Trái ngọt sau hành trình đi tìm sự thật

  • 02/11/2023 12:00:00
  • Nhóm phóng viên
  • Xã hội
  • 0

Không chỉ góp phần làm rõ sự thật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, nhiều tác phẩm báo chí của Báo TNVN đoạt giải.

 

Được phục vụ nhu cầu thông tin của bạn đọc, làm rõ những vấn đề bạn đọc phản ánh và được các cơ quan chức năng tiếp thu, xử lý thông tin báo chí phản ánh là niềm vui, hạnh phúc của những người cầm bút. Không chỉ góp phần làm rõ sự thật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, nhiều tác phẩm báo chí của Báo TNVN đoạt giải “Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Nhờ có báo mà một phần thôn Bùi Trám không bị “xóa sổ”

Ông Ngô Quang Chung, Bí thư thôn Bùi Trám, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình xúc động nói: “Nếu không có Báo Tiếng nói Việt Nam thì có lẽ thôn Bùi Trám đã bị “xóa sổ” một phần rồi. Đất đai, nhà cửa sẽ bị thu hồi để nhường cho dự án Cụm công nghiệp và dịch vụ Hòa Sơn, còn người dân được bố trí tái định cư chỗ khác…”.

Hơn 40 năm trước, nghe theo tiếng gọi của tỉnh Hà Sơn Bình trước đây, nhiều người dân đã không nề hà vất vả, đưa gia đình gửi thân nơi rừng xanh núi đỏ, khai hoang phục hóa giai đoạn 1982 - 1986. Mồ hôi, nước mắt đã đổ xuống, đổi lại vùng đất hoang vu ngày nào đã hình thành nên một thôn với nhiều hộ gia đình sinh sống yên bình, đầm ấm. Thế nhưng ngày 1/3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ký quyết định 423 về việc thành lập Cụm công nghiệp và dịch vụ Hòa Sơn, trên diện tích 74,8ha thuộc hai thôn Bùi Trám và Tân Sơn.

Chỉ đến khi các cơ quan chức năng của huyện Lương Sơn và tỉnh Hòa Bình gấp rút triển khai các bước để thực hiện quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 thì người dân mới biết có quy hoạch Cụm công nghiệp và dịch vụ Hòa Sơn.

Sau loạt bài “Chuyện gì đang xảy ra tại dự án Cụm công nghiệp Hòa Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình?”, toàn bộ đất thôn Bùi Trám và Tân Sơn đã được đưa ra khỏi quy hoạch cụm công nghiệp.

Nhận thấy việc triển khai dự án có nhiều điểm mập mờ, không công khai, thiếu dân chủ, đầu năm 2022, người dân thôn Bùi Trám đã gửi đơn kêu cứu đến Báo Tiếng nói Việt Nam.

Nghiên cứu nội dung đơn thư người dân phản ánh, tài liệu của các cơ quan chức năng huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, nhóm phóng viên Báo Tiếng nói Việt Nam nhận thấy, quá trình thực hiện quy hoạch Cụm công nghiệp và dịch vụ Hòa Sơn có những dấu hiệu vi phạm Nghị định 68, ngày 25/5/2017, quy định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; vi phạm Luật Đất đai năm 2013 trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lấy ý kiến của người dân về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất…

Từ những thông tin thu thập được, Báo Tiếng nói Việt Nam đã đăng tải loạt bài: “Chuyện gì đang xảy ra tại dự án Cụm công nghiệp Hòa Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình?”. Sau khi Báo Tiếng nói Việt Nam đăng tải loạt bài, ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND huyện Lương Sơn rà soát, kiểm tra những nội dung mà báo chí đã phản ánh. Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cũng có văn bản gửi Báo Tiếng nói Việt Nam tiếp thu những thông tin mà báo đã phản ánh.

Phản hồi lại phóng viên, các hộ dân thôn Bùi Trám cho hay, sau loạt bài Báo Tiếng nói Việt Nam phản ánh, xã và huyện đã về làm việc, lấy ý kiến người dân, toàn bộ đất thôn Bùi Trám và Tân Sơn đã được đưa ra khỏi quy hoạch cụm công nghiệp.

Báo TNVN và di tích quốc gia Khu dinh thự họ Vương

Ngày 28/10/2023, gia tộc họ Vương ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia (1993 - 2023); 100 năm ngày vua Khải Định sắc phong “Biên chính khả phong” cho ông Vương Chính Đức (1923 - 2023); 120 năm ngày khánh thành và 125 năm ngày xây khu dinh thự họ Vương (1898 - 2023). Tại lễ kỷ niệm, ông Vương Duy Bảo, cháu nội “Vua Mèo” xúc động khi kể lại quá trình phóng viên, các cơ quan báo chí đi tìm sự thật ai mới là người có quyền sở hữu hợp pháp đối với di tích quốc gia Khu dinh thự họ Vương.

Về những tranh chấp, bất cập trong việc gia tộc họ Vương đòi lại quyền sở hữu hợp pháp đối với Di tích Quốc gia Khu dinh thự họ Vương và phản ánh những sai phạm, yếu kém trong việc quản lý Khu di tích này của UBND huyện Đồng Văn trong giai đoạn từ năm 2019 trở về trước, Báo TNVN đã có loạt 7 bài viết với tiêu đề “Dinh thự họ Vương kêu cứu”. Loạt bài đã theo sát mọi diễn biến trong suốt quá trình xác định lại quyền sở hữu và trả lại quyền sở hữu khu di tích cho gia tộc họ Vương. Tiếp đó, Báo TNVN vẫn tiếp tục thông tin tới độc giả cả nước những thay đổi, chuyển biến tốt đẹp của khu di tích sau khi gia tộc họ Vương nhận lại di tích và xây dựng mô hình quản lý mới HTX di tích nhà Vương trong loạt bài viết “Xuất hiện công trình xây dựng trái phép tại dinh Vua Mèo” vào năm 2022, và mới đây là bài viết “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích từ câu chuyện HTX di tích nhà Vương”.

Không chỉ đồng hành cùng gia tộc họ Vương làm rõ sự thật ai có quyền sở hữu hợp pháp đối với Di tích Quốc gia Khu dinh thự họ Vương, Báo TNVN còn góp phần nói lên tiếng nói tích cực, giúp cho việc bảo vệ, gìn giữ những giá trị văn hoá, lịch sử.

Tại lễ kỷ niệm diễn ra tại Khu di tích nhà Vương tối 28/10 vừa qua, ông Vương Duy Bảo chia sẻ: Khi dòng họ Vương lên tiếng và có thư kiến nghị, Thủ tướng đã chỉ đạo tỉnh Hà Giang phải trả lại quyền sở hữu di tích cho gia tộc họ Vương. Tuy nhiên, để ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng trở thành hiện thực đã trải qua một thời gian dài gần 3 năm mới thực hiện được. Trong quá trình 3 năm đó, nhờ các cơ quan báo chí, đặc biệt là Báo TNVN đã góp phần quan trọng để những cá nhân, đơn vị đã có những việc làm sai trái phải tỉnh ngộ, nhìn thấy sai phạm của mình, những việc làm sai phạm không được dư luận, người dân ủng hộ.

Ông Vương Duy Bảo xúc động nói, Báo TNVN đã góp một tiếng nói quan trọng, xuyên suốt quá trình đấu tranh của gia tộc họ Vương, không chỉ giúp gia tộc họ Vương đòi lại quyền sở hữu hợp pháp đối với di tích của gia tộc mà còn góp phần nói lên tiếng nói tích cực, giúp cho việc bảo vệ, gìn giữ những giá trị văn hoá, lịch sử của di tích cho mục tiêu bảo tồn một cách bền vững di tích, đồng thời phát huy giá trị của di tích thông qua hoạt động bán vé cho khách tham quan và các dịch vụ du lịch tại địa phương.

Thay mặt gia tộc, ông Vương Duy Bảo gửi lời cảm ơn chân thành đến Báo TNVN đã có tiếng nói thiết thực, góp phần hiện thực hoá chỉ đạo của Thủ tướng đối với việc trả lại quyền sở hữu Khu dinh thự họ Vương cho gia tộc họ Vương và sau đó tiếp tục đồng hành cùng gia tộc trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của khu di tích.

Không để lãng phí trí thức trẻ

Năm 2013, Chính phủ phê duyệt “Đề án thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020”. Sau nhiều vòng tuyển chọn nghiêm ngặt với 189 thí sinh tham gia, cuối cùng tỉnh Cao Bằng cũng chọn ra được 15 thí sinh xuất sắc để đưa vào Đề án thí điểm.

Sau 5 năm thực hiện, 15 trí thức trẻ chỉ còn lại 11 người, tuy nhiên năm 2020, 11 người này đều nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, cho dù họ đều được đánh giá cao trong công tác, công việc mình được phân công.

