Cần cấm hoàn toàn, cấm lưu hành, không thử nghiệm thuốc lá điện tử ở Việt Nam

Trước những tác hại không lường của thuốc lá điện tử, nhiều ý kiến đề xuất cấm cấm hoàn toàn, không thử nghiệm, không cần đánh giá, theo dõi.

 

Thực hiện Quyết định số 1989/QĐ-BTTTT ngày 16/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Kế hoạch hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2023, sáng 23/12, Bộ TT&TT thông phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, theo quỹ phòng chống tác hại thuốc lá: “Hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới (trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động).

Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phát biểu khai mạc.Còn theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường.

Theo ông Hồ Hồng Hải, hàng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá, cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính, mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá, thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.

Tỉ hệ hút thuốc lá điện tử trong giới trẻ gia tăng

Tại hội nghị, Ths. Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, thuốc lá là nguy cơ gây ra tử vong, bệnh tật và gây ra đói nghèo và tác hại đối với môi trường, kinh tế và xã hội trên thế giới.

Hơn 1 tỷ người hút thuốc trên thế giới, trong đó ở người trưởng thành, nam giới 847 triệu, nữ giới 153 triệu người; ở nhóm tuổi thanh thiếu niên 13-15 tuổi là 24 triệu người. Hơn 8 triệu người tử vong hàng năm do thuốc lá, trong đó 7 triệu do trực tiếp sử dụng thuốc lá, 1,2 triệu người không hút thuốc tử vong do hút thuốc thụ động 1,4 nghìn tỷ USD chi phí hàng năm cho chi phí chăm sóc sức khoẻ và giảm năng suất lao động do thuốc lá gây ra...

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đã phòng tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ước tính chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015-2020 là 1.277 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới.

Theo Ths Nguyễn Thị Thu Hương, hiện nay, tỉ hệ hút thuốc lá điện tử trong giới trẻ gia tăng. Trong nhóm 13-17 tuổi, năm 2019, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13 - 17 tuổi chiếm 2,6%. Năm 2022, theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi này là 3,5%.

Ở người trưởng thành trên 15 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỉ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%) (nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh - 2020).

“Có thể thấy chỉ sau 3 năm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể. Điều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ”, Ths Nguyễn Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Cần cấm lưu hành, cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử

Phát biểu tham luận tại hội nghị, TS. BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm cống độc Bệnh viện Bạch Mai đã đưa ra những tác hại của thuốc lá điện tử khi thành phần hóa chất, ma túy của thuốc lá điện tử phức tạp hơn rất nhiều so với thuốc lá truyền thống.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, trong thuốc lá thông thường có hàm lượng nicotin 1,5-2%, cao nhất 3% (dành cho người nghiện nặng, hút 2 bao/ngày). Thuốc lá điện tử được xem là chất độc, khả năng gây nghiện cao. Ước tính cứ 1 người bỏ được thuốc lá khi dùng thuốc lá điện tử thì có thêm 80 trẻ vị thành niên nghiện nicotine.

TS. BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm cống độc Bệnh viện Bạch Mai.TS. BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, hiện nay ở một số nước đã cấm thuốc lá điện tử như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore,…Trung Quốc là nước phát minh, sản xuất thuốc lá điện tử (nhiều nhất trên thế giới), nước này cũng đã thực hiện chính sách cấm các loại thuốc lá điện tử có hương thơm từ tháng 10/2022 (gần như toàn bộ các sản phẩm thuốc lá điện tử). Do đó, TS. BS Nguyễn Trung Nguyên đề xuất cần cấm ngay lập tức việc lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam, cấm hoàn toàn, không thử nghiệm, không cần đánh giá, theo dõi.

Ngành CN thuốc lá can thiệp vào kiểm soát thuốc lá toàn cầu

Chia sẻ về những thách thức do ngành công nghiệp thuốc lá can thiệp vào kiểm soát thuốc lá toàn cầu, TS. Nguyễn Thu Hương – Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu cho biết, mặc dù các công ty thuốc lá gần đây nói nhiều về các sản phẩm “không khói”, “giảm hại” và sự chuyển dịch từ thuốc lá điếu sang các sản phẩm mới, nhưng thực chất thuốc lá điếu vẫn giữ vai trò chủ đạo, là nguồn doanh thu lớn nhất. Theo số liệu thống kê từ công ty BAT toàn cầu, số lượng thuốc lá điếu năm 2022 là 605 tỷ điếu, lớn hơn nhiều so với số điếu thuốc lá nung nóng. Số lượng thuốc lá điếu bán ra toàn cầu vẫn là 621 tỷ điếu (năm 2022), chỉ giảm nhẹ (0.5%) so với năm 2021.

Theo TS. Nguyễn Thu Hương, thuốc lá điếu vẫn là mối nguy hại lớn nhất và các hình thức thúc đẩy sản phẩm, quảng cáo, tạo dựng hình ảnh, can thiệp chính sách cũng ngày càng tinh vi hơn. Do đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức và thúc đẩy các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nhất là giới trẻ; Đẩy mạnh các chính sách giảm cầu như tăng thuế; Nên cấm các sản phẩm thuốc lá mới để ngăn chặn nạn dịch mới.

Nguyễn Hà/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận