Thiếu nước, vụ Đông Xuân ở ĐBSCL có đảm bảo 10 triệu tấn lúa?

Vụ Đông Xuân ở ĐBSCL sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức về nguồn nước, xâm nhập mặn nên mục tiêu đạt 10 triệu tấn lúa sẽ hết sức khó khăn.

 

Vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024 vùng ĐBSCL sẽ xuống giống gần 1,5 triệu ha với sản lượng dự kiến hơn 10 triệu tấn lúa. Mặc dù có những tín hiệu thuận lợi từ thị trường, song vụ lúa lớn nhất trong năm ở ĐBSCL sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức về nguồn nước khi được dự báo do ảnh hưởng của El Nino, lượng mưa thiếu hụt ở hầu hết các nơi trên khu vực Nam Bộ cũng như khu vực trung và hạ lưu sông Me Kong. Đồng thời mức độ sử dụng nước trên khu vực thượng nguồn cũng gia tăng nên khả năng thiếu hụt nguồn nước ngọt trong mùa khô 2023 - 2024 ở ĐBSCL là rất lớn.

Trước những dự báo, các địa phương trong vùng sẽ tập trung những giải pháp để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn sớm và sâu hơn đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa và sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Theo nhận định từ Viện khoa học thủy lợi miền Nam, trạng thái El Nino khả năng kéo dài đến hết năm 2023 và sang đầu năm 2024. Vùng có khả năng chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang. Ngoài những vùng có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp xâm nhập mặn thì khô hạn có khả năng gây ảnh hưởng cho các vùng cách biển từ 30-70 km. Tuy nhiên, nếu xâm nhập mặn đến sớm và thời gian kéo dài với nồng độ mặn cao thì một số vùng cặp theo sông Tiền, sông Hậu thuộc Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre và Tiền Giang có thể bị hạn mặn cục bộ cho các trà lúa và cho vườn cây ăn trái.

Ông Lê Đình Quyết, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, lượng mưa từ tháng 9 - 11 năm nay xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm không nhiều. Từ tháng 12/2023- 2/2024 lượng mưa phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm trên hầu khắp khu vực Nam Bộ và khả năng rất ít mưa trái mùa trong mùa khô năm 2023-2024. Vì vậy, các địa phương cần đề phòng nguy cơ thiếu nước ngọt trong mùa khô và xâm nhập mặn vào sâu nội đồng trong mùa khô 2023-2024

“Hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục từ nay đến tháng 4/2024. Tổng lượng mưa trong 3 tháng cuối năm ở ĐBSCL phổ biến ở mức xấp xỉ cao hơn trung bình nhiều năm, tuy nhiên không nhiều. Từ tháng 12/2023 cho đến tháng 3/2024 phổ biến ít mưa, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ hoặc thấp hơn so với trung bình nhiều năm”, ông Quyết nhận định.

Cục trồng trọt - Bộ NN&PTNT cũng khuyến cáo, thời vụ và diện tích xuống giống theo từng vùng ở vụ lúa lớn nhất trong năm. Những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ gồm các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang sẽ xuống giống sớm từ ngày 10 - 30/10 với diện tích khoảng 375.000 ha. Còn khoảng 1,1 triệu ha sẽ xuống giống từ ngày 1/11 cho đến ngày 31/12.

Riêng một số vùng xuống giống vụ lúa Đông Xuân muộn kết thúc xuống giống trước ngày 10/1/2024. Việc bố trí thời vụ sản xuất lúa năm cực đoan cần bám sát theo việc vận hành các hệ thống công trình thủy lợi, đồng thời căn cứ theo bản đồ nguy cơ cho lúa vào những năm cực đoan đã được xây dựng trước đây để làm cơ sở cho bố trí mùa vụ sản xuất.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT), việc bố trí thời vụ như trên và chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm tại các tỉnh ven biển sẽ đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Ngoài ra cũng đề phòng khô hạn cục bộ tại một số địa bàn thuộc vùng phù sa ngọt.

Để né hạn mặn, ngoài việc bố trí lịch thời vụ hợp lý, người dân cũng có thể sử dụng các giống lúa ngắn ngày, thay vì sử dụng giống 110 ngày thì có thể sử dụng giống 95 ngày hoặc 100 ngày. Ngoài ra, trước dự báo xâm nhập mặn sớm và vào sâu thì các địa phương cũng cần có kế hoạch dự trữ nước và thường xuyên theo dõi bản tin thời tiết nông vụ để chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, việc việc xuống giống sớm cũng có lợi thế nhất định khi giá lúa, giá gạo xuất khẩu đang ở mức cao và một quốc gia tăng cường thu mua dự trữ sẽ là điều kiện thuận lợi cho cả người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

“Vụ Đông Xuân năm nay theo dự báo chắc chắn xảy ra hiện tượng El Nino, dẫn đến thiếu nước cho sản xuất. Mặc dù tổng lượng nước về ĐBSCL trong năm không thay đổi, nhưng mùa khô chắc chắn sẽ thiếu nước. Chính yếu tố thiếu nước này sẽ làm cho xâm nhập mặn cao hơn, vụ lúa Đông Xuân ở khu vực ven biển sẽ đứng trước những nguy hiểm nếu bố trí thời vụ không hợp lý”, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh.

