Thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Đổi mới đề thi ngay từ bây giờ để chống sốc cho học sinh

Bộ GDĐT cần hướng dẫn,để các Sở GD-ĐT, các trường THPT đổi mới đề thi ngay từ học kỳ 1 năm học này, tránh đến năm 2025 bắt học sinh tiếp cận ngay với đề thi mới

 

Ngày 29/11, Bộ GD-ĐT vừa công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó thí sinh sẽ thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Trao đổi về phương án thi tốt nghiệp THPT, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên THPT tại Hà Nội cho rằng, dù còn nhiều tranh cãi song đa số ý kiến đồng tình phương án thi này vì đáp ứng được yêu cầu gọn nhẹ, ít tốn kém, giảm căng thẳng cho học sinh. 2 môn Ngữ văn, Toán cũng là 2 môn nền tảng, căn bản, các môn học khác học sinh có thể tự lựa chọn theo định hướng riêng.

Thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng, phương án đã có, nhưng điều quan trọng là triển khai thế nào khi thời gian chuẩn bị còn lại rất ngắn chỉ khoảng 1 năm rưỡi.

Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ gồm 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. (Ảnh minh họa)

“Chương trình GDPT mới 2018 đã triển khai được 4 năm với những điểm khác biệt căn bản là chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực. Theo quan sát của tôi, các bài kiểm tra, đánh giá của các trường, sở GD-ĐT với học sinh đang học chương trình mới, SGK mới chưa có gì thay đổi nhiều, cơ bản vẫn như cũ, dẫn đến rất khó thay đổi cách dạy, cách học.

Bộ GD-ĐT cần hướng dẫn, tuyên truyền để các Sở GD-ĐT, các nhà trường nắm được tinh thần này và đổi mới đề thi ngay từ học kỳ 1 năm học này, tránh trường hợp đến năm 2025 “đùng một cái” bắt học sinh tiếp cận đề thi kiểu mới thì tất cả sẽ “việt vị”, thầy Trần Mạnh Tùng lo ngại.

Giáo viên này cũng cho rằng, xưa nay, giáo dục vẫn chủ yếu theo hướng "học để thi", “học gì thi nấy”. Để việc học có hiệu quả, thì thi cử cần quay về đúng mục đích ban đầu của nó là "học gì thi nấy”. Đây là bài toàn khó nhất, song nhất định phải làm. Muốn vậy trước tiên cần thay đổi cách đánh giá trong nhà trường, xây dựng ngân hàng đề thi để học sinh không cần học tủ, không cần luyện thi, từ đó thay đổi cách dạy và học.

Đặc biệt cần thay đổi nhận thức của người học, xã hội về việc học. Học để hiểu, để làm, vận dụng, học cho chính bản thân mình.

Đây là một quan niệm tích cực, học tập để tiến bộ chứ không chỉ để vượt qua một kỳ thi. Nếu vậy, tất cả các môn học sẽ đều quan trọng, việc học không bị phụ thuộc vào việc môn nào thi môn nào không thi.

“Làm được như vậy chúng ta sẽ xây dựng được một xã hội học tập đúng nghĩa. Đây là trọng trách của ngành giáo dục nhưng cũng cần sự tham gia của các lực lượng khác, cần làm ngay, làm mạnh mẽ và quyết tâm bằng được, đây là cơ hội để thay đổi căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà”, thầy Trần Mạnh Tùng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở GDPT và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Theo thầy Trần Mạnh Tùng, việc ghép “2 trong 1” đã không còn phù hợp bởi mục đích của các kỳ thi rất khác nhau. Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT nên làm đúng vai trò của mình là xét tốt nghiệp. Kết quả này có thể là một căn cứ về mặt dữ liệu cho việc tuyển sinh, song đây chỉ nên là tiêu chí phụ, mang tính tham khảo, không nên là căn cứ trực tiếp, quyết định việc tuyển sinh đại học, cao đẳng. Các trường cao đẳng, đại học cũng cần tự chủ hoàn toàn trong tuyển sinh theo Luật Giáo dục đại học 2018.

Sẽ công bố mô phỏng định dạng đề thi mới

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-DT) Huỳnh Văn Chương cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục nghiên cứu để xây dựng thư viện/ngân hàng đề thi chung, khi đủ điều kiện sẽ thực hiện phân cấp cho các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp THPT thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia trong cùng một thời điểm như hiện nay. Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy theo điều kiện thực tế có thể điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước.

Về thời gian công bố đề minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, về nguyên tắc, đề thi minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025 sẽ công bố khi học sinh học tới chương trình lớp 12. Hiện lứa học sinh này đang ở giai đoạn học kỳ 1 của lớp 11. Tuy nhiên, đánh giá việc có đề minh họa có vai trò quan trọng trong dẫn đường, định hướng quá trình ôn tập của giáo viên, học sinh nên lãnh đạo Bộ GD-ĐT quyết định ngay khi thử nghiệm định dạng cấu trúc đề minh họa sẽ có đề mô phỏng định dạng đề thi.

Nội dung đề mô phỏng có thể chỉ là kiến thức lớp 10, 11 nhưng có ý nghĩa trong việc chỉ rõ cho thí sinh và giáo viên biết năng lực nào cần quan tâm, hàm lượng kiến thức như thế nào, cách thức ra đề thi ra sao. Dự kiến đề mô phỏng sẽ được thực hiện trong quý 4/2023.

Ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết thêm, song song với việc chuẩn bị cho phương án thi từ năm 2025, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo từ rất sớm việc nghiên cứu cấu trúc, định dạng và ngân hàng đề thi. Định dạng và cấu trúc của đề thi 2025 đáp ứng mục tiêu đánh giá năng lực, đáp ứng theo yêu cầu của chương trình mới và có tính kế thừa, vì học sinh thi năm 2025 là lứa học sinh đầu tiên của chương trình mới, các em chỉ có 3 năm để học chương trình 2018. Ngoài ra, định dạng đề thi sẽ cân đối giữa các môn, tránh được độ lệch điểm lớn giữa một số môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận