 22,5 tỷ USD, giảm 3,8 tỷ USD (hay giảm 14,4%) so với cùng kỳ năm trước). Trong đó thị trường chủ lực Hoa Kỳ chỉ đạt 10 tỷ USD, giảm 22,4%; EU 2,66 tỷ USD giảm 11,9%; Hàn Quốc 2,08 tỷ USD giảm 3%. Ngoài một số nguyên nhân khách quan thì áp lực kinh tế xanh, phát triển bền vững tái chế, vươn lên bậc cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu là những khó khăn mà ngành dệt may đang phải đương đầu nếu muốn tồn tại.
Kéo dài từ ngày 20 đến 22/9 với chủ đề “Cùng nhau tái chế - cùng nhau tuần hoàn”, triển lãm Texfuture Việt Nam nhận được sự quan tâm và đồng hành của hơn 15 nhãn hàng, hơn 200 đơn vị tham gia triển lãm, hơn 1.000 nhà máy, doanh nghiệp dệt may, hơn 1.000 thương hiệu thời trang Việt và hơn 2.500 lượt khách tham quan và theo dõi.
Texfuture Việt Nam tạo ra không gian giúp doanh nghiệp dệt may trong nước có điểm đến để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, tiếp tục duy trì hoạt động và theo đuổi con đường sản xuất “xanh”, góp phần tạo nên một tương lai bền vững và có trách nhiệm hơn cho ngành dệt may.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp ngành dệt may đang rất cố gắng nhưng có quá nhiều sự cạnh tranh và khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường khó tính.
“Không phải doanh nghiệp (DN) không mặn mà chuyển đổi xanh mà là nhiều đơn vị chưa đủ điều kiện để làm. Doanh nghiệp cần phải biết mình đang đứng ở đâu trên "bàn cờ" của toàn cầu. Vậy tái chế là như thế nào? Sản phẩm tái chế phải đi từ nền tảng, ý thức của con người trong việc tiết kiệm hoặc thu gom các sản phẩm tái chế mà xu thế bây giờ là bắt buộc”, ông Giang cho biết./.