Trong khi đó, mỗi tháng có thêm 10,5 thương hiệu và 242 hương liệu mới thuốc lá điện tử. Đây thực sự là một mối lo, xoay quanh vấn đề này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Th.S BS Đinh Thị Hải Yến - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC).
Các công ty sản xuất thuốc lá đang sử dụng những chiêu trò tinh vi nào để thu hút và duy trì người tiêu dùng?
Một trong những chiêu trò của ngành công nghiệp thuốc lá trong quảng cáo đó là sử dụng những thuật ngữ. Từ mà chúng ta hay nghe đó chính là “Thuốc lá thế hệ mới”. Khi đã dùng từ này sẽ gây ra cho người đọc, người nghe nghĩ về một sản phẩm rất phù hợp với thời đại và mang tính tích cực.
Thứ hai đó là, họ tạo ra những sản phẩm có hình mẫu, kiểu dáng rất đẹp. Ví dụ dành cho phụ nữ thì có màu sắc bắt mắt, nhỏ gọn... Họ bỏ ra rất nhiều tiền để nghiên cứu tạo ra những mẫu mã người dùng rất chuộng.
Thậm chí cả tỷ đô la được bỏ ra để nghiên cứu tâm lý của người trẻ hiện nay để đánh trúng tâm lý. Tinh vi hơn nữa, những sản phẩm thuốc lá hiện nay đóng trong những chai tinh dầu rất đẹp.
Người dùng sẽ nghĩ, một sản phẩm đẹp như vậy sao mà có hại được. Những tinh dầu đó được trộn nhiều loại mùi hương khác nhau, có đến 15.000 loại mùi khác nhau. Có những mùi rất thân thuộc như socola, mùi thực phẩm...
Bên cạnh đó, một số KOLs có ảnh hưởng đến giới trẻ hoặc có sự xuất hiện của người trẻ sử dụng sản phẩm đó, quay clip và tung lên các nền tảng xã hội. Giới trẻ luôn có khao khát mình sẽ ở nhà sang, mình đi xe đẹp, .... KOLs sẽ thoả mãn điều đó bằng cách ăn mặc sành điệu và sử dụng thuốc lá điện tử.
Điều đó sẽ gieo vào đầu những người trẻ suy nghĩ sử dụng thuốc lá điện tử mới được coi là sành điệu, ngầu, đẳng cấp.
Đó là cách mà ngành công nghiệp thuốc lá đang đánh vào người trẻ.
Vậy những chiêu trò đó đã tác động thế nào đến suy nghĩ, tâm lý của giới trẻ?
Điều này sẽ tạo ra rất nhiều thách thức cho những hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu giảm, nhưng sử dụng thuốc lá điện tử lại gia tăng.
Những thông điệp truyền thông của ngành y tế vẫn còn nhiều khô cứng, ví dụ như thuốc lá có hại bằng đường hút; trong khi đó, những thông điệp quảng cáo của thuốc lá điện tử lại quá lung linh. Điều đó làm cho người trẻ bị ngộ nhận và hiểu nhầm về những thông điệp đó.
Ví dụ như hiện nay một thông điệp quen thuộc mà thuốc lá điện tử đang quảng cáo đó là thuốc lá điện tử không gây hại, dùng thuốc lá điện tử sẽ cai nghiện được thuốc lá điếu... Nhưng rõ ràng, đó là những chiêu trò để đánh lừa người sử dụng.
Thực ra, bản chất thuốc lá vẫn là thuốc lá. Bản chất thuốc lá vẫn là nicotine, vẫn gây nghiện và vẫn gây hại. Thậm chí, thuốc lá điện tử là những tinh dầu bình thường có thể không độc hại nhưng khi đốt nóng lên, sử dụng bằng đường hô hấp thì sẽ kích ứng đường hô hấp thì còn gây ra những cái hại khác nữa.
Chúng ta không hề biết hoá chất trong đó là gì, liều lượng ra làm sao mà đưa vào cơ thể mình thì rõ ràng không an toàn.
Những khuyến cáo của bà là gì, thưa bác sĩ?
Thế hệ trẻ hiện nay nhiều áp lực khác với thế hệ trước. Các bạn lớn lên cùng công nghệ và ảnh hưởng rất nhiều từ công nghệ. Bởi vậy nên các bạn rất dễ dàng tiếp cận thông tin về thuốc lá điện tử.
Còn ngành công nghiệp thuốc lá thì tìm mọi cách để giới trẻ được tiếp cận thông tin quảng cáo về thuốc lá điện tử.
Nếu không tỉnh táo thì rất dễ nhầm lẫn với những lời quảng cáo không đúng sự thật. Một điều nữa là chúng ta cứ nghĩ thuốc lá điện tử không gây nghiện đâu mà chúng ta quên mất rằng nó sẽ có thời gian để nghiện.
Chính sự chủ quan đó làm cho chúng ta nghiện lúc nào không hay. Nguy hiểm hơn nữa, những chất tinh dầu đó cũng rất dễ để trộn lẫn chất ma tuý để qua mặt cơ quan chức năng.
Và việc sử dụng thuốc lá điện tử sẽ dẫn đến nguy cơ có một ngày chúng ta sẽ nghiện chất khác.
Đến nay, đã có 32 quốc gia cấm thuốc lá điện tử, 79 quốc gia quy định quản lý thuốc lá điện tử rất chặt chẽ và 16 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng. Tại Đông Nam Á, có 5 quốc gia đã cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Theo quan điểm của bà, Việt Nam cần có giải pháp gì siết chặt thuốc lá điện tử?
Trước vấn đề thuốc lá điện tử gia tăng trong giới trẻ, đã có rất nhiều giải pháp, đặc biệt đẩy mạnh lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong hoạt động giáo dục.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là từ phía gia đình. Tôi hy vọng là phụ huynh của các em sẽ lưu tâm nhiều hơn, quan tâm con mình nhiều hơn và chính phụ huynh sẽ là người nói cho các con cặn kẽ hơn nữa về những chiêu trò của ngành công nghiệp thuốc lá.
Khi phát hiện những bất ổn từ con, phụ huynh nên giúp đỡ con vượt qua được giai đoạn dậy thì, để các con không tìm tới thuốc lá điện tử hoặc các chất gây nghiện khác để giải toả tinh thần.
Tôi cũng như các bậc phụ huynh khác đều mong sớm ban hành nghị quyết cấm lưu hành thuốc lá điện tử để bảo vệ thế hệ tương lai.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Theo VOVGIAOTHONG.VN