Nhận được thông tin phản ánh, phóng viên đã lên Cao Bằng đi thực tế tại các xã, huyện vùng sâu, vùng xa và tiếp cận các trí thức trẻ cũng như người sử dụng lao động là các xã, các chủ tịch xã, huyện. Làm việc với lãnh đạo các xã, huyện, phóng viên nhận thấy họ mong muốn các trí thức trẻ tiếp tục cống hiến và gắn bó lâu dài tại địa phương. Xã Đức Thông, huyện Thạch An, xã Quý Quân, huyện Hà Quảng, UBND huyện Bảo Lâm… đã có văn bản đề nghị tỉnh tiếp tục bố trí công tác cho các trí thức trẻ này. Tuy nhiên, phía tỉnh Cao Bằng vẫn chỉ đạo chấm dứt hợp đồng.

Sau khi xác minh và tìm hiểu cụ thể, phóng viên đã hoàn thành loạt bài với 03 bài viết. Loạt bài khẳng định sự đúng đắn của Đề án thí điểm tuyển chọn Trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 của Đảng, Nhà nước. Đề án là chính sách rất quan trọng đối với thanh niên. Chính sách này nhằm thu hút cũng như phát huy tính xung kích của thanh niên. Mục đích của đề án rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với lực lượng thanh niên, chủ nhân tương lai của đất nước. Nhưng việc Cao Bằng tự ý chấm dứt hợp đồng không những gây lãng phí nguồn nhân lực mà còn lãng phí tri thức, lãng phí kinh phí đào tạo của địa phương. Ngoài ra, việc chấm dứt hợp đồng này gây ra tâm lý hoang mang cho các trí thức trẻ và ảnh hưởng niềm tin của người dân đến đường lối chính sách của Đảng.

Sau khi Báo TNVN đăng tải loạt bài, nhiều tờ báo lớn cũng đã vào cuộc như Báo Dân trí, Công an Nhân dân, Người Cao tuổi… Phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã có văn bản gửi UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị tỉnh tiếp tục bố trí công tác với các trí thức trẻ này.

Cuối cùng, đầu năm 2022, tất cả trí thức trẻ trong bài báo phản ánh đã được UBND tỉnh Cao Bằng bố trí lại công việc. Đây là niềm vui, hạnh phúc đối với các trí thức trẻ và những người cầm bút như chúng tôi. Đồng thời thể hiện sự đóng góp công sức, tiếng nói của phóng viên và Báo TNVN vào việc phản biện chính sách, góp phần mang lại sự công bằng, minh bạch và quyền lợi hợp pháp của người dân.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành các quyết định “trảm” hàng loạt công trình vi phạm.

Xử lý vi phạm “không có vùng cấm, ngoại lệ” sau những loạt bài điều tra  của Báo TNVN!

Đầu năm 2021, Báo TNVN đăng tải 6 bài phóng sự điều tra: “Có “vùng cấm”, có “ngoại lệ” trong xử lý vi phạm đất đai tại Vĩnh Phúc”, với những nội dung phản ánh: Hơn 140ha đất lâm nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc giao đất cho doanh nghiệp thuê để sử dụng trồng cây lâm nghiệp. Trong quá trình sử dụng, doanh nghiệp đã tự ý phân lô chuyển nhượng cho nhiều cá nhân. Từ đó, đất nhà nước giao cho doanh nghiệp thuê được các cá nhân mua bán, chuyển nhượng xây dựng hàng loạt “biệt phủ”, đến khi tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất đã cho doanh nghiệp thuê do hết thời gian cho thuê nhiều năm vẫn chưa thể thu hồi.

Quá trình tác nghiệp, thu thập hồ sơ, nhóm phóng viên nhận thấy nguyên nhân vì sao tỉnh Vĩnh Phúc khó khăn trong việc thu hồi đất đã cho doanh nghiệp thuê; nguyên nhân vì sao sai phạm trong quản lý và sử dụng đất nở rộ như “nấm” mọc sau mưa sau kết luận của Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc...

Phó Tổng giám đốc Đài TNVN Phạm Mạnh Hùng (giữa) chụp ảnh cùng nhóm tác giả đoạt giải.

Loạt bài phóng sự điều tra của Báo TNVN mong muốn chuyển tải thông tin đến lãnh đạo Trung ương, địa phương và nhiều cơ quan chức năng vào cuộc xử lý những vi phạm mà báo chí đã phản ánh.

Sau loạt bài, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra, xử lý những sai phạm mà Báo TNVN phản ánh. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng có liên quan rà soát, xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng đất với tinh thần không bao che, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, sai đến đâu xử lý đến đó.

Cũng liên quan đến câu chuyện sai phạm trong quản lý đất đai, phóng viên phát hiện huyện Bình Xuyên là “điểm nóng” trong quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Vĩnh Phúc. Nhiều cơ quan báo chí vào cuộc phản ánh, nhiều kết luận thanh tra, kiểm tra đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm, đơn khiếu nại kéo dài nhưng những sai phạm vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trong khi đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều văn bản chỉ đạo có liên quan trong lĩnh vực đất đai, kết luận thanh tra đã nêu rõ và kiến nghị xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng đất. Đơn cử, Chỉ thị số 32-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc ban hành về tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn xử lý vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Để giải quyết dứt điểm “điểm nóng” vi phạm đất đai tại huyện Bình Xuyên, phóng viên Báo TNVN liên tiếp theo dõi diễn biến, có những bài báo phản biện lại Kết luận Thanh tra của huyện Bình Xuyên, chỉ rõ những thiếu sót… Đeo bám vụ việc trong hai năm, kết quả hàng loạt tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ bị kỷ luật.

Loạt bài phản ánh sai phạm đất đai ở tỉnh Vĩnh Phúc đoạt giải B “Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” năm 2021.

Góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động

Nhiều công nhân hiện đang làm việc trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội phản ánh, nhiều năm qua họ không thể thuê nhà ở trong khu nhà ở dành cho công nhân, phải thuê trọ tại các nhà trọ do tư nhân xây dựng, với chi phí đắt đỏ, điều kiện sống không đảm bảo… Trong khi đó, nhiều tòa nhà với hàng trăm căn phòng đã được cơ quan chức năng có liên quan cho các doanh nghiệp thuê để hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động là không đúng với chủ trương ban đầu khi TP Hà Nội phê duyệt xây dựng dự án: “Nhà ở dành cho công nhân” đang làm việc tại KCN Thăng Long và các KCN lân cận.

Nhóm phóng viên Báo TNVN đã vào cuộc ghi nhận, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của công nhân hiện đang thuê trọ tại các nhà trọ tư nhân, trực tiếp cùng công nhân đi liên hệ thuê nhà để làm rõ những khó khăn khi công nhân khó tiếp cận với “quyền lợi” mình được thụ hưởng.

nhiều năm qua họ không thể thuê nhà ở trong khu nhà ở dành cho công nhân, phải thuê trọ tại các nhà trọ do tư nhân xây dựng

Sau đó, Báo TNVN đã đăng 5 bài phóng sự điều tra, với chủ đề: “Bóp méo và trục lợi” chính sách nhà ở công nhân tại KCN Thăng Long (Đông Anh, TP Hà Nội)”. Loạt bài đã chỉ rõ sai phạm của cơ quan chức năng trong việc cho các đối tượng thuê nhà; nêu dấu hiệu lãng phí, thất thoát trong việc cho các doanh nghiệp thuê với giá ưu đãi.

Sau loạt bài Báo TNVN phản ánh, nhiều cơ quan báo chí tiếp tục phản ánh những sai phạm tại khu nhà ở công nhân này. Vụ việc đang được cơ quan chức năng có liên quan, cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc.

Hay loạt bài: “Thanh Hóa: Công ty TNHH Quế Sơn “quay lưng” với người lao động”. Với nội dung chị Trịnh Thị Dung (trú tại Bỉm Sơn, Thanh Hóa) phản ánh Công ty TNHH Quế Sơn không chi trả các khoản tiền cho chị khi chị bị tai nạn trong quá trình sản xuất phải tháo một phần cánh tay, với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 65%. Việc chủ doanh nghiệp “quay lưng” với chị, do không đảm bảo sức khỏe, không có việc làm, mọi chi tiêu trong gia đình phụ thuộc vào người chồng làm nghề tự do, đã đẩy gia đình chị vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Sau khi Báo TNVN phản ánh, doanh nghiệp đã hoàn tất các thủ tục có liên quan, hỗ trợ chi trả cho chị Trịnh Thị Dung.

 

Sắp đến ngày kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Báo TNVN, nhóm phóng viên chúng tôi đón nhận tin vui, loạt bài “Bóp méo và trục lợi’ chính sách nhà ở công nhân tại KCN Thăng Long (Đông Anh, TP Hà Nội)” đoạt giải B giải “Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” năm 2023./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận