Hà Nội và TP.HCM đã có định hướng phát triển đô thị vệ tinh, với chủ trương di dời các cơ quan hành chính, bệnh viện, trường đại học ra ngoài khu vực trung tâm nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc trong nội thành. Tuy nhiên, dân cư tiếp tục tập trung đông đúc vào khu vực nội thành, quá trình "nén" tự phát vẫn tiếp diễn làm gia tăng tình trạng ùn tắc và quá tải, gây nhiều hệ lụy.
Vậy, Hà Nội đang lựa chọn phát triển đô thị theo hướng đô thị nén hay đô thị vệ tinh? Các giải pháp cần quyết liệt thực hiện về quy hoạch giao thông và quy hoạch xây dựng, thiết kế nhà ở ra sao theo mỗi hướng quy hoạch đô thị này?
Theo Quyết định số 1259 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2011, Hà Nội được định hướng phát triển với 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Sơn Tây. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, các đô thị vệ tinh chưa thể hiện được vai trò giãn dân, giảm áp lực cho khu vực trung tâm, trong khi dân số của thành phố Hà Nội đã vượt ngưỡng dự báo hơn 1 triệu dân cư.
Tình trạng ùn tắc giao thông và quá tải hạ tầng xảy ra thường xuyên tại khu vực trung tâm, nhất là vào các khung giờ cao điểm sáng chiều ở trên các tuyến đường xuyên tâm. Trong đó, có 2 luồng giao thông di chuyển chính từ nội thành ra ngoại thành và từ ngoại thành vào nội thành.
KTS Phạm Huy, Nhà sáng lập kiêm CEO của 282 Workshop phân tích, mặc dù một số trường học đã dịch chuyển ra khu vực Hòa Lạc, Gia Lâm, Hưng Yên nhưng phần lớn các giảng viên, nhân viên quản lý vẫn ở trong nội thành nên việc đi lại vẫn bất tiện, nhất là trong điều kiện hạ tầng giao thông hiện nay:
"Tôi thấy đô thị ở Việt Nam, dù là có quy hoạch, dù là định hướng tầm nhìn nhưng thực tế hạ tầng giao thông làm cho định hướng đô thị không rõ ràng. Khi trục giao thông ùn tắc, nhiều người dân ngoại thành đã chuyển dịch chỗ ở vào khu vực nội thành, gây quá tải và là cơ hội cho bất động sản xây dựng trái phép như chúng ta đã chứng kiến những trường hợp cháy vừa rồi".
TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam cho rằng, Hà Nội và TP.HCM đã có định hướng quy hoạch phát triển cụ thể, nhưng quá trình triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, đầu tư hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng giao thông chưa đúng theo quy hoạch, nói cách khác, thành phố chưa xác định kế hoạch và lộ trình thực hiện hạ tầng giao thông.
Hiện nay, tỷ lệ đất dành cho giao thông của Hà Nội mới đạt 10%, trong khi theo quy hoạch tỷ lệ này là 20%, quy hoạch các bến bãi đỗ xe còn thiếu. Đối với vấn đề quản lý dân cư cũng còn nhiều tồn tại, TS Đào Ngọc Nghiêm phân tích: "Quản lý dân cư đang gặp khó khăn.Tăng dân số cơ học rất nhiều, nhất là dân số từ các tỉnh vào. Vấn đề đảm bảo hạ tầng xã hội do tăng dân số cơ học như vấn đề trường học, y tế, nhà văn hóa thấp hơn so với yêu cầu rất nhiều".
Theo TS.KTS Trần Minh Tùng, Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội , Hà Nội đang phát triển theo cả 2 hình thức đô thị vệ tinh và đô thị nén ở khu vực trung tâm. Các đô thị vệ tinh mới chỉ mang tính chất “tạm thời” chưa tạo sự gắn bó bởi thiếu cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kĩ thuật.
Một số đô thị trên thế giới đã phát triển theo hướng “đô thị nén”, để tránh tình trạng sử dụng quá nhiều nguồn lực đất đai. TS.KTS Trần Minh Tùng cho rằng, đô thị vệ tinh được xem như là giải pháp của tương lai (hay giải pháp dài hạn) còn các đô thị trung tâm được chuyển đổi thành đô thị nén được xem như giải pháp trước mắt hoặc trung hạn:
"Mô hình đô thị nén có những ưu điểm nếu như chúng ta biết cách làm. Tôi nghĩ rằng, Hà Nội bây giờ cũng đang bắt đầu phải phải tự đặt câu hỏi cho mình là có nên quá duy ý chí vào việc phát triển đô thị vệ tinh hay không? hay phát triển đồng thời giữa đô thị vệ tinh kết hợp với phát triển đô thị nén nhằm đảm bảo nhu cầu trước mắt cũng như nhu cầu lâu dài".
KTS Hà Thúy Cầm, chuyên gia đô thị cho rằng, kinh nghiệm của một số đô thị trên thế giới là để có thể thực hiện được di dời dân cư ra khu vực trung tâm thì yếu tố quan trọng hàng đầu là xây dựng hệ thống giao thông đi lại thuận tiện giữa khu vực trung tâm và khu vực vệ tinh, đồng thời phát triển các dịch vụ, tiện ích ở khu vực đô thị vệ tinh. Có như vậy, người dân khi di chuyển nơi cư trú mới có thể ổn định được cuộc sống.
KTS Hà Thúy Cầm cho rằng để có thể giảm bớt áp lực về hạ tầng, dân cư cho các đô thị trung tâm Hà Nội, TP.HCM, chính quyền đô thị cần lưu ý: "Thực hiện chủ trương dời dân ra phía ngoài khu trung tâm thành phố phải tính từ 10 - 20 năm. Chính phủ đang tiến hành rà soát lại một số dự án quy hoạch về giao thông và mở các tuyến giao thông mới là đúng hướng. Áp dụng định hướng quy hoạch như của nước ngoài, mở ra một số tuyến đường đi lại thuận lợi, người dân có cuộc sống tốt hơn. Từ đó, việc đưa dân cư ra ngoài mới thực hiện được".
Mặc dù đô thị vệ tinh phụ thuộc vào “đô thị mẹ” (đô thị trung tâm) nhưng nó vẫn phải là một thực thể hoàn chỉnh, cần phải đảm bảo các yếu tố giống như đô thị bình thường để phát triển. Bao gồm các hoạt động giao lưu buôn bán của người dân với nhau và các hoạt động quản trị, quản lý của chính quyền đô thị đó.
Một số chuyên gia cho rằng, muốn thu hút dân cư ra các đô thị vệ tinh, chính quyền các đô thị cần sự quyết tâm cao, đầu tư nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội với các dịch vụ y tế, thương mại, giải trí và việc làm. Chỉ khi nhu cầu của người dân được đảm bảo, người dân mới sẵn sàng di chuyển nơi cư trú của mình đến các đô thị vệ tinh.
Việc phát triển đô thị vệ tinh đã được đặt ra từ lâu, song việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn chậm và yếu. Điều này bắt nguồn từ việc thiếu định hướng phát triển quy quy hoạch dân cư, chậm thực hiện di dời trụ sở các Bộ, ngành, cơ sở giáo dục, bệnh viện, trong khi các đô thị vệ tinh chưa trở thành lựa chọn của người dân khi nghĩ đến việc “an cư, lạc nghiệp”.
Quách Đồng-Hải Hà/VOV Giao thông