Theo ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, từ những dự báo từ cơ quan chuyên môn cho thấy, xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay khả năng ở mức cao hơn năm 2015-2016 và xấp xỉ năm 2019-2020. Do đó, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024, trong đó có các huyện, thị phía Đông và diện tích vườn cây ăn trái ở các huyện, thị xã phía Tây.

Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang sẽ theo dõi và kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, độ mặn trên kênh và nội đồng, thông tin thường xuyên đến người dân để ứng phó kịp thời; đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Bản tin thời tiết nông vụ trong vụ Đông Xuân 2023-2024 và các vụ tiếp theo bằng các hình thức phù hợp để góp phần bảo vệ sản xuất trước tác động của thời tiết bất lợi hạn, xâm nhập mặn cũng như tác hại của các đối tượng sinh vật gây hại trong mùa khô.

“Để sản xuất vụ Đông Xuân an toàn, hiệu quả ứng phó tốt với điều kiện thời tiết bất lợi, tỉnh Tiền Giang sẽ chủ động triển khai công tác phòng chống hạn mặn sớm. Đối với vùng cây ăn trái, hiện tại tỉnh Tiền Giang đã thi công 6 cống cặp sông Tiền để đảm bảo ngăn mặn. Đối với vùng phía Đông, vùng ngọt hóa Gò Công tỉnh theo hướng mặn tới đâu sẽngăn mặn tới đó, như mọi năm lấy gạn hoặc bơm chuyền vào bổ túc nước”, ông Nam cho biết.

Đồng Tháp là địa phương đầu nguồn và cũng là nơi có diện tích sản xuất lúa lớn ở khu vực ĐBSCL với sản lượng hàng năm khoảng 3,3 triệu tấn lúa. Trước những dự báo về khả năng thiếu hụt nguồn nước ngọt trong mùa khô, Đồng Tháp sẽ tập trung triển khai các mô hình canh tác lúa tiết kiệm nước nhằm chia sẻ nguồn tài nguyên này với các tỉnh ở dưới hạ nguồn.

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, vụ Đông Xuân này địa phương sẽ xuống giống khoảng 189.000 ha, cơ cấu giống tập trung vào lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao chiếm khoảng 70% để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

“Đối với tỉnh đầu nguồn, Đồng Tháp nghiên cứu canh tác sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm nước cho các tỉnh phía dưới. Đồng Tháp đã tổng kết có khoảng 100 mô hình nông nghiệp xanh trên toàn tỉnh, nên xác định sản xuất tiết kiệm nước để giúp cho người trồng lúa có thu nhập”, ông Điền cho biết.

Cần sử dụng những giống lúa ngắn ngày trước dự báo thiếu nước trong mùa khô.Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, trước diễn biến bất thường thời tiết, ảnh hưởng El Nino, các địa phương trong vùng cần đảm bảo lịch thời vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 theo đúng khuyến cáo. Đồng thời, rà soát, xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2023 -2024 phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết, phòng tránh hạn hán xâm nhập mặn, đảm bảo diện tích, năng suất, chất lượng; thường xuyên cập nhật thời tiết, khí hậu, thủy văn, dự báo tình hình sâu bệnh gây hại; tập trung chỉ đạo xuống giống sớm, đặc biệt là các tỉnh ven biển.

“Kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2023 -2024 phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết tránh hạn hán, xâm nhập mặn đảm bảo mục tiêu về diện tích, quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề sâu bệnh cũng như cung cầu. Các tỉnh thường xuyên cập nhật thời tiết khí tượng thủy văn, tình hình dự báo sinh vật gây hại để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Kiểm tra hệ thống thủy lợi, củng cố, cải tạo thủy lợi nội đồng đê bao, bờ bao, công tác chuẩn bị ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, tích trữ nước ngọt để phục vụ cho chống hạn hán cũng như xâm nhập mặn khi mùa khô đến”, Thứ trưởng Hoàng Trung chỉ rõ.

Trước những dự báo nguồn nước cho sản xuất lúa Đông Xuân sẽ gặp nhiều khó khăn, việc xuống giống sớm trong tháng 10 theo khuyến cáo sẽ tận dụng nguồn nước cho sản xuất và không bị hạn cuối vụ, nhất là các tỉnh ven biển, những vùng đã bị thiệt hại do hạn mặn năm 2015-2016.

Đặc biệt, trước những biến động của thị trường lúa gạo hiện nay đang có những thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi giá lúa, gạo luôn ổn định và ở mức cao, việc xuống giống sớm và theo khuyến cáo ở vụ lúa lớn nhất trong năm sẽ giảm những thiệt hại không đáng có, đảm bảo sản xuất lúa an toàn, đạt thắng lợi với mục tiêu trên 10 triệu tấn lúa.

Phạm Hải-Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL

 

Bình luận

    Chưa có bình luận